Chủ động khắc phục khó khăn trong sản xuất lúa năm 2024

Thứ bảy, ngày 14 tháng 12 năm 2024 | 10:42

Các địa phương khu vực phía bắc dù có sự chủ động trong xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp nhưng đã gặp nhiều bất lợi về thời tiết như hạn hán, thiếu nước, rét đậm, rét hại trong vụ đông xuân 2023-2024, nhất là bão số 3 gây thiệt hại hàng trăm nghìn ha lúa mùa ở nhiều địa phương, khiến năng suất, sản lượng lúa giảm nhiều so với năm 2023.

Chuẩn bị mạ cho máy cấy của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thị trấn Tân Thanh, huyện Thanh Liêm (Hà Nam). (Ảnh nhandan.vn)
Chuẩn bị mạ cho máy cấy của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thị trấn Tân Thanh, huyện Thanh Liêm (Hà Nam). (Ảnh nhandan.vn)

Phó Cục trưởng Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Thị Thu Hương cho biết: “Năm 2024, các địa phương khu vực phía bắc gieo cấy 2,228 triệu ha, giảm khoảng 18 nghìn ha so với năm 2023. Qua thống kê, năng suất lúa đạt khoảng 57,3 tạ/ha, giảm 1,3 tạ/ha so với kế hoạch, sản lượng đạt khoảng 12,766 triệu tấn, giảm 288 nghìn tấn so với kế hoạch, giảm 355 nghìn tấn so với năm 2023”.

Một trong những nguyên nhân khiến năng suất, sản lượng lúa giảm là do thời tiết nhiều bất lợi đã gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất trồng trọt, nhất là cây lúa tại các địa phương phía bắc. Trong đó, bão số 3 đã ảnh hưởng đến sản xuất lúa ở 26/31 địa phương phía bắc.

Một trong những nguyên nhân khiến năng suất, sản lượng lúa giảm là do thời tiết nhiều bất lợi đã gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất trồng trọt, nhất là cây lúa tại các địa phương phía bắc. Trong đó, bão số 3 đã ảnh hưởng đến sản xuất lúa ở 26/31 địa phương phía bắc.

Theo Cục Thủy lợi, trong tháng 4 nắng nóng kéo dài, lượng mưa thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 35 đến 46% gây hạn hán, thiếu nước cho cây trồng trên địa bàn một số tỉnh như: Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên.

Ngoài ra, tại khu vực Bắc Bộ xảy ra hai đợt mưa lớn, trong đó từ ngày 16 đến 20/7 gây ngập úng 62.936 ha lúa; từ ngày 6 đến 11/9, do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu sau bão với tổng lượng mưa phổ biến từ 350 đến 450 mm, gây thiệt hại, lụt úng cho 284.472 ha lúa, 61.114 ha hoa màu...

Ngoài ra, trong tháng 9 ở khu vực Bắc Trung Bộ, bão số 3, số 4, hoàn lưu sau bão và ảnh hưởng của rãnh áp thấp làm hơn 4.000 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam cho biết, mặc dù các cấp, ngành, địa phương đã chủ động các phương án sản xuất nhưng trong năm 2024 các yếu tố thời tiết cực đoan đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Giá vật tư nông nghiệp như: Giống lúa lai, thuê máy làm đất, bơm nước, công lao động... ở mức cao ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân. Theo số liệu báo cáo của Cục Thống kê tỉnh, vụ mùa năm 2024 toàn tỉnh gieo cấy 28.222 ha nhưng do ảnh hưởng của bão số 3 khiến hơn 7,1 nghìn ha lúa bị ảnh hưởng, trong đó 1.024 ha bị mất trắng; năng suất lúa vụ mùa ước đạt 55,4 tạ/ha, giảm 2,52 tạ/ha, sản lượng đạt 150,6 nghìn tấn, giảm 16.074 tấn so với vụ mùa 2023.

