Chiến sự tại Ukraine: Nghĩ về triết lý ngoại giao
Trước nguy cơ bị can thiệp và biến thành nơi cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn, nước nhỏ với vị trí địa chính trị trọng yếu cần linh hoạt, mềm dẻo và thực dụng trong chính sách đối ngoại.
Thành công của Thái Lan
Khái niệm “ngoại giao cây tre” đề cập tới quan niệm coi mỗi nước cùng các lợi ích quốc gia như bụi tre, sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều luồng gió khác nhau đến từ các quyền lực bên ngoài. Để tồn tại và đứng vững, các chính sách đối ngoại phải linh hoạt và thực dụng. Đây chính là hai nguyên tắc nền tảng của ngoại giao cây tre, với mục tiêu tối thượng là độc lập dân tộc và bảo vệ các lợi ích quốc gia gắn với từng thời kỳ khác nhau.
Thái Lan là nước thường được nhắc đến với sự thành công của chính sách ngoại giao mềm dẻo |
Thái Lan là nước thường được nhắc đến với sự thành công của chính sách ngoại giao mềm dẻo. Trong khoảng 4 thế kỷ gần đây, các chính quyền ở Thái Lan luôn kiên định các lợi ích cốt lõi trong khi lại có thể linh hoạt các biện pháp nhằm ứng biến với sự thay đổi bối cảnh chính trị quốc tế.
Từ cuối thế kỷ 19, triết lý ngoại giao linh hoạt được coi là yếu tố chủ chốt giúp Thái Lan giảm thiểu được nguy cơ bị can thiệp bởi các thế lực nước ngoài, bảo toàn được nền độc lập, tránh không bị đô hộ trực tiếp bởi chủ nghĩa thực dân như các quốc gia láng giềng.
Cụ thể hơn, giai đoạn Vua Chulalongkorn trị vì đất nước (1868-1910), Thái Lan cân bằng mối quan hệ với cả Anh và Pháp để tránh họa thực dân đô hộ. Giai đoạn 1939-1944, Thái Lan quan hệ hữu hảo với Nhật Bản; từ 1945-1957 thì nghiêng về Mỹ và phương Tây. Thời kỳ chiến tranh lạnh (1960 - cuối 1980), Thái Lan thúc đẩy quan hệ với Mỹ và ASEAN.
Những năm đầu thế kỷ 21, Thủ tướng Thaksin Shinawatra đẩy mạnh quan hệ kinh tế với Mỹ và thắt chặt quan hệ chính trị với các nước ASEAN. Từ sau năm 2010, chúng ta chứng kiến những dấu hiệu phát triển quan hệ nồng ấm hơn giữa Thái Lan với Trung Quốc.
Chính sách ngoại giao của Thái Lan là sản phẩm từ sự kết hợp giữa tư duy thực dụng (tối đa hóa lợi ích quốc gia, đề cao sự sinh tồn, cân bằng các quan hệ quyền lực) với những ý niệm truyền thống về độc lập dân tộc cũng như các giá trị văn hóa, tư tưởng, chuẩn mực và thông lệ ứng xử hình thành trong lịch sử nước này.
Điểm chung của chính sách đối ngoại qua các thời kỳ là Thái Lan luôn có được quan hệ hữu hảo với các quốc gia và tổ chức quyền lực nhất. Cũng vì thế, họ không chỉ duy trì được nền độc lập và tự chủ mà còn tận dụng được cơ hội phát triển.
Tình huống tại Ukraine
Ukraine vốn là một thành viên thuộc Liên bang Xô Viết, tách ra thành quốc gia độc lập từ năm 1992. Giữa Ukraine và Nga có mối quan hệ khá khăng khít trên nhiều phương diện. Bởi thế, từ năm 1992 đến trước 2010, Ukraine vẫn chịu sự ảnh hưởng từ Nga. Tuy nhiên, từ năm 2010 trở lại đây, các chính quyền ở Kiev chủ trương ngả hẳn về phương Tây. Cụ thể hơn, họ không giấu giếm nguyện vọng gia nhập NATO.
