Chính sách cho học sinh dân tộc chưa theo kịp thực tế

Thứ bảy, ngày 6 tháng 1 năm 2024 | 16:25

Chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho học sinh dân tộc thiểu số, vùng cao những năm qua đã giúp các em yên tâm đến trường, ổn định sĩ số.

 

Chính sách cho học sinh dân tộc chưa theo kịp thực tế

 
0:00/0:00
0:00
GD&TĐ - Chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho học sinh dân tộc thiểu số, vùng cao những năm qua đã giúp các em yên tâm đến trường, ổn định sĩ số.
Bữa ăn bán trú của học sinh Trường Phổ thông DTBT THCS Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài
Bữa ăn bán trú của học sinh Trường Phổ thông DTBT THCS Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài

Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, một số chế độ không phù hợp với điều kiện thực tế và nhận nhiều ý kiến góp ý điều chỉnh.

Tạo điều kiện cho học sinh khó khăn tới trường

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (DTNT) THPT số 2 Nghệ An hiện có khoảng 600 học sinh. Theo Thông tư liên tịch 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT, học sinh là người dân tộc thiểu số đang học ở các trường nội trú được hưởng học bổng chính sách mỗi tháng bằng 80% mức lương tối thiểu của Nhà nước, thời gian 12 tháng/năm. Áp dụng vào mức lương tối thiếu mới, hiện mỗi tháng các em được hỗ trợ 1.440.000 đồng. Số tiền này, các nhà trường sử dụng để tổ chức bữa ăn cho học sinh và trích lại một phần kinh phí để các em chi tiêu tại trường.

Em Chương Văn Nguyện - học sinh lớp 12C1, Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 tỉnh Nghệ An chia sẻ: Mẹ ốm đau thường xuyên nên phải ở nhà, bố làm nông nghiệp. Cả 3 anh em Nguyện biết hoàn cảnh nên bảo ban nhau cố gắng học tập.

“Em may mắn được học tại trường DTNT tỉnh, hưởng chế độ của Đảng và Nhà nước, thầy cô yêu thương quan tâm dạy dỗ. Đây là môi trường lý tưởng đối với học sinh đồng bào dân tộc khó khăn. Em mong Nhà nước duy trì thực hiện các chính sách ưu đãi để chúng em yên tâm học tập, sau này có nghề nghiệp nuôi sống bản thân, giúp ích cho gia đình, quê hương”, Chương Văn Nguyện bày tỏ.

Đối với học sinh thuộc diện dân tộc bán trú, các em được hưởng chế độ theo Nghị định 116/ 2016/NĐ-CP. Thầy Phạm Thắng - Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT THCS Hữu Kiệm (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) cho hay, mỗi tháng, học sinh bán trú được hưởng tiền ăn bằng 40% mức lương cơ sở, không quá 9 tháng/năm học/học sinh, tiền ở bằng 10% lương cơ sở (nếu có chỗ ở bán trú thì trừ đi) và cấp thêm gạo. Theo lương mới, mỗi tháng các em được hỗ trợ 720.000 đồng và 15kg gạo.

“Tuy nhiên, khi xã đạt nông thôn mới, nhiều bản ra khỏi khu vực III đặc biệt khó khăn, học sinh tại đây không thuộc diện hưởng chính sách của Nghị định 116. Trong khi thực tế đời sống kinh tế gia đình học sinh chưa có nhiều cải thiện, vẫn khó khăn, thiếu thốn. Mất chế độ, nguy cơ học sinh THCS bỏ học theo người quen đi làm ăn ở các khu công nghiệp rất lớn”, thầy Phạm Thắng cho hay.

Còn theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đức Sơn, Trường Phổ thông DTBT THCS Hữu Khuông (huyện Tương Dương, Nghệ An) có 200/226 học sinh ở bán trú. Trường đóng ở vùng đặc thù, xã ốc đảo duy nhất của huyện, nằm giữa lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Địa hình chia cắt, cách trở nên việc tổ chức bán trú là giải pháp hữu hiệu để huy động học sinh đến trường, duy trì sĩ số, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Phụ huynh cũng yên tâm khi các em được ăn, ở, chăm sóc tại trường, hưởng đầy đủ mọi quy định của Nhà nước.