Chống lãng phí trong các đơn vị sự nghiệp công lập

Thứ ba, ngày 19 tháng 11 năm 2024 | 8:22

Trong bài viết Tinh-gọn-mạnh, hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả, Tổng Bí thư Tô Lâm nhận định, một trong những nguyên nhân dẫn đến lãng phí nguồn lực đất nước là vì tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, ngày 30/10/2024. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, ngày 30/10/2024. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Theo Ban Kinh tế Trung ương, hiện nay bộ máy có khoảng 58.000 đơn vị sự nghiệp công lập với 2,5 triệu biên chế (chưa kể tổ chức, biên chế trong công an, quân đội và khu vực doanh nghiệp nhà nước). Đây là lực lượng giữ vai trò chủ đạo, cung cấp hầu hết dịch vụ sự nghiệp công, liên quan đến mọi người, mọi nhà và toàn xã hội, như dịch vụ y tế, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, văn hóa, thể dục-thể thao... phủ kín hầu hết các lĩnh vực, địa bàn, từ thành thị đến khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn, biên giới, hải đảo.

Nhờ hoạt động tích cực của các đơn vị sự nghiệp công lập, thời gian qua việc chi đầu tư cho giáo dục và xã hội hóa giáo dục được tăng cường. Hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ được nâng lên, tạo chuyển biến tích cực cho hoạt động đổi mới và khởi nghiệp sáng tạo. Quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ có bước đổi mới. Chất lượng môi trường sống cải thiện, cơ bản bảo đảm cung cấp nước sạch, dịch vụ y tế, dịch vụ vệ sinh môi trường cho người dân, nhất là ở các đô thị, khu công nghiệp, khu vực nông thôn…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn nhiều hạn chế. Kết luận số 62-KL/TW, ngày 2/10/2023 về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về "tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập" nêu thực tế, chưa thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đồng bộ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là về tổ chức bộ máy, chế độ, chính sách đối với đơn vị sự nghiệp công lập sau sắp xếp; cơ chế tự chủ tài chính; định mức kinh tế-kỹ thuật làm cơ sở để định giá dịch vụ sự nghiệp công; trách nhiệm công khai, minh bạch, giải trình. Một số nơi sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế còn máy móc, cào bằng, chưa gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức…

Chính những yếu kém trong tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là một trong những nguyên nhân dẫn tới lãng phí, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo.

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế-xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.

 

Lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế-xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm

Từ những nghiên cứu sâu về hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công, Tiến sĩ Lê Tuấn Vinh, Học viện Khu vực I, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, việc sắp xếp đổi mới các đơn vị công lập nhằm đáp ứng yêu cầu tinh gọn bộ máy là nhiệm vụ cấp thiết, phù hợp với chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển trong giai đoạn mới.

Để đổi mới việc sắp xếp, tinh giản bộ máy trong hệ thống chính trị nói chung và các đơn vị sự nghiệp công lập nói riêng, theo Tiến sĩ Lê Tuấn Vinh, cần phá bỏ rào cản về nhận thức và hành động của một số cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương còn chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, quyết tâm chưa cao, hành động chưa quyết liệt... Muốn vậy, các cấp ủy đảng cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị, nhất là người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo, quản lý, tạo sự thống nhất, đồng thuận, quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện.

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng, góp phần bảo đảm an sinh, tiến bộ và công bằng xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân. Sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập theo phương châm, một đơn vị có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại nhằm giảm mạnh đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ. Cùng đó, cần đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa, phát triển nhanh các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, nhằm huy động các nguồn lực xã hội cung ứng dịch vụ công.