Chưa “cải thiện giống nòi” đã... béo phì
Tăng trưởng chiều cao cho trẻ là điều mà rất nhiều ông bố, bà mẹ mong muốn và cố gắng thực hiện với mục đích “cải thiện giống nòi”.
Thậm chí, vì muốn con cao lớn, nhiều cha mẹ còn thường xuyên nhồi nhét và ép con ăn thật nhiều các món ăn bổ dưỡng. Thế nhưng, chế độ dinh dưỡng sai cách, thiếu khoa học lại khiến trẻ chưa kịp cao đã rơi vào tình trạng thừa cân, béo phì.
Bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức khám sức khỏe cho trẻ bị béo phì.
Có phải cứ nhồi ăn, uống nhiều sữa sẽ cao lớn?
Ám ảnh về chiều cao “nấm lùn” của mình, nên ngay từ khi mang thai cậu con trai đầu lòng, chị Nguyễn Thị Yến (ở quận Long Biên, Hà Nội) đã tẩm bổ đủ dưỡng chất. Đến khi cháu bé chào đời, chị cũng lùng mua các loại sữa nhập khẩu được quảng cáo sẽ giúp trẻ cao lớn để cho con uống. Ngoài sữa, chị còn ép con ăn đủ các món ăn giàu dưỡng chất. Kết quả, con chị mới 9 tuổi nhưng đã nặng tới 53kg và thường xuyên bị bạn bè trêu chọc là “mập ú”.
Chị Yến than thở: “Chỉ vì lo con bị thấp còi nên ép ăn cật lực. Bao nhiêu đồ bổ cũng cố mua cho con ăn, nào ngờ “lợi bất cập hại”. Giờ con béo quá lại lười vận động, không thích chạy nhảy, chỉ thích xem tivi cả ngày”.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia Trần Thanh Dương cho biết, do tâm lý lo sợ trẻ bị suy dinh dưỡng, thấp còi và luôn thích con bụ bẫm nên nhiều gia đình ép trẻ ăn thái quá. Bên cạnh đó, với sự phát triển của xã hội hiện đại, thời gian vận động thể lực của trẻ cũng giảm hơn so với trước. Ngày nay, trẻ không cần đi bộ hay đạp xe đến trường vì có cha mẹ đưa đón. Trẻ cũng không cần tham gia làm việc nhà như quét nhà, giặt quần áo, rửa bát vì đã có các thiết bị điện tử thay thế. Cùng với đó, thời gian trẻ ngồi một chỗ, tương tác với tivi, máy tính, điện thoại cũng tăng lên. Điều này khiến cho tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ tăng nhanh.
Khảo sát tại một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội năm 2023 cho thấy, tỷ lệ học sinh lớp 5 bị thừa cân, béo phì ở khu vực nội thành từ 45,5% đến 55,7%; ở khu vực ngoại thành con số này dao động 20-30%.
Theo Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề (Viện Dinh dưỡng quốc gia) Bùi Thị Nhung, khi điều tra, khảo sát 600 bà mẹ ở các thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng thì hầu như các bà mẹ đều thích con bụ bẫm hơn, hình ảnh béo béo, tròn tròn là tốt cho trẻ.
Nhiều chuyên gia dinh dưỡng cũng cho rằng, nhiều bà mẹ chỉ tập trung cho trẻ ăn những thực phẩm có nhiều canxi, vitamin D. Thậm chí, họ còn cho con uống các loại thuốc, thực phẩm chức năng có nhiều canxi, vitamin D.
Tuy nhiên, nếu chỉ có canxi và vitamin D cũng không thể giúp trẻ cao lớn mà cần có chế độ dinh dưỡng cân đối, đa dạng, phù hợp. Hay như một số bà mẹ cho con ăn vô tội vạ thịt, hải sản, uống thật nhiều sữa để phát triển chiều cao, điều này cũng không chính xác… Khi trẻ được tẩm bổ thừa chất, lại lười vận động càng dễ rơi vào tình trạng thừa cân, béo phì và có thể kéo giảm quá trình phát triển chiều cao.
