Tập trung một số gói tài khóa hỗ trợ cho lĩnh vực cần ưu tiên phát triển. Ảnh tư liệu. |
PV: Hơn 4 năm qua, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hiệu quả, bên cạnh chính sách tài khóa mở rộng, còn có sự phối hợp đồng bộ các chính sách, như chính sách tiền tệ, thu hút vốn, đẩy mạnh đầu tư công… Ông nhìn nhận thế nào về sự phối hợp giữa các chính sách?
TS. Nguyễn Văn Hiến: Để thực hiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, việc áp dụng chính sách tài khóa mở rộng để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, chính sách tài khóa chỉ thực sự phát huy tốt tác dụng khi được triển khai đồng bộ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác như chính sách tiền tệ, thông qua công cụ lãi suất và hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ thị trường vốn… chính sách thu hút vốn trong và ngoài nước, đặc biệt là chính sách đẩy mạnh đầu tư công.
Thời gian qua, dưới sự điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp khá nhịp nhàng với các bộ, ngành khác, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước trong việc tham mưu và triển khai thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô. Nhờ đó mà các chính sách kinh tế vĩ mô đã phát huy tác dụng tương đối tốt trong việc hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, vì một số lý do cả chủ quan lẫn khách quan, nên một số chính sách kinh tế vĩ mô chưa thực sự phát huy tác dụng tốt như chính sách phát triển thị trường vốn, chính sách thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, chính sách thúc đẩy đầu tư công ở một số ngành, lĩnh vực...
PV: Có ý kiến cho rằng, dư địa tài khóa của nền kinh tế Việt Nam không còn nhiều, do vậy, thời gian tới, cần thắt chặt chính sách tài khóa để giữ vững an ninh, an toàn tài chính quốc gia. Ông đánh giá thế nào về ý kiến trên?
TS. Nguyễn Văn Hiến: Trong trường hợp cụ thể của Việt Nam hiện nay, có thể nói đà phục hồi tăng trưởng đã xuất hiện nhưng chưa cao và cũng chưa bền vững. Cụ thể như năm 2022, GDP của tăng trưởng 8,02%, nhưng năm 2023 tụt xuống 5,05%, không đạt mục tiêu đề ra. Dự báo năm 2024 tốc độ tăng trưởng GDP có thể đạt được mục tiêu, nhưng cũng chỉ trên dưới 6%. Bên cạnh đó, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn khá trầm lắng, thị trường bất động sản và thị trường vốn còn rất khó khăn, thị trường xuất khẩu vẫn chưa khởi sắc, khó khăn vẫn còn đang bủa vây doanh nghiệp xuất khẩu lẫn doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho xuất khẩu. Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2024, đã có trên 100.000 doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường, chưa kể rất nhiều doanh nghiệp đang phải hoạt động cầm chừng.
Về đầu tư, mặc dù có khởi sắc nhưng chủ yếu nằm ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); về tiêu dùng, 6 tháng đầu năm 2024 tăng 5,78% so với cùng kỳ, nếu so với thời điểm trước dịch Covid-19 vẫn tăng thấp hơn (trước năm 2019 tăng trưởng tiêu dùng bình quân đạt trên 7%/năm)…
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, những gói hỗ trợ tài khóa với quy mô khá lớn như mấy năm vừa qua đã gây ra khá nhiều khó khăn cho ngân sách nhà nước (NSNN), dư địa tài khóa của nền kinh tế cạn dần và không còn dồi dào như trước, vì vậy việc thực hiện các gói hỗ trợ tài khóa trong năm 2025 và các năm tiếp theo cần dần thu hẹp về quy mô.