Còn tại tỉnh Bắc Ninh, năm 2024 trên địa bàn gieo cấy khoảng 57.314 ha lúa, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 gây mưa lớn, gió to làm ảnh hưởng đến quá trình trổ bông, thụ phấn khiến lúa bị lép lửng với tỷ lệ cao.

Mưa, lũ cũng gây ngập úng nhiều diện tích lúa khiến giảm năng suất, sản lượng cả năm. Qua thống kê, năm 2024 năng suất lúa bình quân của tỉnh ước đạt 60 tạ/ha, giảm 4 tạ/ha, sản lượng 344.065 tấn, giảm 31.166 tấn so với năm 2023.

 

Cục Trồng trọt cho biết, năm 2025 khu vực phía bắc dự kiến gieo cấy khoảng 2,205 triệu ha, phấn đấu năng suất bình quân đạt 58,8 tạ/ha, sản lượng 12,960 triệu tấn.

Để bảo đảm mục tiêu trong sản xuất trồng trọt nói chung, cây lúa nói riêng, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung cho rằng, các địa phương trước mắt cần tập trung, đẩy mạnh gieo trồng, chăm sóc cây vụ đông để bù lại thiệt hại bão số 3 gây ra. Đối với sản xuất lúa các vụ trong năm cần tuân thủ nghiêm kế hoạch sản xuất, nhất là cơ cấu giống, lịch thời vụ; theo dõi chặt chẽ, bảo đảm cung cấp đầy đủ nguồn nước tưới cho sản xuất; hướng dẫn nông dân biện pháp canh tác tiên tiến để giảm vật tư đầu vào, hoàn thành các cam kết về sản xuất an toàn, tiết kiệm, giảm phát thải…

Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn quốc gia, cuối năm 2024, hiện tượng rét đậm, rét hại tại khu vực Bắc Bộ có khả năng xuất hiện trên diện rộng.

Bà con nông dân đang tập trung xuống giống lúa vụ đông xuân 2024-2025 với diện tích 1,052 triệu ha, vì vậy cần linh hoạt điều chỉnh thời điểm gieo cấy phù hợp; tuyệt đối không gieo mạ, gieo sạ vào thời điểm rét đậm, rét hại, khi nhiệt độ dưới 15oC; chuẩn bị các phương tiện, dụng cụ để chống rét cho mạ bằng vòm che phủ ni-lông, giữ đủ nước trên mặt ruộng để giữ ấm cho mạ…

Cục Thủy lợi đánh giá, nguồn nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân này sẽ gặp khó khăn do tình trạng mực nước hạ du hệ thống sông Hồng bị hạ thấp bởi ảnh hưởng của việc khai thác cát quá mức; tình hình xâm nhập mặn ở hạ du có xu hướng gia tăng trong các năm gần đây, nhất là khu vực hạ lưu sông Thái Bình, ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi thuộc hệ thống thủy lợi Đa Độ và Tiên Lãng...

Nhằm bảo đảm nguồn nước cho sản xuất các vụ trong năm, theo Trưởng phòng Quản lý vận hành và tưới tiêu (Cục Thủy lợi) Nguyễn Mạnh Hùng, các bộ, ngành, địa phương và nông dân cần tăng cường theo dõi diễn biến và dự báo chuyên ngành về nguồn nước, chất lượng nước và xâm nhập mặn.

Trên cơ sở đó, kịp thời thông tin, cảnh báo cho các cơ quan liên quan, địa phương và người dân vùng ảnh hưởng để chủ động triển khai các giải pháp ứng phó phù hợp; đồng thời, xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp, phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vụ đông xuân phù hợp.

Các địa phương cần thực hiện tốt làm thủy lợi nội đồng để bảo đảm khả năng dẫn, tích trữ nước; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện các công trình lấy nước đang đầu tư để kịp đưa vào vận hành lấy nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân.

Cùng với đó, khẩn trương phục hồi công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương nội đồng, bảo đảm khả năng dẫn, phân phối nước phục vụ sản xuất; tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp tích trữ nước và sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước…