Chọn ngành, chọn trường: Nguyện vọng của con hay kỳ vọng của bố mẹ?
Đứng trước ngưỡng cửa chọn ngành, chọn nghề, nhiều sĩ tử dự thi THPT Quốc Gia không tránh khỏi lo lắng, hoang mang trước những áp lực và định hướng “thái quá” của một số phụ huynh.
Trong cuộc đua chen chân vào đại học, không chỉ riêng sĩ tử mà cả phụ huynh cũng luôn là những người chịu căng thẳng, áp lực. Kỳ vọng và định hướng có phần chủ quan của phụ huynh đã khiến cho nhiều sĩ tử phải lựa chọn ngành nghề mà bố mẹ mong muốn.
“Trường top thì tương lai mới rộng mở”
Ngọc Trâm (lớp 12, trường THPT Chu Văn An, Thanh Hóa) đã bắt đầu luyện đề ôn thi đại học từ cuối năm lớp 10 theo như định hướng của gia đình. Trâm cho biết, bố mẹ đã hướng cho Trâm phải đậu được trường Đại học Ngoại thương với suy nghĩ “sau này ra trường mới có cơ hội tìm được việc làm tốt với thu nhập cao, trường top bao giờ cũng dễ xin việc hơn”.
Nguyện vọng chọn ngành, chọn trường là áp lực của cả học sinh và phụ huynh.
Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, khi kì thi chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ diễn ra, Trâm vẫn mơ hồ về ngôi trường mà mình đã điền nguyện vọng.
“Tôi thích vẽ và cảm thấy bản thân có năng khiếu. Tôi muốn thi vào trường Kiến trúc Hà Nội nhưng khi đề xuất, bố mẹ tôi ngay lập tức phản đối vì cho rằng học kiến trúc rất khó xin việc”- Trâm cho hay.
Cũng chịu sự kỳ vọng lớn từ gia đình, Minh Nhật, học sinh lớp 12 một trường THPT ở Hà Nội được bố mẹ định hướng thi vào ngành công nghệ thông tin của Đại học Bách Khoa Hà Nội vì đây là ngành hot hàng đầu. Hơn hết, bố của Minh Nhật lại làm việc trong ngành này.
Minh Nhật nói: “Bố mẹ tôi đã đầu tư một chiếc laptop mới và mọi đồ dùng học tập đắt tiền. Công việc rất bận nhưng bố mẹ vẫn lên kế hoạch đưa đón đến trung tâm học thêm và kiểm tra bài vở thường xuyên. Thậm chí, bố mẹ còn lắp camera trong phòng học để theo dõi quá trình ôn thi của tôi”
Cậu bạn đã bày tỏ sự lo lắng khi đăng ký nguyện vọng vào khối ngành công nghệ thông tin của trường Đại học Bách Khoa: “Tôi không thực sự yêu thích một ngành nghề nào nên quyết định đặt nguyện vọng theo ý bố mẹ. Nhưng hiện tại, chỉ còn hơn 1 tháng ôn thi, tôi không đủ tự tin có thể chen chân vào khối ngành này vì tỷ lệ cạnh tranh rất cao”.
Có phải lúc nào áp lực cũng tạo kim cương?
Kỳ thi THPT Quốc gia được xem như kỳ thi quan trọng nhất của học sinh. Áp lực, căng thẳng là điều không thể tránh khỏi nhưng có phải lúc nào áp lực cũng tạo kim cương?
Chị Nguyễn Hồng (Hà Nội) có hai người con trai được định hướng theo ngành Luật. Ba năm trước cậu con trai cả sinh năm 2001 thi vào Đại học Luật Hà Nội theo đúng kỳ vọng của bố mẹ với số điểm 27.25.
Tuy nhiên, chỉ sau một năm theo học, anh đã bỏ học rồi giấu bố mẹ đi làm bên ngoài do cảm thấy không phù hợp khiến vợ chồng chị Hồng không tránh khỏi thất vọng.
Đến cậu con trai thứ hai, vợ chồng chị không còn áp đặt con nữa mà để con tự chọn theo sở thích và năng lực bản thân. Chị Hồng chia sẻ: “ Tôi vẫn mong muốn con có thể theo ngành học mà gia đình định hướng. Nhưng nếu con có yêu thích ngành khác, gia đình cũng sẽ ủng hộ con để tránh trường hợp không mong muốn lại xảy ra”.
Thực tế, nhiều bậc cha mẹ quá kỳ vọng vào con và muốn xây tường thành để bảo vệ con nhưng không phải lúc nào áp lực cũng tạo nên kim cương.
Mới đây, trường hợp nam sinh lớp 10, trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam nhảy lầu tự tử trước sự chứng kiến của phụ huynh đã dấy lên một hồi chuông cảnh báo về sự bất ổn trong tâm lý tuổi vị thành niên trước áp lực nặng nề từ sự kỳ vọng của phụ huynh.
Theo Thạc sỹ Vũ Thuỳ Hương, giảng viên Tâm lý học xã hội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, bên cạnh việc theo dõi quá trình học tập, thi cử, định hướng phù hợp với khả năng của con, các bậc phụ huynh nên là người bạn đồng hành của con, giúp con trẻ khám phá và khai thác được thế mạnh của bản thân. Việc can thiệp quá sâu vào việc chọn ngành, chọn trường sẽ tạo nên áp lực, gánh nặng, dễ dẫn đến những lựa chọn không đúng đắn của các sĩ tử.
Thạc sỹ Vũ Thuỳ Hương cho biết thêm, bản thân các sĩ tử ngay từ đầu phải tìm hiểu ngành nghề theo đuổi. Đồng thời, xem xét nhu cầu thị trường, tham khảo các ý kiến của thầy cô, gia đình để lựa chọn đúng ngành nghề phù hợp với sở thích, năng lực của bản thân.
Nguồn https://congluan.vn/chon-nganh-chon-truong-nguyen-vong-cua-con-hay-ky-vong-cua-bo-me-post197426.html
- Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư
- Giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi
- Siêu thị 0 đồng phục vụ bệnh nhân ung thư tại thành phố Hồ Chí Minh
- Cảnh báo mạo danh cơ quan BHXH yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân cập nhật thẻ BHYT trên ứng dụng VssID
- Cấp đổi thẻ căn cước trực tuyến được giảm 50% lệ phí
- Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
- Phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành 3 nhiệm vụ về hỗ trợ nhà ở, xóa nhà tạm, nhà dột nát
- Tổ chức xóa nhà tạm, nhà dột nát trong cả nước như chiến dịch, ngày hội của toàn dân
- Lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật