Chứng khoán Việt đang “hóa gấu”?

Thứ hai, ngày 27 tháng 6 năm 2022 | 12:44

Thị trường “con bò tót” dùng để chỉ một thị trường đang trên đà đi lên, nhưng ở chiều ngược lại, thị trường “con gấu” thì thị trường đang xuống dốc. Với diễn biến thị trường chứng khoán tại Việt Nam những ngày qua, nhiều lo ngại cho rằng, Việt Nam đang bước vào thị trường “con gấu”.

Thị trường giảm điểm, tâm lý nhà đầu tư tiêu cực

Nếu như vào những tháng đầu năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam rất “hưng phấn” với những phiên tăng điểm liên tiếp, giúp chỉ số VN-Index vượt đỉnh hơn 1.500 điểm, nhưng trong khoảng 2 tháng trở lại đây thì liên tục giảm mạnh, có nhiều phiên giảm sâu đưa VN-Index về dưới 1.200 điểm.

Khách hàng giao dịch tại Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt, Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Khách hàng giao dịch tại Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt, Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Theo dữ liệu từ FiinPro trên 3 sàn giao dịch HoSE, HNX và UPCoM, tính đến ngày 17/6, có đến 258 mã cổ phiếu giảm giá xuống dưới mức giá ngày 24/3/2020 - phiên thị trường tạo đáy với VN-Index ở mức 659,2 điểm. Vì thế, nhiều dự báo của các công ty chứng khoán đã cho rằng, áp lực bán và tâm lý thị trường như hiện tại rất khó để phán đoán về khả năng trụ vững của chỉ số trước ngưỡng hỗ trợ quanh 1.160 điểm.

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI, với quán tính giảm mạnh, VN-Index có thể tiếp tục lùi về vùng hỗ trợ gần 1.160 - 1.150 điểm, tương ứng với vùng đáy ngắn hạn hình thành vào giữa tháng 5, trước khi tìm điểm cân bằng và hồi phục trở lại.

Theo các chuyên gia, đà giảm của chứng khoán Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng từ xu hướng điều chỉnh chung của thị trường tài chính toàn cầu sau khi Mỹ công bố số liệu lạm phát cao kỷ lục trong hơn 40 năm (8,6%). Đặc biệt, trong những ngày gần đây, sau những đợt bán tháo mạnh, dù thị trường có nhiều phiên tăng điểm mạnh trở lại nhưng tâm lý nhà đầu tư vẫn đang chìm sâu vào tiêu cực nên chưa thể kéo dài đà phục hồi.

Chính vì thế, thị trường đã xuất hiện những quan điểm thận trọng về triển vọng tăng trưởng, thậm chí có những phân tích cho rằng chứng khoán Việt Nam đã "hóa gấu" từ nhịp giảm sâu trước kéo dài từ đầu tháng 4 đến giữa tháng 5.

Theo báo cáo mới nhất về kết quả khảo sát chuyên gia và DN đại chúng của Vietnam Report thực hiện trong tháng 5/2022, chỉ có khoảng 31% số chuyên gia và DN đại chúng tham gia khảo sát cho rằng thị trường sẽ tiếp tục sôi động và diễn biến tích cực. Phần lớn cho rằng thị trường sẽ có nhiều biến động và những cú sốc mới hoặc diễn biến trầm lắng, thanh khoản cầm chừng, theo đó, tăng trưởng VN-Index cuối năm 2022 sẽ ở mức dưới 10%.

Thực tế từ quá khứ cho thấy, chứng khoán Việt Nam đã không ít lần rơi vào thị trường “con gấu”. Thống kê của Công ty Chứng khoán BSC cho rằng, VN-Index đã 6 lần rơi vào thị trường gấu. Mức giảm mạnh nhất trong các lần "hóa gấu" là giai đoạn 08/10/2007 - 23/02/2009 khi ấy VN-Index mất hơn 77%. Cũng trong giai đoạn khủng hoảng đó, chứng khoán Mỹ và Trung Quốc lần lượt giảm hơn 56% và 70%.

Chuyển hướng sang cổ phiếu “phòng thủ”

Như trên đã nói, chứng khoán Việt Nam đã không ít lần “hóa gấu”, nhưng vẫn có sự phục hồi. Giai đoạn khủng hoảng năm 2008 cũng đã đi qua bằng việc VN-Index nhiều lần vượt đỉnh.