Linh hoạt trong quản lý thu, chi Chính sách hỗ trợ tài khóa cho nền kinh tế được thực hiện trong bối cảnh NSNN còn nhiều khó khăn, nguồn thu còn rất hạn chế, điều đó cho thấy ngành Tài chính rất linh hoạt trong công tác quản lý thu, chi NSNN để đảm bảo cùng lúc thực hiện 2 mục tiêu quan trọng: vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế, vừa đảm bảo nguồn thu ngân sách và thực hiện kiềm chế lạm phát. TS. Nguyễn Văn Hiến |
PV: Để đảm bảo an toàn tài chính quốc gia, nhưng vẫn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu đề ra, ông có khuyến nghị gì trong điều hành chính sách tài khóa thời gian tới?
TS. Nguyễn Văn Hiến: Năm 2025 và những năm tới, dự báo tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, phức tạp và bất định, kinh tế trong nước đang dần hồi phục và dự kiến sẽ lấy lại đà tăng trưởng bắt đầu từ năm 2025. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn, kể cả thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước. Do đó, chính sách tài khóa vẫn phải cùng lúc thực hiện nhiều mục tiêu quan trọng là vừa thúc đẩy kinh tế, vừa đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Vì vậy, mức độ nới lỏng hay thắt chặt tài khóa cần được tính toán, cân nhắc thận trọng để đạt được cùng lúc đa mục tiêu nói trên.
Tôi cho rằng, cần giảm dần và tiến tới chấm dứt các gói hỗ trợ tài khóa cho các ngành, lĩnh vực đã phục hồi tốt và đã đi vào qũy đạo tăng trưởng. Tập trung một số gói tài khóa hỗ trợ cho các lĩnh vực còn khó khăn, hoặc các lĩnh vực cần ưu tiên phát triển như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao... Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, quan tâm đầu tư dứt điểm, đồng bộ để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các dự án, công trình trọng điểm quốc gia và của các địa phương.
Tăng cường các biện pháp quản lý thu NSNN, đảm bảo thu đúng thu đủ các sắc thuế. Cần rà soát kỹ các nguồn thu, đặc biệt các nguồn còn khả năng thu lớn nhưng thời gian qua chưa thu được, hoặc tỷ lệ thu chưa cao. Ứng dụng công nghệ cao trong quản lý thu thuế nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho doanh nghiệp, người dân thực hiện kê khai nộp thuế, đồng thời chống gian lận, chống thất thu thuế.
Kiểm soát chặt chẽ các nguồn chi tài chính, kiên quyết cắt giảm các khoản chi kém hiệu quả, hoặc gây lãng phí NSNN; hỗ trợ thực hiện chính sách cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội gắn với đẩy mạnh sắp xếp và tinh gọn bộ máy và thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội.
PV: Xin cảm ơn ông!
Tổng các gói hỗ trợ tài khóa hơn 4 năm lên đến gần 900 nghìn tỷ đồng Theo TS. Nguyễn Văn Hiến, hơn 4 năm qua, do các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, cộng thêm những biến động phức tạp về địa chính trị trên thế giới đã ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế trong nước, sản xuất kinh doanh bị đình đốn, hàng loạt doanh nghiệp phải ngưng hoạt động hoặc phá sản, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng nhanh chóng, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Trước những khó khăn phức tạp như vậy, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp, nhiều gói hỗ trợ tài khóa như gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế. Tổng các gói hỗ trợ tài khóa cho nền kinh tế trong hơn 4 năm qua lên đến gần 900 nghìn tỷ đồng, đây là mức chi tài khóa hỗ trợ kinh tế lớn nhất từ trước đến nay và chưa từng có tiền lệ. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời và vô cùng ý nghĩa này của chính sách tài khóa, cộng với tác động từ chính sách tiền tệ và các chính khác mà nền kinh tế Việt Nam đã dần phục hồi, hàng loạt doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn thử thách, trụ vững trước những khó khăn của thị trường, đời sống nhân dân được đảm bảo, an sinh xã hội đã dần được cải thiện, nền kinh tế Việt Nam trở thành một trong số ít các quốc gia duy trì được nhịp độ tăng trưởng khá cao trong suốt 4 năm qua. |