Chủ mặt bằng “đất vàng” phố cổ mòn mỏi tìm khách thuê mới
Trước khi dịch bệnh xuất hiện, khách thuê mặt bằng rất đông. Thậm chí, có trường hợp, chưa hết hợp đồng thuê nhà với khách cũ, đã có khách mới đến đặt cọc trước để tranh chỗ. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, “gió đã đổi chiều”.
3 năm, “đất vàng” vẫn ế khách
Từ trước tới nay, khu vực phố cổ luôn được coi là “đất vàng” của Hà Nội, đây cũng là nơi thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trong gần 3 năm đối mặt với đại dịch COVID-19, phố cổ Hà Nội trở nên thưa vắng, nhiều cửa hàng ăn uống, mua sắm đã phải đóng cửa hàng loạt vì không có khách và không thể gánh nổi mức giá thuê “trên trời” tại đây.
Phố cổ vắng hoe vắng hoắt ngay cả trong những ngày cuối tuần. (Ảnh: Việt Vũ)
Bà Ánh Tuyết, một tiểu thương kinh doanh đồ lưu niệm trên phố Hàng Ngang nhấn mạnh, chưa bao giờ phố cổ vắng lạnh như hiện nay.
“Trước dịch, khu vực này vào cuối tuần lúc nào cũng đông vui, nhộn nhịp. Thế nhưng, 3 năm đối mặt với đại dịch, khách quốc tế gần như không có, trong khi khách du lịch rất thưa thớt. Vì vậy, cảnh tấp nập, nhộn nhịp không còn”, bà Tuyết chia sẻ.
Theo bà Tuyết, do không có khách du lịch, nên rất nhiều doanh nghiệp, các tiểu thương kinh doanh trả mặt bằng cho chủ nhà. Chỉ có số ít cửa hàng vẫn còn hoạt động.
“Những cửa hàng còn hoạt động, một là nhà họ ở đó và tận dụng mặt tiền để kinh doanh, hai là các cửa hàng có tiếng từ lâu, có nhiều khách lui tới nên mới đủ sức gồng gánh tiền thuê mặt bằng tại phố cổ”, bà Tuyết nói.
Trong khi đó, ông Thế Anh, một chủ mặt bằng trên phố Hàng Đào đã treo biển cho thuê suốt 3 năm khẳng định, chưa bao giờ phố cổ lại khó tìm khách thuê như hiện nay.
Chủ mặt bằng trên phố Hàng Đào chia sẻ: Trước khi dịch bệnh xuất hiện, khách thuê mặt bằng rất đông, không hề có chuyện mặc cả giá thuê. Thậm chí, có trường hợp, chưa hết hợp đồng thuê nhà với khách cũ, đã có khách mới đến đặt cọc trước để tranh chỗ.
Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, “gió đã đổi chiều”, mặc dù chủ nhà đã đồng ý giảm giá thuê từ 30% - 50%, thậm chí có nhà chấp nhận giảm 100% trong 3 tháng đầu, nhưng phía khách thuê vẫn đưa ra rất nhiều yêu sách.
Hàng loạt mặt bằng treo biển cho thuê nhà trong suốt 3 năm qua. (Ảnh: Việt Vũ)
Đơn cử như mặt bằng nhà ông Thế Anh, trước dịch, mặt bằng này cho thuê 180 triệu đồng/tháng, nhà cổ 2 tầng, diện tích khoảng 60m2, mặt tiền 6m. Sau khi đại dịch xuất hiện, ông Thế Anh chấp nhận giảm xuống còn 120 triệu đồng/tháng, sau đó giảm xuống 100 triệu đồng.
Cho đến thời điểm hiện tại, ông Thế Anh chấp nhận cho thuê 80 triệu đồng/tháng, nhưng với điều kiện là thuê dài hạn, trên 1 năm. Ngoài giảm giá thuê, ông Thế Anh chấp nhận thanh toán theo tháng, thay vì phải trả 6 tháng/lần như trước. Đặc biệt, chủ mặt bằng chấp nhận không tăng giá sau 2 năm đại dịch được kiểm soát.
