Ảnh minh họa |
Kết thúc phiên này, chỉ số Dow Jones rớt 422,16 điểm (tương đương 1,09%) xuống 38.461,51 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,95% còn 5.160,64 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite lùi 0,84% xuống 16.170,36 điểm.
Ngoại trừ lĩnh vực năng lượng, tất cả các lĩnh vực còn lại thuộc S&P 500 đều giảm trong phiên. Lĩnh vực bất động sản sụt 4,1%, giảm mạnh nhất trong phiên. S&P 500 đã chao đảo trong tháng 4 trước dự đoán về báo cáo lạm phát này, sau khởi đầu năm mới đầy thành công khi leo dốc hơn 10%, ghi nhận quý đầu tiên tăng tốt nhất trong 5 năm.
Cổ phiếu ngân hàng và công nghiệp cũng đỏ lửa, với cổ phiếu JPMorgan Chase lùi 0,9% và cổ phiếu Honeywell mất 1,4%, do lo ngại lãi suất cao hơn sẽ bắt đầu bóp nghẹt nền kinh tế. Cổ phiếu Microsoft và Apple lần lượt giảm 0,7% và 1,1%. Chỉ số vốn hoá nhỏ Russell 2000 rớt 2,5%.
Tại châu Âu, dù chỉ số Stoxx 600 đã tăng vào phiên giao dịch buổi sáng nhưng sau đó giảm 0,36% (tính đến khoảng 15h ngày 10/4 - giờ châu Âu) sau khi báo cáo lạm phát được công bố. Ngoài ra, các chỉ số như DAX, CAC 40, FTSE MIB và IBEX đều ghi nhận đà giảm từ 0,25% đến 0,64%.
Mặc dù thị trường đã cố gắng bỏ qua dữ liệu lạm phát nóng tháng 1 và tháng 2, nhưng dấu hiệu lạm phát tăng cao liên tục đang dẫn đến sự suy thoái vào ngày 10/04.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 của Mỹ đã tăng nhanh hơn ước tính của các nhà kinh tế, cho thấy lạm phát vẫn còn dai dẳng và đẩy lùi kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm hạ lãi suất.
Tâm lý nhà đầu tư càng bị suy giảm sau khi biên bản cuộc họp tháng 3 của Fed được công bố, trong đó phản ánh mối lo ngại của các quan chức rằng lạm phát không tiến đủ nhanh về mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương./,