Người dân Ukraine sơ tán tránh chiến tranh. Ảnh: AP |
Trước nguy cơ NATO thâu nạp nốt những thành viên cuối cùng của Liên bang Xô Viết và đưa các mối đe dọa an ninh quốc gia tới sát biên giới, Tổng thống Putin coi sự mở rộng về phía Đông của NATO là mối đe dọa hiện hữu. Viễn cảnh Ukraine gia nhập liên minh quân sự của phương Tây bị cho là "hành vi thù địch". Moscow luôn nhấn mạnh quan điểm "Ukraine không chỉ là quốc gia láng giềng, mà là một phần không thể thiếu trong lịch sử, văn hóa và tinh thần của Nga".
Bất chấp những đề xuất và cảnh báo từ phía Nga, NATO không quan tâm hay xem xét lại chính sách kết nạp thành viên mới, trong đó có Ukraine. Cùng với đó, các hành động trấn áp các lực lượng ly khai do chính quyền Ukraine thực hiện nhiều năm qua đã khiến Nga đi tới quyết định can thiệp quân sự vào ngày 24/2.
Hệ quả dễ thấy nhất là chính quyền của Tổng thống Volodymyr Zelensky đang phải đương đầu với quân đội Nga - một đội quân hùng mạnh bậc nhất thế giới hiện nay. Những thiệt hại về người và cơ sở vật chất đã xảy ra. Nghiêm trọng hơn, sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine không còn được bảo đảm, nguy cơ đất nước bị đưa trở lại vòng kiểm soát và ảnh hưởng của nước lớn ngày càng trở nên rõ hơn.
Cây tre Việt Nam
Chính sách đối ngoại của Thái Lan và Ukraine đang cung cấp hai cách tiếp cận với những kết quả trái ngược nhau. Trước nguy cơ can thiệp từ bên ngoài, Thái Lan theo đuổi nguyên tắc mềm dẻo và thực dụng nhưng nhất quán về nền độc lập dân tộc.
Ứng xử của Thái Lan từ giữa thế kỷ 20 đến nay cho thấy họ có thể nhanh chóng thay đổi ưu tiên chính sách đối ngoại nhằm xây dựng quan hệ hữu hảo và cân bằng với các nước lớn, cũng như hài hòa trong quan hệ với các nước láng giềng. Thái Lan không chạy theo những tư tưởng, giá trị, hay lợi ích của nước khác mà luôn dựa vào truyền thống và kiên định lợi ích quốc gia để linh hoạt điều chỉnh ưu tiên chính sách trong quan hệ quốc tế.
Ngược lại, bất chấp những mối quan hệ truyền thống hết sức đặc biệt với nước Nga và thực tế cơ hội để gia nhập NATO vẫn còn rất mong manh, các chính quyền gần đây của Ukraine không chỉ cứng rắn trong quan hệ với Nga mà còn tỏ ra đặc biệt đề cao việc gia nhập liên minh phương Tây. Họ đã coi nhẹ nguy cơ bị can thiệp bởi một nước lớn láng giềng trong khi còn mơ hồ về khả năng giúp đỡ của các đồng minh tiềm năng.
Rước cờ Ukraine tại sân vận động Olympic ở thủ đô Kiev hôm 16/2. Ảnh: Reuters |
Hệ quả nhãn tiền là, với sự can thiệp của quân đội Nga hiện nay, nền độc lập dân tộc và các lợi ích quốc gia khác của Ukraine đứng trước nhiều nguy cơ nghiêm trọng.
Phát biểu mới đây tại hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh “ngoại giao cây tre Việt Nam”. Theo đó, lợi ích quốc gia, dân tộc được coi là mục đích cao nhất, là cơ sở gốc rễ cho các chính sách đối ngoại của Việt Nam. Cây tre ngoại giao Việt Nam có gốc phải vững, thân phải chắc, và cành phải uyển chuyển để thích ứng với từng bối cảnh cụ thể.
Sự kiên định về lợi ích quốc gia, linh hoạt và mềm dẻo, quyết đoán và nhún nhường, thực tế và thực dụng trong từng hành động chính sách đối ngoại sẽ bảo đảm cho Việt Nam giảm thiểu nguy cơ bị can thiệp từ bên ngoài, bảo vệ được sự toàn vẹn lãnh thổ và tự chủ trong quá trình phát triển đất nước.
Theo Vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/chien-su-tai-ukraine-nghi-ve-triet-ly-ngoai-giao-819396.html
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Vạch trần những thủ đoạn chống phá, xuyên tạc về Quốc hội Việt Nam