Chủ tịch Quốc hội: Sức mạnh của giám sát, phản biện chính là công khai và minh bạch

Chủ nhật, ngày 20 tháng 8 năm 2023 | 12:31

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch của UBTV Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch UB T.Ư MTTQ Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ.

 

 

Chủ tịch Quốc hội: Sức mạnh của giám sát, phản biện chính là công khai và minh bạch

Thời sự 16/08/2023 14:27
 

(Tổ Quốc) - Sáng 16/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch của UBTV Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch UB T.Ư MTTQ Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ.

Chủ tịch Quốc hội: Sức mạnh của giám sát, phản biện chính là công khai và minh bạch - Ảnh 1.

Quang cảnh phiên họp

Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp giám sát 60.463 cuộc

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trương Ngọc Ánh cho biết, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức thành viên ngày càng đi vào chiều sâu, cụ thể hơn, chặt chẽ hơn, phát huy hiệu quả thiết thực, được cấp ủy, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao.

Vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp ngày càng được khẳng định, phát huy trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội.

Chủ tịch Quốc hội: Sức mạnh của giám sát, phản biện chính là công khai và minh bạch - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trương Ngọc Ánh báo cáo tại phiên họp

Ở cấp T.Ư, từ năm 2018 đến năm 2022, Ban Thường trực Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã tiến hành giám sát 5 nội dung thông qua hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân và chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam.

Các kiến nghị sau giám sát của Ban Thường trực ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đều được Chính phủ trả lời hoặc chỉ đạo các bộ, ngành, liên quan khẩn trương nghiên cứu và có văn bản trả lời Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam.

Ở các tỉnh, thành phố, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tiến hành giám sát 60.463 cuộc; trong đó MTTQ Việt Nam cấp tỉnh giám sát 2.689 cuộc; MTTQ Việt Nam cấp huyện giám sát 11.638 cuộc và MTTQ Việt Nam cấp xã giám sát 46.136 cuộc.

Giám sát, phản biện xã hội của MTTQ có tính độc lập tương đối

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, theo quy định của Nghị quyết liên tịch số 403, giám sát, phản biện xã hội của MTTQ có tính độc lập tương đối. Do đó, khi có những vấn đề nổi lên bức xúc, căn cứ vào đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, dư luận phản ánh qua truyền thông xã hội thì MTTQ có quyền tiến hành giám sát độc lập nếu thấy cần thiết.

Mặt khác, theo Quyết định 217-QĐ/TW, giám sát, phản biện của MTTQ với giám sát của Đảng, giám sát Nhà nước và các hình thức giám sát khác có sự phối hợp. Nhưng cần làm rõ phối hợp không có nghĩa là tất cả đều giống nhau, kể cả làm trùng cũng có thể trở thành kênh để so sánh, phản biện. Điều quan trọng là tính hiệu quả, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội: Sức mạnh của giám sát, phản biện chính là công khai và minh bạch - Ảnh 3.

Chủ tịch Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp.

Lưu ý vấn đề hậu giám sát, Chủ tịch Quốc hội cho biết, MTTQ cũng có quyền đưa ra những báo cáo và những kiến nghị, đề xuất. Chính quyền và những đối tượng kiến nghị cần phải có trách nhiệm thông tin, báo cáo lại. Có như vậy mới bảo đảm được giá trị và hiệu lực của giám sát. Điều này đòi hỏi nhận thức, thái độ của các bên có liên quan như Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp là thành tố rất quan trọng.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng phản biện của MTTQ có tính Nhân dân nhưng cũng lại có cơ quan đại diện. Do đó, MTTQ cần thể hiện được quyết tâm chính trị cao trong thực hiện nhiệm vụ được Hiến pháp, Đảng, Nhà nước ủy thác là rất quan trọng.

Đồng thời việc phân công, phối hợp các chủ thể của giám sát, phản biện xã hội cần làm rõ chủ thể, phân công, phối hợp giữa MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, Quốc hội, Chính phủ…là những nội dung cần được thể hiện rõ trong báo cáo.

Sức mạnh của giám sát, phản biện chính là công khai và minh bạch

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý báo cáo thêm về hình thức giám sát và phản biện xã hội như đối thoại trực tiếp, xem xét đơn thư khiếu nại, tố cáo, nghiên cứu, khảo sát, phương tiện thông tin đại chúng…

Về tổ chức bộ máy, đội ngũ nhân sự và điều kiện bảo đảm khác, Chủ tịch Quốc hội cho biết không hành chính hóa hoạt động của MTTQ nhưng để thực hiện được nhiệm vụ quyền hạn thì cần phải có cơ chế, tổ chức bộ máy, đầu mối, chế độ thông tin báo cáo… thì mới có thể thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội: Sức mạnh của giám sát, phản biện chính là công khai và minh bạch - Ảnh 4.

Chủ tịch Quốc hội: Sức mạnh của giám sát, phản biện chính là công khai và minh bạch

Ở chiều ngược lại là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hữu quan hệ thống chính quyền địa phương các cấp từ Trung ương đến địa phương, các sở ngành phải trả lời những vấn đề của MTTQ kiến nghị thì mới bảo đảm được hiệu quả của hoạt động này.

Nêu rõ sức mạnh của giám sát, phản biện chính là công khai và minh bạch, Chủ tịch Quốc hội đề nghị MTTQ cần đẩy mạnh công khai thông tin, bên cạnh công khai các nội dung báo cáo Quốc hội thì những vụ việc giám sát, các nội dung giám sát chính sách, giám sát chuyên đề cũng cần phải được công bố rộng khắp, đậm nét.

Cùng với các kiến nghị thực hiện và xử lý trách nhiệm thì càng công khai, minh bạch bao nhiêu, giám sát, phản biện của MTTQ càng hiệu lực, hiệu quả bấy nhiêu, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh./.

 

 

 

 

Thế Công