Chọn sai nơi giải quyết thủ tục về bảo hiểm xã hội: Cảnh báo bẫy lừa khắp nơi
Lợi dụng việc người lao động thiếu hiểu biết về quy trình giải quyết các thủ tục hành chính lĩnh vực bảo hiểm xã hội, nhiều đối tượng làm giả con dấu, chữ ký để lừa đảo, chiếm đoạt tiền. Gần đây, các cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo tình trạng này nhưng bẫy lừa vẫn tiếp tục giăng khắp nơi.
Giải quyết thủ tục cho người lao động tại Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội.
Nhiều người mắc bẫy
Cuối tháng 12-2023, một số cá nhân đã đăng cảnh báo về hành vi lừa đảo của các đối tượng trên mạng xã hội. Trong đó nêu rõ, có nhiều người lao động vào các hội nhóm trên Facebook xin tư vấn về việc rút bảo hiểm xã hội một lần, chi trả ốm đau, thai sản... thì nhận được tin nhắn riêng của một số người tự xưng là cán bộ ngành Bảo hiểm xã hội, đề nghị hỗ trợ làm thủ tục. Ví dụ, anh Nguyễn Văn Thành (ở tỉnh Nam Định) đã mất 900.000 đồng để nhận được Giấy thông báo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc chốt sổ bảo hiểm xã hội, có đóng dấu, chữ ký của lãnh đạo cơ quan bảo hiểm xã hội. Sau khi chuyển vào tài khoản ngân hàng số tiền trên, anh Thành không thể liên lạc được với đối tượng. Thông báo trên sau đó được xác định là giả mạo.
Ngày 4-2, phóng viên ghi nhận tại nhóm Tư vấn, giải đáp thắc mắc về bảo hiểm xã hội, nhận làm dịch vụ bảo hiểm xã hội trên Facebook, tài khoản có tên "Nguyễn Thị Hiền" bị hàng chục người tố cáo là nhận tiền đặt cọc để làm thủ tục hưởng chế độ thai sản, trợ cấp thất nghiệp, rút bảo hiểm xã hội 1 lần... Cách lừa đảo của đối tượng là đóng vai nhân viên tư vấn của cơ quan bảo hiểm xã hội, yêu cầu người lao động cung cấp mã số bảo hiểm xã hội, số thẻ căn cước công dân. Đối tượng cắt ghép thông tin, chế độ người lao động đang đề nghị giải quyết, “vẽ” số tiền mà lao động sẽ được hưởng, kèm theo đó là chữ ký và dấu của lãnh đạo cơ quan bảo hiểm xã hội. Khi người lao động tin tưởng, muốn làm thì chuyển khoản cho đối tượng. Nhận được tiền, đối tượng biến mất, chặn liên lạc.
Điển hình là trường hợp chị Nguyễn Thị Hà (ở tỉnh Hà Nam) đã chuyển khoản cho đối tượng trên 4 triệu đồng để làm thủ tục rút tiền bảo hiểm xã hội 1 lần vì được hứa hẹn sẽ nhận được gần 100 triệu đồng. Tiền chuyển xong, chị Hà cũng không liên lạc được với đối tượng.
Liên tiếp cảnh báo
Gần đây, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhận được phản ánh của nhiều người lao động về việc bị lừa đảo khi họ truy cập vào các trang mạng xã hội để nhờ tư vấn giải quyết thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội. Cũng trên mạng xã hội, có nhiều hội nhóm đã đăng tải cảnh báo về các tài khoản chuyên đi lừa tiền của người lao động. Nhiều nạn nhân đưa thông tin về việc họ mất tiền khi trót tin vào các tài khoản được cho là người của cơ quan bảo hiểm xã hội.
Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng (Bảo hiểm xã hội Hà Nội) Dương Thị Minh Châu cho biết, đơn vị đã từng nhận được hồ sơ của người lao động, trong đó có hình ảnh bản bảo hiểm khoản vay Hợp đồng tín dụng từ Trung tâm Truyền thông. Bản bảo hiểm này gồm 5 trang giấy có logo, hình ảnh và thông điệp truyền thông của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Trang cuối có hình ảnh con dấu và chữ ký của Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội. Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội khẳng định, đơn vị không có chức năng bảo hiểm các khoản vay và văn bản trên là giả.
Tình trạng mạo danh số điện thoại tổng đài tư vấn và chăm sóc khách hàng để lừa người lao động cũng khá nhiều. Cụ thể, Bảo hiểm xã hội một số quận, huyện trên cả nước đã bị các đối tượng chỉnh sửa thông tin số điện thoại tổng đài trên trang Google Map (https://www.google.com/maps). Các tổng đài này đều có chung đầu số 1900.9966.xx. Nhiều người lao động đã bị thu tiền cước điện thoại với giá cao. Bà Dương Thị Minh Châu khẳng định, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ có duy nhất 1 số tổng đài tư vấn và chăm sóc khách hàng là: 1900.9068 với giá cước 1.000 đồng/phút. Không chỉ mất tiền cước điện thoại, nhiều lao động có thể bị lừa nộp tiền để giải quyết các thủ tục về bảo hiểm xã hội.
Theo bà Dương Thị Minh Châu, người lao động tuyệt đối không chuyển tiền cho người không quen biết, tự xưng là cán bộ của cơ quan bảo hiểm xã hội. Mọi vấn đề thắc mắc về bảo hiểm xã hội, người lao động cần đến trực tiếp cơ quan bảo hiểm xã hội để được tư vấn và hướng dẫn làm các thủ tục cần thiết. Tất cả thủ tục đều phải thực hiện tại cơ quan bảo hiểm xã hội, không có cá nhân hay tổ chức nào khác có đủ thẩm quyền để làm hộ. Hiện nay, Bảo hiểm xã hội Hà Nội đang phối hợp với các cơ quan liên quan để kịp thời xử lý, ngăn chặn các thông tin sai lệch trên môi trường mạng, tránh làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
- Giữ chữ tín để đi đường dài
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa