Nguồn: Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Đồ họa: Văn Chung |
Gần 2.050 chuỗi liên kết được hình thành
Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến cuối năm 2023, cả nước đã có gần 2.050 chuỗi liên kết được hình thành với sự tham gia của 1.250 hợp tác xã nông nghiệp. Trong các năm từ 2018 - 2023, ngân sách trung ương đã phân bổ khoảng 767 tỷ đồng, hỗ trợ các địa phương xây dựng và vận hành gần 1.000 dự án, kế hoạch liên kết phát triển vùng nguyên liệu nông sản.
Có 3 hình thức liên kết trong lĩnh vực nông nghiệp Hiện nay, có ba hình thức liên kết chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp là liên kết tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng giữa doanh nghiệp với nông hộ; liên kết có hỗ trợ đầu tư và tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với nông hộ; liên kết theo chuỗi giá trị khép kín. |
Các mô hình liên kết khép kín chuyên nghiệp đang tăng lên khá nhanh ở các ngành hàng chủ lực như: Lúa gạo, thủy sản (tôm, cá tra), rau quả là các “liên kết 4 nhà” khá chặt chẽ, được tổ chức bài bản từ sản xuất, cung ứng cây, con giống đến hỗ trợ vật tư đầu vào, bao tiêu đầu ra và hỗ trợ quản lý kỹ thuật sản xuất cũng như bảo lãnh vay vốn ngân hàng.
Theo Bộ NN&PTNT, chủ trương đầu tư các vùng nguyên liệu nông sản chủ lực gắn với phát triển bền vững hiện nay đang được ngành này thúc đẩy đầu tư khá mạnh. Trên quy mô cả nước, hiện Đề án xây dựng 5 vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn giai đoạn 2022 - 2025 đã được 13 địa phương triển khai kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn đầu tư hợp tác để phát triển. Nhu cầu vốn tín dụng để các địa phương hình thành các mô hình chuỗi liên kết vùng nguyên liệu trong các năm 2024 - 2025 ước khoảng 552,3 tỷ đồng.
Hiện nay, hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) và Công ty Bảo hiểm ABIC đã cam kết sẽ triển khai tài trợ vốn và phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp cho các vùng nguyên liệu. Bộ NN&PTNT khuyến khích tất cả các tổ chức tín dụng tham gia hợp tác với các địa phương để hoàn thành đề án này.
Về phía địa phương, thực tế tại một số tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các chi nhánh Agribank đang chuẩn bị triển khai cho vay phát triển vùng nguyên liệu thông qua các gói tín dụng bảo lãnh, bao gồm cho vay sỉ thông qua hợp tác xã, cho vay thế chấp bằng hợp đồng liên kết sản xuất và thu mua giữa 3 bên (ngân hàng - doanh nghiệp liên kết thu mua nông sản - hợp tác xã) và cho hợp tác xã vay thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay và vốn góp của hợp tác xã. Ví dụ, tỉnh Cà Mau đã xây dựng được khoảng 20 chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nuôi tôm. Các liên kết của các công ty như: Tập đoàn Minh Phú, Tài Kim Anh… đều đã được các tổ chức tín dụng tham gia tài trợ vốn và phát triển các dịch vụ hỗ trợ thanh toán, giải ngân khoản vay.
Cùng với Agribank, hiện nay một số ngân hàng khác như NamABank, LPBank, HDBank, MB, SHB… cũng đã triển khai các chương trình tín dụng hướng vào các mô hình liên kết chuỗi giá trị nông sản như Ngân hàng NamABank đang cho vay các chuỗi ngành hàng thủy sản với lãi suất 3%/năm (đối với USD) và từ 8%/năm (đối với VND). SHB, HDBank tài trợ vốn cho cho các dự án sản xuất, chế biến lúa gạo có liên kết sản xuất tiêu thụ với nông dân đáp ứng các tiêu chí sản xuất xanh.
