Chủ động phát hiện sớm bệnh lao để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng
Lao là căn bệnh đã có thuốc điều trị hiệu quả, hiện việc điều trị bệnh lao đã được bảo hiểm y tế thanh toán, người dân cần chủ động phát hiện sớm bệnh lao nhằm cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng, bảo vệ sức khỏe cho mình và những người xung quanh
Sáng 7/9, Chương trình chống lao quốc gia, Bệnh viện Phổi Trung ương đã tổ chức sơ kết hoạt động phòng chống lao 6 đầu năm và trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2022. Hội nghị được truyền hình trực tuyến tới 63 tỉnh thành với sự tham dự của các y bác sĩ của các bệnh viện trung ương và địa phương, các tổ chức quốc tế.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng Ban Điều hành phòng, chống lao phát biểu.
6 tháng phát hiện hơn 48.000 bệnh nhân mắc lao
Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 10 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới (báo cáo WHO 2021).
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung- Giám đốc BV Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống Lao quốc gia nêu một thực trạng, trong thời gian dịch bệnh COVID-19, số phát hiện lao giảm tới 23%, làm xuất hiện những ca lao nặng đến rất nặng, thậm chí tử vong. Đến nay, khi dịch bệnh COVID-19 đã tạm lắng, làm sao để bù đắp số phát hiện lao giảm trong thời gian dịch vừa qua. Đây là một thách thức không nhỏ, nhưng không phải không làm được.
Theo thông tin từ Chương trình chống lao Quốc gia, 6 tháng đầu năm đã phát hiện 48.056 ca mắc lao, cao hơn cùng kỳ năm 2020 và 2021. Điều này cho thấy sự phục hồi khả năng phát hiện bệnh đang diễn ra. "Để đạt được con số phát hiện lao 100.000 ca trong năm nay là có khả năng" – PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nói.
Chia sẻ tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Bình Hòa- Phó Giám đốc BV Phổi Trung ương cho biết, trong số những bệnh nhân lao, đối tượng bệnh nhân là trẻ em được phát hiện bệnh lao rất thấp, chỉ chiếm 1%. Theo ước tính với tỷ lệ mắc lao như ở Việt Nam tỷ lệ phát hiện lao trẻ em phải đạt từ 5-6%.
Hội nghị sơ kết hoạt động phòng chống lao 6 đầu năm và trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2022.
Bên cạnh một số địa phương làm rất tốt công tác phát hiện sớm bệnh lao, vẫn có những địa phương tỷ lệ phát hiện lao cao nhưng số người điều trị lại thấp, đặc biệt nguy hiểm ở các thể lao như lao siêu kháng, lao đa kháng hay lao trẻ em…. Chủ nhiệm Chương trình Chống Lao quốc gia chỉ ra nguyên nhân là do bác sĩ chưa tư vấn kỹ cho người dân, mặt khác người dân quá chủ quan với căn bệnh này. "Đây là căn bệnh có thuốc chữa và có thể chữa khỏi", PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nói.
Do đó, để thúc đẩy phát hiện lao hiệu quả, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh: "Chỉ có toàn tuyến mạnh thì cả hệ thống mới mạnh". Trong thời gian tới, để đạt dấu mốc phát hiện ca bệnh lao mới, cần đẩy mạnh phát hiện chủ động tại cộng đồng, phát hiện tích cực tại cơ sở y tế tập trung vào các nhóm nguy cơ cao nhằm tăng cường phát hiện tối đa các bệnh nhân lao trong cộng đồng, đưa vào điều trị sớm, nhằm cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng, giảm nhanh dịch tễ bệnh lao. Ngoài ra những người được chẩn đoán loại trừ bệnh lao và đủ điều kiện cần được thu nhận điều trị lao tiềm ẩn, nhằm lao nguy cơ chuyển từ nhiễm sang bệnh lao.
Lao là bệnh cần điều trị dài ngày nhưng bệnh nhân lao có thể nhận thuốc từ nguồn BHYT
Từ ngày 1/7/2022, bệnh nhân lao có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) có thể nhận thuốc từ nguồn BHYTthay vì được ngân sách nhà nước cấp miễn phí như trước. Đến nay vẫn có khoảng 10% người dân chưa tham gia bảo hiểm y tế, đây là một trong những khó khăn cho thanh toán bệnh lao nói chung.
Lao là căn bệnh cần điều trị lâu dài. Ước tính có 70% người mắc bệnh lao là người nghèo, nên nếu nhóm người này không có thẻ BHYT, việc theo đuổi điều trị bệnh tạo gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội.
PGS.TS Nguyễn Bình Hòa- Phó Giám đốc BV Phổi Trung ương trình bày tổng quan công tác phòng chống lao 6 tháng đầu năm 2022 và kế hoạch 6 tháng cuối năm.
PGS.TS Nguyễn Bình Hoà cho rằng, BHYT đảm bảo cho người bệnh giảm thiểu chi phí điều trị, nó không chỉ là nguồn kinh phí bền vững nhằm đảm bảo cho mọi người dân bị bệnh lao đều được tiếp cận thuốc điều trị.
Đến nay, một số tỉnh thực hiện chuyển đổi thanh toán thuốc điều trị lao qua quỹ BHYT rất hiệu quả như tỉnh Vĩnh Long. Tuy nhiên vẫn còn một số địa phương gặp khó khăn, vướng mắc do việc chuyển đổi cơ chế mua sắm thuốc chống lao từ ngân sách nhà nước sang BHYT là lần đầu tiên được thực hiện, nên không tránh khỏi lúng túng ban đầu trong việc thực hiện thanh toán thuốc chống lao từ quỹ BHYT.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho biết: "Trong giai đoạn tiếp theo, Chương trình Chống lao quốc gia sẽ tiếp tục đôn đốc, hỗ trợ địa phương hoàn thiện các điều kiện kiện toàn cơ sở y tế để bảo đảm đủ các điều kiện thực hiện khám chữa bệnh lao thanh toán BHYT, tập trung hỗ trợ các địa phương trong việc quản lý điều tiết sử dụng thuốc chống lao hàng 1 nguồn BHYT để bảo đảm có đủ thuốc sử dụng cho người bệnh".
SKĐS- Trong số các trang thiết bị được trao tặng lần này có 38 máy chẩn đoán lao nhanh, 90.000 bộ xét nghiệm, 10 máy X-quang kỹ thuật số sẽ được phân bổ cho các cơ sở y tế tuyến huyện trên cả nước, trong đó có các tỉnh vùng sâu, vùng xa, những nơi có gánh nặng bệnh lao và lao đa kháng thuốc cao….
- Hai điểm lạ của cơn đau đầu cảnh báo u não
- Ai mắc sốt xuất huyết sẽ có nguy cơ cao gặp nguy hiểm?
- Người phụ nữ trẻ phát hiện mắc ung thư di căn từ dấu hiệu tưởng chừng đơn giản
- Nhiều loại ký sinh trùng tưởng tuyệt chủng bất ngờ xuất hiện lại ở Việt Nam
- Người phụ nữ trẻ phát hiện mắc ung thư di căn từ dấu hiệu tưởng chừng đơn giản
- Người đàn ông mất một nửa lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
- Loại thịt khiến anh tử vong, em gái nguy kịch sau khi ăn
- Người đàn ông mất một nửa lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
- Người bệnh tiểu đường bất ngờ khi nhân viên y tế đưa suất ăn có bát cơm đầy