Chính phủ thống nhất 05 chính sách trong dự án Luật Đường sắt (sửa đổi)

Thứ sáu, ngày 8 tháng 3 năm 2024 | 15:32

Tôi muốn biết Chính phủ đã thống nhất 05 chính sách gì trong dự án Luật Đường sắt (sửa đổi)? – Thùy Dân (Bến Tre)

Chính phủ thống nhất 05 chính sách trong dự án Luật Đường sắt (sửa đổi)

Chính phủ thống nhất 05 chính sách trong dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Đây là nội dung được đề cập tại Nghị quyết 26/NQ-CP ngày 29/02/2024 Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 02 năm 2024 do Chính phủ ban hành.

Chính phủ thống nhất 05 chính sách trong dự án Luật Đường sắt (sửa đổi)

Cụ thể, Chính phủ cơ bản thống nhất về sự cần thiết xây dựng, ban hành dự án Luật với 05 chính sách sau:

(1) Về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt;

(2) Về quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt;

(3) Về hoạt động vận tải đường sắt;

(4) Về kết nối các phương thức vận tải;

(5) Về phát triển công nghiệp và nguồn nhân lực đường sắt.

Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật bảo đảm các yêu cầu sau:

- Nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách, bảo đảm tính khả thi, đáp ứng được mục tiêu tại Kết luận 49-KL/TW năm 2023, hoàn thiện các giải pháp chính sách, tạo cơ chế thuận lợi, hiệu quả để huy động tối đa mọi nguồn lực, mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hệ thống giao thông vận tải đường sắt, nhất là đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt đô thị; tập trung ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống giao thông đường sắt, công nghiệp đường sắt hiện đại, đồng bộ, bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình phù hợp; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế;

- Rà soát, hoàn thiện các chính sách về quản lý, đầu tư, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt; quản lý, vận hành, khai thác công trình, dự án; cơ chế khai thác quỹ đất, công trình dịch vụ và công trình kinh doanh dịch vụ thương mại của các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan về quy hoạch, đất đai, ngân sách nhà nước, quản lý, sử dụng tài sản công, đầu tư theo hình thức đối tác công tư,...; nghiên cứu, hoàn thiện quy định về kết nối hiệu quả đường sắt với cảng biển, cảng hàng không....trong mối quan hệ với các quy hoạch của ngành giao thông vận tải, tránh quy định cứng nhắc, lãng phí nguồn lực, bảo đảm tính khả thi;

- Hoàn thiện các giải pháp thực hiện chính sách về phân cấp, phân quyền cho địa phương trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt và thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước...; đánh giá tác động kỹ lưỡng; tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý, đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt; nghiên cứu cơ chế để phân cấp cho địa phương quản lý đầu tư, trật tự an toàn giao thông tại các đường ngang trên địa bàn quản lý bảo đảm đồng bộ, làm rõ trách nhiệm, phù hợp với điều kiện, năng lực của địa phương;

- Hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư, phát triển sản phẩm công nghệ cao, tăng cường chuyển giao công nghệ, từng bước tự chủ trong sản xuất, bảo trì một số loại phương tiện, thiết bị đường sắt, làm chủ công nghệ; hợp tác đào tạo, thu hút chuyên gia, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển đường sắt hiện đại; đồng thời hoàn thiện các chính sách về phát triển công nghiệp đường sắt, nhân lực đường sắt để bảo đảm tính đồng bộ, thúc đẩy ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản lý, vận hành đường sắt thông minh, an toàn;

- Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số; nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và tiếp thu, vận dụng cho phù hợp với thực tiễn của Việt Nam; tăng cường công tác truyền thông để tạo sự đồng thuận cao; tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn để hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật, bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn.

Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Thành viên Chính phủ; chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi) theo Nghị quyết Phiên họp này và quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, gửi Bộ Tư pháp tổng hợp vào Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 (trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XV).

Xem thêm nội dung tại Nghị quyết 26/NQ-CP ngày 29/02/2024.