Tín dụng theo chuỗi giá trị là xu hướng tất yếu
Ảnh minh họa |
Đánh giá về ý nghĩa việc cho vay theo chuỗi giá trị, TS.Trương Thị Thu Trang - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng, tín dụng chuỗi giá trị nông nghiệp là xu hướng để phát triển nền nông nghiệp hiện đại, qua đó giúp giải quyết nhu cầu tài chính của tất cả các tác nhân tham gia trong chuỗi từ sản xuất, chế biến và phân phối. Thông qua tín dụng theo chuỗi, tất cả các tác nhân tham gia phải tuân thủ cam kết vì lợi ích chung để đạt được mục tiêu đề ra.
TS. Nguyễn Tiến Định - Trưởng Phòng Kinh tế Hợp tác và Trang trại, Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết thêm, thay vì đánh giá dựa vào tài sản thế chấp thì cho vay theo chuỗi giá trị dựa vào khả năng thanh toán của nông dân và hợp tác xã, bằng cách xem xét lịch sử sản xuất, quá trình sản xuất và khả năng giao dịch của các đối tượng. Loại hình tín dụng theo chuỗi giá trị thể hiện một tam giác chuỗi giá trị tài chính được hình thành giữa người mua, người bán và các tổ chức tài chính, các bên tham gia trong mô hình tài chính. Qua đó, đưa ra các thỏa thuận bao gồm điều kiện thông tin sản phẩm, thông tin tài chính và phương thức các bên liên lạc trao đổi thông tin cũng như cách thức vận hành rủi ro.
“Việc thực hiện các mô hình cho vay theo chuỗi giá trị nông nghiệp sẽ góp phần hoàn thiện các chương trình, đề án trọng điểm mà Bộ NN&PTNT đang triển khai và thực hiện thành công Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2050 của Chính phủ” - TS. Nguyễn Tiến Định khẳng định.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho hay, cho vay theo mô hình liên kết vẫn còn một số hạn chế như: Tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết tại một số địa phương chưa chặt chẽ; số lượng doanh nghiệp có đủ năng lực tổ chức, quản trị để làm vai trò đầu mối của chuỗi liên kết chưa nhiều; khả năng hợp tác, liên kết người dân còn yếu, xảy ra nhiều trường hợp phá vỡ liên kết khi giá sản phẩm tăng đột biến...
Có thể thấy, cho vay theo mô hình liên kết có nhiều tính ưu việt so với cho vay truyền thống nhưng cũng có những hạn chế cần tháo gỡ. Vì vậy, để phát triển cho vay theo chuỗi giá trị, ông Phạm Xuân Hòe - nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) nhấn mạnh, cần ban hành nghị định riêng về hình thành và cho vay theo chuỗi giá trị đối với nông sản chủ yếu của Việt Nam; xây dựng khung pháp lý về hợp đồng kinh tế dân sự có chế tài xử lý cụ thể với chủ thể tham gia trong chuỗi khi vi phạm hợp đồng cam kết; xây dựng bộ quy tắc ứng xử mẫu của các thành viên trong chuỗi giá trị…
TS. Nguyễn Tiến Định đề xuất, nghiên cứu sửa đổi chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn; xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Chương trình tín dụng sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định Phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030"; triển khai mô hình thí điểm tài chính chuỗi giá trị trong các chương trình, đề án của Bộ NN&PTNT đang triển khai, như cho vay thế chấp bằng hợp đồng liên kết sản xuất và thu mua nông sản giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, nông dân…/.
Hướng dòng vốn vào chuỗi nông nghiệp, nông thôn Việc hướng dòng vốn lớn vào chuỗi nông nghiệp, nông thôn là một trong các nội dung quan trọng trong Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 2/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới. Chỉ thị 10 nêu rõ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất ưu đãi, đáp ứng đủ nhu cầu tín dụng phục vụ thu mua lúa và xuất khẩu gạo, nhất là thu mua lúa hàng hóa vụ Đông Xuân 2023-2024 tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét ban hành Chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long giữa hợp tác xã với doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.
|