Choáng váng với mức tăng giá căn hộ tại TP.HCM, thiết lập kỷ lục 64 triệu đồng/m2
Trong quý I/2022, mặt bằng giá căn hộ tại Hà Nội ghi nhận mức 45 triệu đồng/m2, tăng 5% so với quý trước. Trong khi đó, tại TP.HCM, mặt bằng căn hộ ghi nhận ở mức 64 triệu đồng/m2, tăng 9% so với quý trước.
Trong vài năm gần đây, nguồn cung căn hộ tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM giảm rất mạnh, khiến thị trường trở nên “khát” nguồn cung. Cũng chính vì vậy, giá căn hộ tại 2 đô thị này không ngừng leo thang.
Choáng váng với mức tăng giá căn hộ tại Hà Nội và TP.HCM
Đầu năm 2020, vào thời điểm đại dịch COVID-19 mới bắt đầu ảnh hưởng tại Việt Nam, bà Đỗ Tuyết, một người dân có nhu cầu mua nhà cho rằng giá căn hộ tại TP.HCM sẽ hạ nhiệt và chờ đợi để lựa chọn một căn hộ phù hợp với túi tiền.
Tại TP.HCM, mặt bằng căn hộ ghi nhận ở mức 64 triệu đồng/m2, tăng 9% so với quý trước.
Tuy nhiên, càng chờ đợi, bà Tuyết càng thất vọng, khi giá căn hộ tại TP.HCM không những không hạ, mà tăng rất mạnh. Đặc biệt là trong giai đoạn cuối năm 2021, và đầu năm 2022.
“Đầu năm 2020, tôi dự kiến mua một căn hộ 2 phòng ngủ tại Thủ Đức với giá khoảng 2,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng tại dự án đó, nhưng sang năm 2021 đã tăng lên 2,4 tỷ đồng. Cho tới nay, dự án này không còn hàng, nhưng trên thị trường thứ cấp, có người rao bán tới 2,5 - 2,6 tỷ đồng”, bà Tuyết nói.
Tương tự, ông Hoàng Hiệp cũng dự kiến mua một căn hộ 70m2, 2 phòng ngủ tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) để làm quà cưới cho con trai chuẩn bị lấy vợ. Thế nhưng, mỗi một thời điểm, ông Hiệp lại nhận được một mức giá khác nhau của đơn vị môi giới theo lũy tiến.
“Tháng 10 năm ngoái, tôi hỏi giá dự án này thì được môi giới báo giá 36 triệu đồng/m2. Nhưng đến tháng 3 vừa qua hỏi lại đã tăng lên 40 triệu đồng/m2. Và theo giải thích của môi giới, giá nhà tăng là do lạm phát, giá sắt thép, vật liệu tăng thì giá nhà phải tăng”, ông Hiệp chia sẻ.
Chia sẻ với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Nguyễn Trung Tuấn, chuyên gia bất động sản cho biết: Có rất nhiều yếu tố khiến giá nhà, giá căn hộ tại Hà Nội và TP.HCM tăng mạnh trong thời gian qua. Trong đó, giá vật liệu tăng cao, giá xăng dầu, sắt thép đều tăng cũng là một yếu tố khiến giá nhà tăng.
Bên cạnh đó, một yếu tố khác chính là nguồn cung trên thị trường đang rất khan hiếm. Lợi dụng điều này, một số chủ đầu tư cũng “tự tiện” tăng giá sản phẩm lên cao.
Đó là chưa kể một số dự án nằm ở khu vực quy hoạch dự án mới, cũng tăng giá tát nước theo mưa, như một số dự án chung cư tại thành phố Thủ Đức (TP.HCM), hoặc khu vực đường vành đai 2,5 đang triển khai tại Hà Nội.
