Chứng khoán châu Á chìm trong sắc đỏ
Ngày 13/6, các thị trường chứng khoán tại châu Á đều chao đảo trong bối cảnh đồng USD tăng giá mạnh sau khi lạm phát tại Mỹ vượt dự báo, làm dấy lên nhiều đồn đoán về khả năng Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất.
Bảng hiển thị chỉ số Nikkei tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 15/2/2021. (Ảnh: Reuters)
Cụ thể, chỉ số Nikkei tại thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản) đã giảm hơn 3% sau khi các số liệu lạm phát của Mỹ làm tăng lo ngại về khả năng FED sẽ tăng tốc siết chặt chính sách tiền tệ.
Khoảng 1 giờ trước khi đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số Nikkei 225 đã giảm 3,09% (tương đương 858,45 điểm) xuống còn 26.965,84 điểm, trong khi chỉ số Topix giảm 2,26% xuống 1.899,27 điểm. Theo hãng tin Reuters, đây là lần đầu tiên kể từ ngày 27/5, chỉ số Nikkei xuống dưới 27.000 điểm.
Trong khi đó, chỉ số Hang Seng tại Hong Kong (Trung Quốc) và chỉ số Composite ở Thượng Hải lần lượt giảm ở mức 2,8% và 1,1% xuống còn 21.099,65 điểm và 3.247,23 điểm.
Tuần trước, các nhà đầu tư đã vô cùng bất ngờ khi các dữ liệu cho thấy lạm phát của Mỹ đã tăng 8,6% trong tháng 5, mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 12/1981, khi căng thẳng Nga-Ukraine và các biện pháp phòng dịch Covid-19 nghiêm ngặt tại Trung Quốc khiến giá năng lượng và lương thực leo thang. Chỉ số lạm phát cao đã làm tăng đồn đoán rằng FED đang xem xét tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản. Mặc dù vậy, các nhà đầu tư vẫn hy vọng FED sẽ chỉ tăng 0,5 điểm như kế hoạch khi nhóm họp vào tuần này.
Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Singapore Mansoor Mohi-uddin dự báo FED nhiều khả năng sẽ tăng chi phí cho vay thêm 50 điểm cơ bản trong 4 cuộc họp sắp tới, khiến lãi suất tăng tổng cộng lên 4% vào năm 2023. Với chính sách tiền tệ ngày càng thắt chặt, có nhiều quan ngại rằng kinh tế Mỹ có nguy cơ rơi vào suy thoái vào năm tới.
Cùng ngày, tỷ giá đồng rupee đã xuống mức thấp kỷ lục so đồng USD là 78,2825 rupee/USD. Trong khi đó, theo hãng tin Bloomberg, chỉ số Sensex giảm 2,1% khi các nhà đầu tư nước ngoài bán ra số cổ phiếu nội địa trị giá 24 tỷ USD.
Thời gian qua, đồng rupee của Ấn Độ đã mất giá do giá dầu ngày càng tăng, chủ trương siết chặt tiền tệ của FED và xu hướng thoái vốn tại các thị trường mới nổi khi các nhà đầu tư nước ngoài muốn giảm bớt rủi ro. Trong những tháng gần đây, các ngân hàng trung ương, bao gồm cả Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI), đã áp dụng các chính sách tiền tệ cứng rắn. Tuần trước, RBI đã lần thứ hai trong nhiều tháng tăng chi phí cho vay thêm 50 điểm cơ bản. Trước đó, ngân hàng này đã đột ngột tăng lãi suất thêm 0,4% vào tháng 5. Để ổn định tỷ giá tiền tệ, RBI cũng đã bán bớt ngoại tệ.
Cuộc xung đột tại Ukraine đã khiến chi phí lương thực và nhiên liệu tăng cao, đẩy lạm phát tại Ấn Độ trong tháng 4 lên mức cao nhất trong 8 năm là 7,79%, vượt quá mục tiêu mà nước này đề ra trong quý I là từ 2-6%.
Nguồn https://nhandan.vn/tin-tuc-the-gioi/chung-khoan-chau-a-chim-trong-sac-do-701087/
- Lạm phát tăng mạnh, người Mỹ lo lắng suy thoái đang đến gần
- Chứng khoán Mỹ: Hồi phục ấn tượng sau đợt bán tháo, Dow Jones tăng 600 điểm
- Chứng khoán Mỹ: Dow Jones ghi nhận chuỗi tuần lao dốc dài nhất từ năm 1923
- Dow Jones sụt hơn 600 điểm, S&P 500 rớt mốc 4,000 điểm
- Điều tồi tệ ập đến, nước Mỹ hứng cú sốc mạnh nhất 2 năm qua
- IMF: Sóng bán tháo tiếp tục dâng khi các ngân hàng trung ương điều chỉnh chính sách
- Trái chiều chính sách tiền tệ Mỹ - Nhật khiến đồng Yên tụt giá xuống đáy 20 năm
- Các sự kiện và thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này
- Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng và nỗi lo lạm phát khiến giới đầu tư vẫn chọn cách bán ra