Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn và giấc mơ giải thưởng khoa học 1 triệu USD

Chủ nhật, ngày 3 tháng 11 năm 2024 | 15:44

Đến giờ, ngồi ngẫm lại cuộc đời, Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn Nguyễn Trường Sơn thấy rằng, mọi việc đúng như lá số tử vi của mình.

Ông chủ sinh năm Ất Dậu (1945) mang mệnh Thủy, nạp âm Tuyền Trung Thủy, đầu đời vất vả, đầy thăng trầm nhưng cuối đời gặp dòng nước suối mát, trong lành, ôn hòa và mãi không cạn. Ông đang hướng tới mục tiêu xây dựng giải thưởng khoa học 1 triệu USD vào năm 2087.

Chậm rãi ông kể: “Tôi sinh ra ở Nam Đàn, Nghệ An đúng vào nạn đói 1945, mồ côi cha khi 5 tháng tuổi, mẹ tôi phải hái rau má, bẻ tàu đu đủ làm thức ăn, tần tảo nuôi 2 đứa con thơ”. Tuổi thơ của ông và người anh trai gắn liền với vùng quê nghèo bên dòng sông Lam, vừa giúp mẹ mưu sinh, vừa tranh thủ đèn sách.

img_4923(1).jpeg

Chân dung ông chủ Tập đoàn Bảo Sơn, ông Nguyễn Trường Sơn. Ảnh: Phương Túy

Đi lên từ vùng quê nghèo

Gia đình không có tiền để cho 2 anh em theo học, ông đi học chậm hơn bạn bè cùng trang lứa và đành phải học mót qua anh trai. Mẹ ông không có tiền mua giấy, bút nên 2 anh em ông đã dùng lá chuối khô ngâm nước vôi, sấy khô để thay giấy viết.

Như bao người con khác của vùng quê nghèo xứ Nghệ, 16 tuổi, ông học xong lớp 7 (hệ 10 năm, tương đương tốt nghiệp THCS) và khăn gói lên đường ra Hà Nội nhập Trường Trung cấp Cơ điện. Điều này đã lý giải vì sao, sau này ông đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho việc xây dựng nhà trường, hỗ trợ hàng trăm học sinh nghèo quê nhà và thành lập Quỹ Bảo Sơn.

Năm 1965, ông được Bộ Cơ khí luyện kim cử sang Bulgaria để học về ngành thiết kế chế tạo biến thế và máy điện trong niềm tự hào của dòng họ và bà con xã nghèo Nam Cường. Với nhiều người, 3 mẹ con ông tần tảo mưu sinh đủ sống đã là "kỳ tích", chứ ít ai nghĩ rằng ông có thể xuất sắc đi du học nước ngoài.

Năm 1972, ông tốt nghiệp bằng kỹ sư thực hành và trở về nước, bắt đầu hành trình xây dựng thương hiệu Bảo Sơn nổi tiếng như hiện nay. Đến giờ, khi Tập đoàn Bảo Sơn có 17 công ty thành viên, kinh doanh đa ngành nghề nhưng thời điểm 1991, khi ông mạnh dạn đề nghị Bộ Công nghiệp nhẹ và UBND thành phố Hà Nội chuyển Công ty XNK và Dịch vụ may sang mô hình công ty liên doanh, đó là một dấu ấn khó quên. Ban đầu có tên gọi là Công ty Dịch vụ đầu tư và du lịch Nghi Tàm, từ năm 2007 đổi thành Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng và du lịch Bảo Sơn.

Trải qua 34 năm, Tập đoàn Bảo Sơn do ông Nguyễn Trường Sơn làm Chủ tịch hiện tại đã trở thành doanh nghiệp có tiếng tăm của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, du lịch, khách sạn, khu resort, vui chơi giải trí, giáo dục đào tạo, quỹ khuyến học, y tế...

Nhưng nói đến thương hiệu Bảo Sơn, điều đầu tiên là người ta nhắc đến là các hoạt động nhân đạo xã hội hơn 3 thập kỷ qua và Quỹ Bảo Sơn - vinh danh các công trình khoa học, công nghệ, kỹ thuật và văn học, nghệ thuật xuất sắc của cá nhân, tập thể nghiên cứu trong và ngoài nước có đóng góp nổi bật vào sự nghiệp phát triển đất nước Việt Nam.

Nói về những đóng góp của vợ chồng ông Nguyễn Trường Sơn cho quê hương, Chủ tịch Hội đồng hương Nam Đàn tại Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc chia sẻ: Suốt 2 thập kỷ qua, ông Trường Sơn và Tập đoàn Bảo Sơn đã đóng góp hàng tỷ đồng cho bà con xã Nam Cường và huyện Nam Đàn. Cả tuổi thơ của ông gắn liền với cái nghèo khó tại quê nhà, và bằng nghị lực, trí tuệ, ông đã vươn lên, bây giờ có điều kiện, ông đã không tiếc tiền bạc để hỗ trợ bà con, nhất là các học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Nguyên Chủ tịch HĐND huyện Nam Đàn Nguyễn Lâm Sơn cho biết: Nhờ sự hỗ trợ đắc lực của ông Nguyễn Trường Sơn, cách đây 10 năm, từ năm 2014, Trường Tiểu học Nam Cường (huyện Nam Đàn) đã vinh dự được đón nhận danh hiệu trường chuẩn quốc gia mức độ 2. Trường Tiểu học Nam Cường được Tập đoàn Bảo Sơn chung tay đầu tư 4 tỷ đồng, xây dựng trên vùng trũng thấp, là rốn lũ của huyện Nam Đàn. Ở vùng đất nghèo mà có được cơ ngơi giáo dục 14 phòng học, đủ chỗ học tập tiện nghi, hiện đại cho khoảng 400 học sinh là điều mà nhiều người mơ ước.