Theo tính toán BSC, sau những giai đoạn thị trường giá xuống kéo dài, chứng khoán Việt Nam có thời gian phục hồi trung bình 3,6 tháng, ngắn hơn Trung Quốc nhưng thấp hơn mức 2,8 tháng của thị trường Mỹ. Do đó, các chuyên gia BSC cho rằng, mức độ và tốc độ phục hồi của thị trường chứng khoán phụ thuộc rất nhiều vào bối cảnh kinh tế nói chung và các vấn đề nội tại khác trong mỗi thời kỳ.

Báo cáo mới đây của Công ty Quản lý quỹ VinaCapital đã chỉ ra rằng, mặc dù thị trường giảm điểm, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua hơn 150 triệu USD cổ phiếu trong tháng 5 (bao gồm khoảng 125 triệu USD dòng vốn nước ngoài đầu tư vào quỹ ETF) sau khi bán hết số cổ phiếu trị giá khoảng 290 triệu USD trong quý 1/2022.

Thêm vào đó, khối lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 5 đã giảm hơn 33% so với tháng 4. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nhỏ lẻ không hoảng sợ mà bán ra số cổ phiếu họ nắm giữ khi thị trường sụt giảm.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam còn được hỗ trợ khi kinh tế Việt Nam đang tiếp tục tăng tốc, tăng trưởng đầy tích cực so với nhiều quốc gia trên thế giới.

Hơn nữa, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang rẻ ở mức P/E dự phóng 11,5 lần so với mức tăng trưởng EPS (tỷ suất lợi nhuận trên cổ phần) dự kiến của VinaCapital là hơn 20% cho năm 2022, và so với tỷ lệ P/E dự phóng trung bình 16,2 lần đối với các quốc gia ASEAN đang phát triển trong khu vực.

Ngoài ra, lợi nhuận của các DN niêm yết trong năm 2022 được dự báo sẽ tăng trưởng cao, tạo điều kiện thúc đẩy giá cổ phiếu đi lên. Chẳng hạn, báo cáo của VNDirect cho rằng tăng trưởng lợi nhuận các DN trên HoSE có thể đạt 23% so với cùng kỳ.

Cùng với đó, việc Chính phủ chính thức triển khai gói hỗ trợ lãi vay 2% cho các DN vừa và nhỏ và các DN khác cũng giúp thúc đẩy đáng kể tâm lý của các nhà đầu tư.

Vì thế, trong bối cảnh thị trường đang có xu hướng “hóa gấu”, nguy cơ thua lỗ cao hơn bởi giá cả không ngừng giảm đi và khó xác định đâu là “đáy” thì lời khuyên được các chuyên gia đưa ra là nhà đầu tư nên đa dạng hóa đầu tư bằng cách chia tỷ lệ nguồn vốn vào cổ phiếu, trái phiếu, tiền mặt và các loại tài sản khác. Nhà đầu tư cũng có thể chuyển hướng sang các cổ phiếu "phòng thủ".

Tuy nhiên, thị trường “con gấu” lại có thể đem đến cho nhà đầu tư cơ hội mua vào hiếm có, bởi nhiều cổ phiếu bị giảm giá theo xu hướng rơi xuống mức giá rất hấp dẫn.

"Chuỗi giảm trong thời gian vừa qua của thị trường chứng khoán Việt Nam mang yếu tố tâm lý của nhà đầu tư nhiều hơn. Do đó, nhà đầu tư cố gắng đưa tình trạng margin của tài khoản về mức bằng 0, tránh tình trạng tài khoản bị giải chấp trong giai đoạn này.

Ngoài ra, các nhà đầu tư không nên vội bắt đáy, mà nên đợi đến lúc xuất hiện xu hướng tăng. Xu hướng tăng được xác nhận ở lực cầu được cải thiện ở các vùng giá cao và tính thanh khoản. Việc xác nhận xu hướng này cần phải được thể hiện từ 2 - 3 phiên hồi phục. Vào thời điểm đó nhà đầu tư quay trở lại mua thêm để đưa bình quân giá vốn về mức thấp”. - Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam - Nguyễn Thế Minh

"Niềm tin của cả nhà đầu tư trong và ngoài nước một phần đến từ mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh của Việt Nam ở mức 33% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý I/2021. Điều này sẽ giúp chỉ số VN-Index tăng trưởng mạnh hơn vào cuối năm nay, mặc dù 2 - 3 tháng tiếp theo có thể sẽ có nhiều biến động." - Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital - Michael Kokalari

 

Nguồn https://kinhtedothi.vn/chung-khoan-viet-dang-hoa-gau.html