Chính sách nhân văn về hỗ trợ nhà ở, giúp hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo

Thứ bảy, ngày 9 tháng 12 năm 2023 | 15:16

Với việc HĐND thành phố Hà Nội khoá XVI thông qua Nghị quyết Quy định việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố Hà Nội ngày 6-12, một chương trình đầu tư lớn sẽ được dành cho người nghèo, hướng tới mục tiêu Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình số 08-CTr/TUHN của Thành ủy Hà Nội. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trò chuyện cùng Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương để làm rõ việc tham mưu triển khai chính sách nhân văn này.

Đầu tư 94,5 tỷ đồng từ ngân sách, 36,9 tỷ đồng từ Quỹ Vì người nghèo

- Thưa bà, với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Chương trình 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã tham mưu lãnh đạo thành phố xây dựng và ban hành nhiều chính sách đặc thù. Mới đây, chính sách xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội biểu quyết thông qua. Bà nhìn nhận thế nào về ý nghĩa của việc này đối với công tác giảm nghèo?

- Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo là một chủ trương lớn, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự chăm lo đến đời sống của các đối tượng yếu thế. Vì vậy, việc Hà Nội ban hành các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ bổ sung kinh phí cho hộ nghèo, hộ cận nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở sẽ góp phần tạo điều kiện cho các đối tượng này có nhà ở an toàn, ổn định để yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Đặc biệt, chính sách này còn góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình 08-CTr/TUHN, mà một trong 27 chỉ tiêu của Chương trình là đến năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố. Nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình 08-CTr/TUHN, thành phố đã ban hành mức chuẩn nghèo và chuẩn trợ cấp xã hội cao hơn mức chuẩn chung của cả nước. Việc ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ giảm nghèo, trong đó tập trung nguồn lực, ưu tiên hỗ trợ các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo được chú trọng, qua đó, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô.

- Các bước tiếp theo sẽ được triển khai ra sao để có thể đưa Nghị quyết vào cuộc sống một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, thưa bà?

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã và đang tích cực tham mưu UBND thành phố và Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội xem xét, ban hành Kế hoạch liên tịch để triển khai thực hiện Nghị quyết. Theo đó, tổng kinh phí thực hiện chương trình dự kiến là 131,4 tỷ đồng, bao gồm 94,5 tỷ đồng từ ngân sách và 36,9 tỷ đồng từ Quỹ Vì người nghèo.

Mức hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo bao gồm: Xây dựng nhà ở theo mức 150 triệu đồng/nhà, trong đó ngân sách hỗ trợ 50 triệu đồng, Quỹ Vì người nghèo hỗ trợ 50 triệu đồng, vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội mức tối đa 50 triệu đồng. Sửa chữa nhà ở theo mức 110 triệu đồng/nhà, trong đó ngân sách hỗ trợ 30 triệu đồng, Quỹ Vì người nghèo hỗ trợ 30 triệu đồng, vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội mức tối đa 50 triệu đồng. Đáng chú ý, với mức vay tối đa 50 triệu đồng/nhà, thời hạn cho vay tối đa lên đến 15 năm, thành phố sẽ hỗ trợ lãi suất cho người vay.

Chúng tôi tin rằng các mức hỗ trợ này sẽ góp phần bảo đảm kinh phí để hộ nghèo, hộ cận nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở theo quy định về chất lượng nhà ở của Bộ Xây dựng, bao gồm: Diện tích sử dụng tối thiểu 30m2, bảo đảm “3 cứng” (nền - móng cứng, khung - tường cứng, mái cứng, và tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên).

trao-qua-cho-tre-em-thuoc-ho-ngheo-soc-son.jpg

Trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được quan tâm tặng quà dịp Tết Trung thu năm 2023

Nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo

- Đến thời điểm này, công tác giảm nghèo năm 2023 đã đạt kết quả ra sao, thưa bà?

- Năm 2023, toàn thành phố giảm được 1.456 hộ nghèo, đạt 226,65% kế hoạch năm. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2023 dự kiến còn 0,03% (tương đương còn 690 hộ nghèo); có thêm 2 quận, huyện không còn hộ nghèo (Hoàng Mai, Mê Linh) và 2 quận không còn hộ cận nghèo (Bắc Từ Liêm, Tây Hồ). Đến nay, thành phố có 18/30 quận, huyện không còn hộ nghèo (gồm 12 quận và 6 huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Mê Linh); 5 quận không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo (Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ).

Hàng loạt chính sách và giải pháp giảm nghèo nhanh, bền vững đã được triển khai đồng bộ, nhân rộng các mô hình hiệu quả. Thành phố cũng đã triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, bố trí ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội hằng năm để bổ sung nguồn vốn cho vay đáp ứng nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Đáng chú ý, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội thành phố đã chủ trì chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô. Tổng nguồn vốn hoạt động của Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội thành phố đến 30-9-2023 đạt 13.635 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 7.139 tỷ đồng, chiếm 52% trên tổng nguồn vốn hoạt động tại Chi nhánh. Dư nợ cho vay thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy đạt 1.684 tỷ đồng cho 32.600 khách hàng vay vốn. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách làm quen với tín dụng ngân hàng, thay đổi cơ bản nhận thức trong sản xuất kinh doanh, sử dụng vốn có hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững.

- Công tác giảm nghèo là một trong những nội dung quan trọng của Chương trình 08 của Thành ủy Hà Nội. Vậy hiệu quả thực hiện công tác giảm nghèo đến nay được lượng hóa như thế nào, thưa bà?

- Cùng với chỉ tiêu đến năm 2025, thành phố Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo, Chương trình 08 còn đặt chỉ tiêu duy trì 100% học sinh khuyết tật, học sinh là đối tượng bảo trợ xã hội, học sinh thuộc hộ nghèo được miễn học phí, và mới đây, HĐND thành phố cũng đã biểu quyết, mở rộng đối tượng học sinh thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ 100% học phí, áp dụng từ đầu năm 2024. Bên cạnh đó là chính sách hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế cho người cao tuổi từ 70 đến dưới 80 tuổi (mở rộng đối tượng, hiện tại là người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên) và người khuyết tật (mở rộng đối tượng, hiện tại là người khuyết tật đặc biệt nặng và nặng). Đồng thời, duy trì tỷ lệ 100% nhân khẩu thuộc hộ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật được miễn tiền mua vé khi sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn của thành phố, tiến tới bổ sung đối tượng là nhân khẩu thuộc hộ cận nghèo được miễn tiền vé.

Hà Nội cũng duy trì thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội, thực hiện các giải pháp đồng bộ giảm nợ bảo hiểm xã hội, mở rộng diện bao phủ, phát triển triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Một số quận huyện còn vận động hỗ trợ thêm để bảo đảm người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ 100% kinh phí đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Thời gian qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội cũng đã đẩy mạnh vận động ủng hộ Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Cứu trợ và các quỹ khác do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội quản lý để triển khai các hoạt động hỗ trợ hộ nghèo, các cá nhân, hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do thiên tai, dịch bệnh... bảo đảm kịp thời, thiết thực, hiệu quả.

Và nay, thông qua việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn Hà Nội, với sự vào cuộc của Quỹ Vì người nghèo, cùng sự đầu tư của ngân sách thành phố, các hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ tích cực tham gia xây dựng nhà ở cho chính mình, chủ động, tự tin vươn lên và từng bước thoát nghèo bền vững.

- Trân trọng cảm ơn bà đã dành thời gian trò chuyện.