Chủ tịch Coteccons kêu gọi các nhà thầu đoàn kết, ngăn chặn ‘cuộc đua xuống đáy’
Tại sự kiện “Build to last - Xây dựng để trường tồn”, Chủ tịch Coteccons, ông Bolat Duisenov, đã có các chia sẻ đáng chú ý về thị trường xây dựng hiện nay. Trong đó, ông Bolat nhấn mạnh, hơn lúc nào hết, các nhà thầu cần chung tay hỗ trợ nhau để cải thiện tình hình chung.
Ông Bolat Duisenov
Giông bão chưa qua
Là lĩnh vực liên đới thị trường bất động sản, ngành xây dựng Việt Nam đã trải qua một năm 2022 đầy sóng gió. Sau “tuần trăng mật” ngắn ngủi hồi đầu năm, cuộc khủng hoảng bất động sản nổ ra từ quý III/2022 đã nhấn chìm những nỗ lực của các doanh nghiệp xây dựng trong việc tìm lại đỉnh cao.
Kết năm 2022, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (doanh nghiệp xây dựng lớn nhất Việt Nam năm 2021) chỉ hoàn thành được 80% kế hoạch doanh thu và chịu khoản lỗ sau thuế tới 1.140 tỷ đồng, là mức lỗ chưa từng có trong 34 năm lịch sử doanh nghiệp này. Các doanh nghiệp tốp đầu khác cũng trong tình trạng bi đát khi chỉ hoàn thành được một phần nhỏ kế hoạch lợi nhuận năm, như Hưng Thịnh Incons với 33%, Phục Hưng Holdings với 31%, Fecon với 18%...
Đáng nói, sau 3 năm oằn mình gánh chịu khó khăn (trong đó có 2 năm dịch bệnh 2020 - 2021), “sức khỏe” của các doanh nghiệp xây dựng đã bị bào mòn nghiêm trọng. Biểu hiện cụ thể là chất lượng tài sản xấu đi nhanh chóng với sự gia tăng mãnh liệt của các khoản phải thu và hàng tồn kho, dòng tiền kinh doanh âm nặng và nợ vay tăng vọt.
Với tình trạng đó, năm 2023 tiếp tục là một năm không dễ dàng với ngành xây dựng, nhất là khi thị trường bất động sản vẫn đang đóng băng. Trong bối cảnh đơn hàng xây dựng khan hiếm, các nhà thầu đã đua nhau giảm giá để thắng thầu, thậm chí có nhiều đơn vị còn chấp nhận làm dưới giá vốn. Điều này đã tạo nên một “cuộc đua xuống đáy” nguy hiểm trong ngành xây dựng, càng làm càng lỗ.
“Nhiều công ty đã cố gắng hạ giá để có được dự án, điều này đã dẫn tới những ảnh hưởng về chất lượng, sự an toàn và nhiều điều khó lường khác”, ông Bolat Duisenov bình luận.
Các nhà thầu cần chung tay
Sự khốc liệt của thị trường xây dựng đã khiến có những nhà thầu phải từ bỏ dự án. Chẳng hạn như mới đây, Coteccons đã tiếp nhận công việc từ một doanh nghiệp xây dựng tại TP. HCM. Tuy nhiên, Chủ tịch Coteccons lại không tỏ ra hào hứng vì đã giành được việc làm từ tay đối thủ. Ông cho rằng đây chỉ là một trường hợp đơn lẻ và việc Coteccons tiếp nhận công việc là một hành động “chung tay hỗ trợ lẫn nhau”.
“Hai công ty đang thể hiện sự tôn trọng dành cho khách hàng và cho cả chính chúng ta. Đây là cách tiếp cận đúng đắn để sẵn sàng đồng hành, bảo vệ cho lợi ích chung của cả ngành xây dựng”, ông Bolat nói và kêu gọi người lao động Coteccons cần tập trung vào công việc được phân công, không lan truyền những thông tin dễ hiểu nhầm, công kích hoặc hả hê trước những khó khăn của đồng nghiệp.
Chủ tịch Coteccons cho rằng ngành xây dựng đang tồn tại thách thức nghiêm trọng là sự thiếu tin tưởng. Thị trường có quá nhiều nghi ngờ, mánh khóe và quan hệ giữa các doanh nghiệp xây dựng đang đi xuống. Bởi vậy, điều quan trọng hiện nay là các doanh nghiệp xây dựng phải tin tưởng nhau, kết nối và hỗ trợ nhau. “Nếu làm được như vậy, tôi tin rằng ngành xây dựng sẽ trở nên đoàn kết và ngăn chặn được cuộc đua xuống đáy về giá như hiện nay”.
Coteccons đã bước sang năm thứ ba của “triều đại” mới, sau khi nhà sáng lập Nguyễn Bá Dương rời đi vào năm 2020. Từ một nhà thầu thuần túy trong lĩnh vực dân dụng – thương mại, doanh nghiệp từng vĩ đại nhất ngành xây dựng Việt Nam này đang chuyển mình sang các lĩnh vực mới như xây dựng khu công nghiệp và hạ tầng giao thông. Ông Bolat Duisenov đánh giá đây là những lĩnh vực đầy triển vọng không chỉ với Coteccons mà còn với các doanh nghiệp xây dựng khác, bởi Chính phủ đang thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư công vào hạ tầng và sự thu hút hiệu quả FDI đã làm bùng nổ nhu cầu về các khu công nghiệp.
“Xét riêng lĩnh vực hạ tầng, chúng tôi cho rằng các nhà thầu Việt Nam hiện có đủ khả năng thực hiện tốt các dự án. Chẳng hạn với các dự án sân bay, tôi tin rằng các công ty của Việt Nam có thể xây dựng và bàn giao đúng hạn với chất lượng cao nhất, không hề kém bất kỳ sân bay nào ở châu Âu”, ông nói.
Năm 2022, Coteccons đã trở lại cuộc đua tăng trưởng với doanh thu 14.537 tỷ đồng, tăng 60% so với năm trước, lớn nhất trong các doanh nghiệp xây dựng công bố thông tin; lợi nhuận sau thuế 21 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch năm. Công ty được đánh giá là vẫn giữ được nội lực cơ bản khi có quỹ tiền dồi dào, khoảng 2.000 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng. Backlog đến hết năm 2022 là 17.000 tỷ đồng, chưa tính siêu dự án Lego. Khoản “lương khô” giá trị này được nhìn nhận sẽ giúp Coteccons bước vào năm 2023 với sự tự tin nhất định so với các nhà thầu cùng đẳng cấp.
Nguồn: https://vietnamfinance.vn/
- Người thay đại gia Lương Trí Thìn làm Chủ tịch tập đoàn Đất Xanh xuất thân thế nào?
- 'Vua thép' Trần Đình Long muốn làm thép cho đường sắt tốc độ cao
- nữ doanh nhân thành đạt nhất Việt Nam: Những bóng hồng không hề 'mềm yếu'
- Việt Nam sẽ có 10 tỷ phú USD: Doanh nhân nào giàu tiềm năng nhất?
- Tử hình “nữ doanh nhân” thành đạt ở Hà Tĩnh
- 1. Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
- Thư Chúc tết Giáp Thìn năm 2024
- Từ cậu bé nghèo chỉ được học hết cấp 3 đến đại gia ngành thực phẩm
- Đặng Khắc Vỹ - ông chủ kín tiếng ngân hàng Việt thuộc top lợi nhuận cao nhất