Chống đầu cơ thổi giá đất: Trước khi đánh thuế phải minh bạch, tăng cung

Thứ hai, ngày 14 tháng 3 năm 2022 | 11:9

Theo các chuyên gia, thúc đẩy nguồn cung hay minh bạch thông tin dự án mới là các giải pháp “gốc” để chống đầu cơ nhà, đất, từ đó tăng thu ngân sách bền vững, trong bối cảnh thị trường BĐS Việt Nam còn khá non trẻ.

Bộ Tài chính mới đây vừa lấy ý kiến về việc đánh thuế tài sản nhà ở với mục đích chống đầu cơ và nhằm giảm giá nhà cho người mua để ở. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, thông tin này lập tức khiến dư luận hoang mang bởi nỗi lo về cơ hội sở hữu nhà ngày càng khó khăn. Các chuyên gia cũng nhận định, việc đánh thuế tài sản với nhà ở tại thời điểm này thậm chí sẽ mang lại tác dụng không muốn, trong khi thị trường BĐS Việt Nam cần các giải pháp căn cơ mới trị được đúng bệnh mà các nhà làm chính sách mong muốn.

Minh bạch thông tin

Theo các chuyên gia, minh bạch thông tin dự án, từ phát triển, quy hoạch, đến các cơ sở pháp lý của dự án sẽ giúp tránh được việc thổi giá, nhiễu loạn thị trường, đẩy giá ảo. Tuy nhiên việc công bố các danh sách các dự án bất động sản cần được thực hiện rộng khắp ở nhiều địa phương.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các thông báo cảnh báo cũng như công khai các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất trên địa bàn, thì hiện tượng tăng giá đất nền nóng cục bộ đã hạ nhiệt.

Chống đầu cơ thổi giá đất: Trước khi đánh thuế phải minh bạch, tăng cung
Thu thuế tài sản không phải giải pháp gốc giúp thị trường BĐS lành mạnh

“Những địa phương như Hoà Bình giá đất bị đẩy bất thường do đây được xem khu vực có giá mềm, có sức hút, giá bất động sản được nhận định sẽ tăng. Việc bất động sản tăng giá bất thường thời gian qua có lỗi từ nhiều phía, trong đó có việc thông tin không rõ ràng, nên không đánh giá được giá trị thực của bất động sản” - ông Nguyễn Văn Đính đánh giá.

Ông Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, cũng khẳng định, việc minh bạch và kiểm soát thông tin đóng vai trò quan trọng trong việc bình ổn giá nhà đất. Tuy nhiên, ông khuyến nghị để đạt được mục tiêu minh bạch thông tin, Nhà nước cần có hệ thống dữ liệu cập nhật thông tin về thị trường bất động sản xuyên suốt từ trung ương đến địa phương.

Gỡ nút thắt nguồn cung

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, mặc dù nền kinh tế có sự giảm phát do ảnh hưởng của đại dịch nhưng giá bất động sản, nhà ở, đất nền vẫn liên tục tăng trong năm 2021. Tính đến cuối năm 2021, giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân khoảng 5-7%; giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15-20%; giá đất nền tăng 20-30% so với thời điểm cuối năm 2020.

Một trong những nguyên dân dễ thấy nhất dẫn đến việc tăng giá là do nguồn cung trên thị trường khan hiếm. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác được giới chuyên gia chỉ ra như những chi phí đầu vào liên quan đến đất, nhân công, vật liệu xây dựng tăng,...

Theo chuyên gia BĐS Nguyễn Quốc Anh, vấn đề chính của thị trường bấy lâu nay là khan hiếm nguồn cung vẫn chưa được tháo gỡ. Giải pháp căn cơ để thị trường ổn định vẫn là giảm bớt thủ tục pháp lý, khơi thông nguồn cung.

Chống đầu cơ thổi giá đất: Trước khi đánh thuế phải minh bạch, tăng cung
Nhiều giảm pháp cho thị trường bất động sản

Trong khi đó, việc đánh thuế tài sản với nhà ở chỉ có thể khiến thị trường hạ nhiệt trong ngắn hạn vì tâm lý người mua sẽ mất thời gian đầu để nghe ngóng thị trường.

“Về trung và dài hạn thì giá bất động sản sẽ vẫn tăng bình thường. Đó là thực tế chúng ta nhìn thấy ở một số thị trường như Singapore hay Malaysia”, ông Quốc Anh nói.

Theo đó, nguồn cung dồi dào, đa dạng sẽ tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh. Giải pháp này vừa giúp tạo lập một thị trường bất động sản lành mạnh, vừa giúp kéo giảm giá nhà, tăng thêm cơ hội sở hữu nhà ở cho người dân.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nêu thực trạng về nguồn cung dự án nhà ở thị trường bất động sản vừa qua tại TP.HCM sụt giảm rất mạnh. Nguyên nhân là doanh nghiệp gặp vướng mắc ở quy định pháp luật. Cụ thể là dự án nào có 100% đất ở thì mới được công nhận là chủ đầu tư.

"Năm năm qua, quy định nhà đầu tư phải có 100% đất ở thì mới được chỉ định chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại khiến hàng trăm dự án nhà ở thương mại trong cả nước không thể triển khai thực hiện" - ông Châu nhấn mạnh.

HoREA cũng kiến nghị ban hành quy trình chuẩn về đầu tư xây dựng với dự án nhà ở thương mại để xác định thời gian thực hiện từng thủ tục, nhằm rút ngắn thời gian thực hiện toàn bộ thủ tục hành chính. Ngoài ra, hiệp hội còn đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định 100 để hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia và sử dụng hiệu quả các quỹ đất được quy hoạch phát triển nhà ở xã hội.

Để có nhiều căn hộ vừa túi tiền, ông Châu đề nghị cần có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách liên quan đến giảm lãi suất ngân hàng, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp... để hút doanh nghiệp đầu tư.

Nguồn Vietnamnet.vn

https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/thu-thue-tai-san-khong-giup-thi-truong-ba-t-do-ng-sa-n-lanh-manh-822464.html