Chủ nghĩa toàn cầu đang phá hoại quá trình toàn cầu hóa?

Thứ tư, ngày 8 tháng 2 năm 2023 | 10:30

Hai học giả Mỹ Jerry Haar và Ricardo Ernst cho rằng một trong các nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc công kích nhằm vào quá trình toàn cầu hóa là sự nhầm lẫn phổ biến giữa “toàn cầu hóa” và “chủ nghĩa toàn cầu”, trong đó yếu tố sau phá hoại yếu tố trước.

Toàn cầu hóa là đối tượng bị ghét cay ghét đắng của những người theo chủ nghĩa biệt lập, chủ nghĩa bảo hộ, các nhà hoạt động công đoàn và môi trường trong gần một thập kỷ qua. Ngày nay, nhiều cá nhân theo thuyết trung dung đã xem quá trình này là đang chết dần, hoặc thậm chí đã chết hẳn rồi.

Tuy nhiên, có những bằng chứng đầy thuyết phục từ thực tiễn chứng minh điều ngược lại.

chu nghia toan cau dang pha hoai qua trinh toan cau hoa hinh anh 1

Tàu chở container hàng hóa. Ảnh: Shutterstock.

Sức sống của toàn cầu hóa trái với chủ nghĩa toàn cầu

Mới đây, hãng Apple công bố họ sẽ chế tạo 25% sản phẩm của mình ở Ấn Độ do các đứt gãy trong quá trình sản xuất ở Trung Quốc. TSMC (Đài Loan) - nhà sản xuất lớn nhất thế giới về mặt hàng chip vi tính tiên tiến, cam kết 12 tỷ USD để xây nhà máy bán dẫn đặt tại bang Arizona (Mỹ) vào năm 2020, và từ đó đã công bố khai trương nhà máy chip thứ 2 tại bang này, nâng đầu tư vào đây lên mức 40 tỷ USD. Trong khi đó, Noah Itech - nhà cung ứng Trung Quốc cho hãng Mỹ Tesla, đã đầu tư 100 triệu USD vào một nhà máy mới ở Monterrey, Mexico. Tập đoàn mỹ phẩm đa quốc gia của Brazil, Natura, đã mở rộng sự hiện diện của mình tới 73 nước trên khắp các lục địa ngoại trừ châu Nam cực.

Trên thực tế, một nguyên nhân lớn dẫn đến tinh thần bi quan và các cuộc công kích nhằm vào quá trình toàn cầu hóa là sự nhầm lẫn phổ biến giữa “toàn cầu hóa” và “chủ nghĩa toàn cầu”, trong đó yếu tố sau làm xói mòn yếu tố trước.

Chủ nghĩa toàn cầu là một hệ tư tưởng, một bộ các niềm tin vững chắc cho rằng hàng hóa, dịch vụ, vốn và con người nên có khả năng dịch chuyển không bị giới hạn xuyên biên giới, còn các thỏa thuận thương mại cần được triển khai để nuôi dưỡng sự kết nối và sự phụ thuộc lẫn nhau. Trong khi đó, toàn cầu hóa là một quá trình động, một quá trình diễn ra trong thực tế nhằm trao đổi xuyên biên giới các sản phẩm, dịch vụ, con người, thông tin và tài chính. Đây là một quá trình mau lẹ và chắc chắn, mặc dù thường xuyên bị tác động bởi các nhân tố bên ngoài như dịch bệnh, thiên tai, thay đổi khí hậu, bạo động dân sự…

Hiện nay có một số người tuyên bố rằng chúng ta đã bước vào kỷ nguyên phi toàn cầu hóa. Tuy nhiên, thực tế chỉ ra rằng lượng và giá trị thương mại thế giới đã mở rộng tương ứng là 4% và 6% kể tử khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được thành lập vào năm 1995. Ngoài ra, thương mại dịch vụ - bị loại khỏi các báo cáo về thương mại toàn cầu, vẫn đang gia tăng, hiện vượt mức 6.100 tỷ USD, tức chiếm trên 1/5 tổng thương mại hàng hóa và dịch vụ của thế giới. Đáng lưu ý, thương mại dịch vụ, trái với thương mại hàng hóa, tạo ra thặng dư hàng năm cho nước Mỹ.

Trong khi chủ nghĩa toàn cầu mang tính chất tĩnh, là một tuyên bố cứng nhắc, thì toàn cầu hóa lại đang vận động, tiến hóa. Thương mại giữa các quốc gia có những thăng trầm. Thí dụ, hàng hóa mà Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc giảm xuống dưới 17% vào năm 2022 từ mức cao 22% vào năm 2017. Các nước khác như Mexico và Hàn Quốc đã trám vào đó. Đồng thời, “dấu chân” của Trung Quốc ở châu Mỹ cũng đang gia tăng mạnh mẽ. Bắc Kinh hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 ở châu lục này, chỉ sau Mỹ.

Nguồn: VOV