Nét độc đáo của việc hỗ trợ người dân nghèo của ông chủ Tập đoàn Bảo Sơn ở chỗ, không phải ông tài trợ tiền, mà chính bằng việc ông “sắm cần câu” cho bà con để thoát nghèo. Năm 2010, ông đã cho địa phương vay 10 tỷ đồng với lãi suất 0% để mua bò cho các hộ nghèo nuôi chu kỳ 3 năm.

“Trong vòng 6 năm (2010-2016), hơn 2.000 hộ nghèo huyện Nam Đàn đã có của ăn, của để, giúp cho bộ mặt nông thôn địa phương được cải thiện nhiều, bà con luôn nhắc đến và ghi nhận tấm lòng thơm thảo của doanh nhân Nguyễn Trường Sơn”, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nam Đàn Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ.

Giải thưởng quốc gia danh giá

Trợ lý Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn Nguyễn Phương Túy cho biết: “Trong hệ sinh thái với 17 đơn vị thành viên của Bảo Sơn Group, Công ty TNHH MTV Du lịch giải trí Thiên đường Bảo Sơn và Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn chính là hai "cỗ máy kiếm tiền” của tập đoàn. Nhưng điều ông Nguyễn Trường Sơn tâm đắc nhất, nhắc đến nhiều nhất lại chính là hiệu quả của Quỹ Bảo Sơn do chính ông là người sáng lập”.

bs-3.png

Hệ sinh thái của Tập đoàn Bảo Sơn. Ảnh TA

Sinh ra ở vùng đất học, bản thân ông có được thành công như ngày hôm nay là nhờ vào sự miệt mài đèn sách, say mê nghiên cứu khoa học mọi lúc, mọi nơi. Kể từ nhỏ và sau này, khi có điều kiện học tập, nghiên cứu ở nước ngoài, ông đều tâm niệm, tri thức là chìa khóa mở cửa cho mọi thành công.

Năm 2005, ông quyết định xin phép thành lập Quỹ Bảo Sơn. Mục đích chính của Quỹ Bảo Sơn nhằm phát triển giáo dục đào tạo thông qua các hoạt động hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó của Việt Nam, hỗ trợ sinh viên nghèo sang học tập, nghiên cứu tại Nhật Bản và hỗ trợ giảng viên Nhật Bản sang Việt Nam giảng dạy. Cá nhân ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Tập đoàn đóng góp hàng trăm tỷ đồng để gây dựng và hoạt động Quỹ.

Năm 2010, được sự đồng ý của Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông đã đứng ra thành lập Giải thưởng Bảo Sơn do Quỹ Bảo Sơn chủ trì. Quỹ Bảo Sơn đã tổ chức trao Giải thưởng Bảo Sơn - một giải thưởng doanh nghiệp - doanh nhân trao tặng cho các cá nhân, tập thể có công trình khoa học, sáng chế có giá trị khoa học cao và đã được áp dụng trong thực tiễn có hiệu quả, có đóng góp nổi bật và ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và con người Việt Nam.

Lễ phát động Giải thưởng Bảo Sơn 2024. Ảnh TA

Lễ phát động Giải thưởng Bảo Sơn 2024. Ảnh TA

Trải qua 14 năm phát động và tổ chức, Giải thưởng Bảo Sơn đã trở thành một trong những giải thưởng uy tín hàng đầu trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới. Đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học đạt Giải thưởng Bảo Sơn được hoàn thiện và ứng dụng sâu rộng, mang lại những giá trị thiết thực trong thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, phát triển đất nước.

Trao đổi với người viết, ông chia sẻ: "Năm nay, kinh tế Việt Nam và thế giới khó khăn, nên việc kinh doanh của Tập đoàn Bảo Sơn ít nhiều cũng bị ảnh hưởng, nhưng không vì thế mà Giải thưởng Bảo Sơn bị “co lại”. Mà ngược lại, tôi đã quyết định, năm 2024, mỗi lĩnh vực xét trao giải cho 01 (một) công trình nghiên cứu xuất sắc nhất, với mức thưởng 120.000 USD và mỗi năm, giá trị giải thưởng tăng thêm 10.000 USD, dự kiến đến năm 2087, mỗi giải thưởng có giá trị 1 triệu USD. Nếu tôi chưa làm xong thì các con tôi sẽ tiếp tục, Việt Nam chúng ta phải có thêm nhiều giải thưởng khoa học danh giá, hiệu quả".
Theo Hanoimoi.vn