Chứng khoán hồi phục sau cú bốc hơi 8 tỷ USD, cổ phiếu nhà Cường Đôla vẫn dò đáy

Thứ tư, ngày 7 tháng 8 năm 2024 | 9:32

Thị trường chứng khoán ấm lại theo thế giới sau cú lao dốc khoảng 3% trước đó khiến vốn hóa bốc hơi 8 tỷ USD. Nhiều dự báo bớt bi quan. Tuy nhiên, nỗi lo có lẽ vẫn còn. Một số cổ phiếu tiếp tục xu hướng đi xuống như QCG của nhà ông Cường Đôla.

Thị trường chứng khoán Việt Nam quay đầu tăng trở lại trong phiên giao dịch ngày 6/8 sau khi lao dốc mất 8 tỷ USD trong phiên liền trước.

Chỉ số VN-Index trong phiên 6/8 tăng 22,21 điểm (tương đương tăng 1,87%) sau khi giảm gần 50 điểm trong phiên trước đó.

Đa số các cổ phiếu trụ cột tăng nhẹ trở lại. Có 28 trong tổng số 30 mã VN30 tăng điểm, chỉ có Techcombank (TCB) của tỷ phú Hồ Hùng Anh và Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đứng giá, ở mức tương ứng 22.300 đồng/cp và 41.300 đồng/cp.

Hầu hết các mã ngân hàng và bất động sản tăng trở lại trong phiên chiều.

Cổ phiếu Ngân hàng BIDV (BID) tăng 650 đồng lên 46.750 đồng/cp; Vietinbank (CTG) tăng 400 đồng lên 30.550 đồng/cp; HDBank (HDB) của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tăng 350 đồng lên 24.850 đồng/cp. MBBank (MBB) tăng 450 đồng lên 23.400 đồng/cp…

Đa số cổ phiếu hồi phục nhưng không lấy lại được những gì đã mất trong phiên tụt giảm hiếm có liền trước (hôm 5/8).

Trong phiên chiều 6/8, chỉ số VN-Index tăng khá nhanh trở lại, nhưng thanh khoản không cao. Các nhà đầu tư có xu hướng tiết cung, giảm bán khi thị trường chứng khoán hồi phục, trong khi cầu gia tăng.

Dù vậy, cầu cũng không quá mạnh, thị trường nhìn chung chỉ lấy lại được khoảng gần 50% những gì đã đánh mất trong phiên liền trước.

Bên cạnh đó, một số cổ phiếu gặp tin xấu vẫn chịu áp lực bán ra như trường hợp QCG của CTCP Quốc Cường Gia Lai của nhà ông Nguyễn Quốc Cường (thường được gọi là Cường Đôla).

W-chứng khoán.jpg

Chứng khoán hồi phục sau phiên lao dốc. Ảnh: Tùng Đoàn

Sau 11 phiên giảm liên tục, trong đó có 7 phiên giảm sàn và 4 phiên giảm sâu, cổ phiếu QCG đã bật tăng trần trở lại trong phiên ngày 29/7 sau khi đón nhận thông tin ông Nguyễn Quốc Cường thay mẹ (bà Nguyễn Thị Như Loan đang bị bắt tạm giam) làm CEO Quốc Cường Gia Lai. QCG có thêm 2 phiên tăng nữa rồi quay đầu giảm mạnh, tới ngày 6/8 QCG ghi nhận 4 phiên liên tiếp và xuống mức thấp mới 5.870 đồng/cp.

So với mức 14.400 đồng/cp ghi nhận hôm 27/6, cổ phiếu QCG đã giảm hơn 59%. Còn so với mức giá 18.000 đồng/cp hồi tháng 5, QCG đã giảm 67,4%. Bóng ma giảm giá vẫn đeo bám cổ phiếu doanh nghiệp nhà ông Cường Đôla cho dù thị trường chứng khoán đang hồi phục trở lại.

Việc ông Nguyễn Quốc Cường lên ngồi ghế nóng tại Quốc Cường Gia Lai dường như chưa làm yên lòng giới đầu tư trong bối cảnh cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra vụ án mua bán đất công liên quan tới doanh nghiệp này. Đây cũng là khoảng thời gian ông Nguyễn Quốc Cường là thành viên HĐQT và phó tổng giám đốc QCG.

QCG hiện cũng phải đẩy mạnh bán tài sản để gom đủ số tiền 2.880 tỷ trả cho Vạn Thịnh Phát để nhận lại dự án Phước Kiển. Một số nhà đầu tư lo ngại quá trình điều tra bà Loan đang diễn ra, cho nên cần thêm thời gian để đánh giá về triển vọng của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, lĩnh vực bất động sản nói chung vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc cần được tháo gỡ.

Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trở lại trong phiên 6/8 trong bối cảnh chứng khoán châu Á hồi phục sau cú lao dốc trước đó. Chỉ số Nikkei 225 tăng hơn 10% sau khi lao dốc khoảng 20% trong 2 phiên trước đó.

Dù chứng khoán Việt Nam hồi phục nhưng nỗi lo ngại vẫn còn. Khối ngoại vẫn bán khá mạnh, xả ròng hơn 350 tỷ đồng trên HOSE. Thanh khoản vẫn ở mức thấp. Nhiều nhà đầu tư còn thấp thỏm lo ngại về những bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu cũng như căng thẳng địa chính trị ở khu vực Trung Đông khi mà Israel và Iran cận kề một cuộc chiến.

Nhìn về toàn cục vẫn còn khá nhiều diễn biến trong nước cũng như quốc tế có thể ảnh hưởng lớn tới thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn có những cái nhìn tích cực. 

Ông Barry Weisblatt David - Giám đốc Khối phân tích Chứng khoán VNDirect cho rằng, những phiên thị trường giảm mạnh tạo ra cơ hội mua vào tốt. Theo ông David, từ giờ tới cuối năm, chỉ số VN-Index có thể đạt 1.350-1.400 điểm, phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Đó là mức độ cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), sự suy yếu của đồng USD, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và tín dụng của Việt Nam. Nếu Fed cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 10-12%, tín dụng tăng 14% và lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết tăng 18%. VN-Index sẽ đóng cửa ở mức 1.350 điểm với mức P/E trượt (giá/lợi nhuận 4 quý gần nhất) là 14,2 lần.

Nhưng Fed cũng có thể cắt giảm lãi suất 50 điểm, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam sẽ đạt hơn 14%. Áp lực tỷ giá giảm bớt, Ngân hàng Nhà nước có thể tăng bơm tiền. VN-Index có thể lên trên mức 1.400 điểm