“Trước đây, nhiều người nghĩ rằng, khu vực quận Thủ Đức (cũ) là vùng ven đô, giá căn hộ đường nhiên sẽ rẻ hơn khu vực trung tâm. Điều đó đúng, nhưng chỉ đúng vào 10 năm trước. Hiện nay, Thủ Đức là khu vực có tốc độ tăng giá mạnh nhất, có thể chưa bằng khu vực trung tâm, nhưng giá bán không cách biệt quá xa. Điều này cũng xảy ra chuyện tương tự tại Gia Lâm, một huyện ngoại thành của Hà Nội”, ông Tuấn nói.
TP.HCM thiết lập kỷ lục giá căn hộ, tăng 9% trong 1 quý
Theo khảo sát của Đất xanh Services, trong quý I/2022, Hà Nội ghi nhận thêm 4.900 căn hộ mới, tăng 36% theo quý. Nguồn cung sơ cấp ghi nhận 13.700 căn hộ. Trong khi đó, nguồn cung thứ cấp tại thị trường TP.HCM, quý I/2022 ghi nhận ở mức 2.166 căn hộ, giảm 55% so với quý IV/2021.
Giá căn hộ ở các đô thị lớn không ngừng tăng cao.
Như vậy, có thể thấy số lượng các dự án mở bán mới tại TP.HCM giảm đáng kể trong khi nguồn cung tại Hà Nội vẫn tăng mạnh.
Theo Đất xanh Services, nhiều nguyên nhân dẫn đến nguồn cung mở bán mới tại TP.HCM giảm, tuy nhiên, vấn đề chính là do quá trình cấp phép cho các dự án mới chậm và quỹ đất hạn chế.
Khi quỹ đất của tại TP.HCM hạn chế làm cho nguồn cung trở nên khan hiếm, mặt bằng giá bất động sản ngày càng leo thang đi đôi với áp lực hạ tầng do gia tăng dân số và nhu cầu tách khẩu của khu vực này.
Cũng theo Đất xanh, trong quý I/2022, mặt bằng giá căn hộ tại Hà Nội ghi nhận mức 45 triệu đồng/m2, tăng 5% so với quý trước. Trong khi đó, tại TP.HCM, mặt bằng căn hộ ghi nhận ở mức 64 triệu đồng/m2, tăng 9% so với quý trước.
Với nhu cầu mạnh mẽ, tỷ lệ hấp thụ từ người mua trong nước vẫn ở mức tốt khi ghi nhận tỷ lệ bán lũy kế đạt 80% tại Hà Nội và 88% tại TP.HCM.
Trong hai năm tới, nguồn cung căn hộ tại thị trường Hà Nội được dự báo sẽ có thêm khoảng 54.000 sản phẩm, tập trung chủ yếu tại khu vực ven đô, ngoại thành như Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Long Biên, Hoàng Mai, Thanh Trì…
Còn tại TP.HCM được kỳ vọng sẽ có thêm khoảng 50.000 sản phẩm mới, tập trung chủ yếu tại TP. Thủ Đức, khu Nam và khu Tây.
Nguồn Congluan.vn
https://congluan.vn/choang-vang-voi-muc-tang-gia-can-ho-tai-tphcm-thiet-lap-ky-luc-64-trieu-dong-m2-post188361.html
- Bất động sản: Cú vấp với ‘Ba lằn ranh đỏ’ của Trung Quốc và bài học cho Việt Nam
- Trung Quốc làm gì để giải cứu thị trường bất động sản?
- Thiết kế chính sách phát triển nhà ở xã hội dựa trên lợi ích và nhu cầu
- Những khó khăn chính của thị trường bất động sản Việt Nam và giải pháp tháo gỡ
- Các ông trùm bất động sản mất 65 tỷ USD vì chính sách Thịnh vượng chung của Trung Quốc
- Bị thu hồi dự án gần 800 ha, doanh nghiệp khởi kiện tỉnh Lâm Đồng
- Phát lộ những lần điều chỉnh ‘nhồi’ cao ốc vào ‘con đường đau khổ’ Lê Văn Lương
- Hơn 2,2 triệu tỷ cho vay bất động sản, Ngân hàng Nhà nước chỉ rõ mối nguy cơ
- 13 dự án chung cư dọc tuyến đường Lê Văn Lương nhiều sai phạm