Chống lãng phí từ các dự án treo

Thứ bảy, ngày 16 tháng 11 năm 2024 | 16:30

Những ngày qua, người dân cả nước, nhất là người bệnh rất phấn khởi khi nghe thông tin, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, trong vòng 6 tháng tới, Bộ Y tế phải hoàn thiện và bàn giao, đưa cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đi vào hoạt động

Dự án Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam được triển khai xây dựng từ năm 2015, dự kiến hoàn thành vào năm 2017. Mỗi bệnh viện có quy mô 1.000 giường nội trú, phục vụ khoảng 3.500-5.000 lượt khám mỗi ngày nhưng đến nay vẫn trong tình trạng “đắp chiếu”, chưa đưa vào sử dụng. Điều này vừa gây lãng phí tài sản, vừa làm mất đi cơ hội chữa bệnh của nhiều người...

Sau chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, nhà thầu Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đang khởi động lại, tiếp tục thi công, hoàn thiện công trình. Hiện nay, cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai có khối lượng hoàn thành đạt trên 90%, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khoảng 60%...

Người đứng đầu Chính phủ ra "tối hậu thư" cho Bộ Y tế trong việc đưa hai công trình trên vào hoạt động cho thấy quyết tâm, cũng như sự quyết liệt trong chỉ đạo giải quyết dứt điểm những dự án treo.

Thực tế cho thấy, không chỉ bằng lời nói mà bằng hành động cụ thể, động thái "mạnh tay”, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã từng bước gỡ vướng, xử lý dứt điểm nhiều dự án chậm tiến độ, gây lãng phí nguồn lực. Trong đó, có những dự án đã được kịp thời khắc phục vướng mắc, hồi sinh và đưa vào vận hành hoạt động tốt, như: Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông; dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2...

Đặc biệt, nhiều công trình được triển khai thần tốc, rút ngắn thời gian thi công như công trình đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) đến Phố Nối (tỉnh Hưng Yên). Qua đó, đã nâng cao hiệu quả sử dụng, không để lãng phí nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10-2024 diễn ra ngày 9-11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, với sự vào cuộc quyết liệt, đến nay chúng ta đã cơ bản xử lý xong 12 dự án thua lỗ, yếu kém và giải quyết các vướng mắc với 2 dự án bệnh viện, một số dự án điện… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều công trình, dự án chưa được các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị kịp thời tháo gỡ khó khăn, để tồn đọng, dừng thi công kéo dài.

Dự án treo, chậm tiến độ không chỉ gây thất thoát, lãng phí lớn, làm suy giảm nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên mà còn ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, suy giảm lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội.

Trong bài viết “Chống lãng phí” đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra: Chống lãng phí là một yêu cầu, nhiệm vụ rất khẩn trương, cấp bách để tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Do đó, chúng ta cần phòng, chống lãng phí với quyết tâm cao, bằng hành động cụ thể, với những giải pháp hữu hiệu tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị; chống lãng phí phải trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hằng ngày”...

Để công cuộc phòng, chống lãng phí nói chung, trong đó có dự án treo nói riêng mang lại hiệu quả tích cực, các cấp, bộ, ngành, địa phương cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, trong đó cần tập trung thực hiện tốt, hiệu quả chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí và Công điện số 112/CĐ-TTg (ngày 6-11-2024) của Thủ tướng Chính phủ về tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát.

Bên cạnh đó là sử dụng hiệu quả các nguồn lực, triển khai nhanh công trình, dự án, không để thất thoát, lãng phí, nhất là dự án tồn đọng, dừng thi công, trụ sở bộ, cơ quan, ngân hàng thương mại nhà nước, dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các bệnh viện; xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức để dự án, công trình chậm tiến độ kéo dài; kiên quyết thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy…

Chống lãng phí là nhiệm vụ cấp bách. Tất cả các dự án treo, chậm tiến độ phải được tháo gỡ vướng mắc, hoàn thành càng sớm càng tốt, bảo đảm chất lượng, qua đó khơi thông, giải phóng nguồn lực, đưa đất nước ta vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.