“Mặc dù chấp nhận giảm giá thuê, chấp nhận thanh toán ngắn hạn, thế nhưng, rất nhiều khách tìm thuê đều yêu cầu miễn phí 100% trong 3 - 6 tháng để ổn định khách. Thực ra, trong bối cảnh hiện nay tôi có thể chấp nhận được, song phải có điều kiện thuê dài hạn. Tuy nhiên, họ lại yêu cầu tái ký sau 6 tháng, như vậy chúng tôi không chấp nhận được”, ông Thế Anh chia sẻ.
Chờ đợi vào du lịch mở cửa
Theo khảo sát của phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, bình quân giá thuê tại phố cổ đã giảm rất mạnh so với thời điểm trước khi đại dịch xuất hiện, mức giảm nằm trong khoảng 30% - 50%, tùy từng tuyến phố.
Đặc biệt, các tuyến phố càng nổi tiếng đông đúc, như Đinh Tiên Hoàng, Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Gai, Hàng Bạc, Hàng Mã mức giảm càng cao. Đơn cử, một mặt bằng trên phố Hàng Bạc, trước đây có giá thuê 140 triệu đồng/m2, nay giảm còn 75 triệu đồng/m2.
Bình quân giá thuê tại phố cổ đã giảm rất mạnh so với thời điểm trước khi đại dịch xuất hiện, mức giảm nằm trong khoảng 30% - 50%. (Ảnh: Việt Vũ)
Trong khi đó, các tuyến phố kém nổi tiếng hơn, như Hàng Chiếu, Hàng Khoai, Mã Mây, Nguyễn Siêu,... mức giảm lại thấp hơn.
Ông An Tiến Hưng, đại diện một doanh nghiệp môi giới bất động sản tại Hà Nội chia sẻ: Thế mạnh của phố cổ là địa điểm bất kỳ du khách nào tới Thủ đô đều phải ghé qua. Vì vậy, khu vực này phụ thuộc vào ngành du lịch rất nhiều.
“Chỉ khi nào du lịch được khai thông, nhất là du khách quốc tế được “bình thường hóa”, mặt bằng tại khu vực này mới hồi phục trở lại”, ông Hưng nói.
Phân tích vào điều này, ông Hưng chia sẻ: Một trong những “đặc sản” của phố cổ Hà Nội là có rất nhiều khách sạn mini. Thế nhưng, hiện nay, khoảng 80% - 90% các khách sạn dạng này đã đóng cửa, ngừng hoạt động vĩnh viễn.
“Ngoài các cơ sở lưu trú, khách sạn mini, thì nhiều nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống cũng phải đóng cửa hàng loạt vì không có khách du lịch. Như vậy, có thể thấy rằng, chỉ khi nào du lịch được mở cửa, mặt bằng phố cổ mới có tín hiệu hồi phục”, ông Hưng nói thêm.
Nguồn Congluan.vn
https://congluan.vn/chu-mat-bang-dat-vang-pho-co-mon-moi-tim-khach-thue-moi-post185333.html
- Đích nhắm đầu tư: Việt Nam là điểm đến số 1
- Doanh nghiệp Thủ đô giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng xứ Nghệ
- Hơn 90% DN Đức dự kiến mở rộng đầu tư tại Việt Nam
- Cánh điện gió bất động, chục nghìn tỷ phơi nắng mưa chờ cơ chế
- Bán giấy thu tiền: Soi kỹ dòng tiền chục nghìn tỷ đi đâu, làm gì, mua bán ra sao
- Mỹ miễn thuế pin năng lượng mặt trời nhập khẩu của Việt Nam
- Không để cá nhân, doanh nghiệp né nghĩa vụ kinh doanh
- Bất động suốt 2 năm, doanh nghiệp gần như vô danh Vạn Trường Phát bất ngờ vay tới 10.000 tỷ đồng trái phiếu
- Thương mại Tự do Năng lượng đặt dấu chấm hết do xung đột Nga – Ukraine