Cần tập trung vào giai đoạn “vàng”
Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng quốc gia, trong suốt thời kỳ phát triển từ trong bụng mẹ đến trưởng thành, con người có ba giai đoạn “vàng” cần có sự hỗ trợ tích cực về dinh dưỡng và các yếu tố môi trường khác (như: Vận động, giấc ngủ...) để có thể phát huy được tối đa chiều cao tiềm năng.
Cụ thể, giai đoạn 1 khi trẻ còn trong bụng mẹ; giai đoạn 2 từ khi trẻ ra đời cho đến 3 tuổi; giai đoạn 3 là tiền dậy thì và dậy thì. Trong đó, dinh dưỡng cho 1.000 ngày đầu đời được tính từ khi trẻ còn trong bụng mẹ đến khi trẻ tròn 24 tháng tuổi là giai đoạn quan trọng nhất để phát triển tối ưu được tầm vóc, trí tuệ và sức khỏe của trẻ ở hiện tại cũng như tương lai.
Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia Trần Thanh Dương cho rằng, mặc dù đã được cung cấp các kiến thức về chăm sóc trẻ trong 1.000 ngày đầu đời nhưng tỷ lệ chăm sóc trẻ đúng cách chưa cao. Điều này khiến Việt Nam đang phải đối phó đồng thời với 3 gánh nặng về dinh dưỡng, gồm: Thiếu dinh dưỡng, thừa dinh dưỡng và thiếu vi chất. Trong khi, 2 năm đầu đời đóng góp tới 80% trọng lượng não bộ và dự phòng các bệnh mạn tính khi trưởng thành. Nếu giai đoạn này, trẻ được nuôi dưỡng, chăm sóc tốt có thể sẽ tăng chiều cao từ 25cm trong 12 tháng đầu và 10cm/năm trong năm tiếp theo. Do đó, trong 2 năm đầu đời, trẻ có thể tăng chiều cao tới 35cm. Chiều cao của trẻ ở giai đoạn này sẽ bằng 1/2 chiều cao lúc trưởng thành. Vì vậy, cha mẹ nên xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân đối và phối hợp nhiều loại thức ăn, tránh ăn một loại thực phẩm nào đó, đồng thời bổ sung vitamin, vi chất qua bữa ăn hằng ngày để giúp trẻ khỏe mạnh trong tương lai.
Cùng với chế độ dinh dưỡng, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trẻ em và thanh thiếu niên nên vận động 60 phút/ngày để phòng, chống thừa cân, béo phì và giúp phát triển chiều cao. Vận động thể lực trong sinh hoạt đời thường như: Leo cầu thang, lau nhà, nấu cơm... kết hợp các hoạt động thể dục, thể thao, gồm: Đi bộ, đạp xe, đá bóng, cầu lông, bơi lội... Ngoài ra, trẻ em không nên đi ngủ muộn sau 10h tối hằng ngày. Bởi giấc ngủ sâu và đủ sẽ kích thích cơ thể tiết ra các hormone tăng trưởng, thúc đẩy phát triển chiều cao.
- Hai điểm lạ của cơn đau đầu cảnh báo u não
- Ai mắc sốt xuất huyết sẽ có nguy cơ cao gặp nguy hiểm?
- Người phụ nữ trẻ phát hiện mắc ung thư di căn từ dấu hiệu tưởng chừng đơn giản
- Nhiều loại ký sinh trùng tưởng tuyệt chủng bất ngờ xuất hiện lại ở Việt Nam
- Người phụ nữ trẻ phát hiện mắc ung thư di căn từ dấu hiệu tưởng chừng đơn giản
- Người đàn ông mất một nửa lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
- Loại thịt khiến anh tử vong, em gái nguy kịch sau khi ăn
- Người đàn ông mất một nửa lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
- Người bệnh tiểu đường bất ngờ khi nhân viên y tế đưa suất ăn có bát cơm đầy