Chứng khoán năm nay sẽ thế nào?
VN-Index còn dư địa chạm đỉnh mới nhưng mặt bằng giá cổ phiếu đã cao buộc nhà đầu tư phải "đãi cát tìm vàng" trong năm mới.
Chưa lúc nào câu hỏi "gồng lãi đến bao nhiêu thì chốt" lại phổ biến trên thị trường chứng khoán như năm qua. Phần đông nhà đầu tư, từ gạo cội kinh nghiệm đến tân binh mới tập tành xem bảng điện tử, không dưới một lần trải qua cảm giác chếnh choáng trong men say chiến thắng khi tìm được "ba chữ cái" ưng ý. Dòng tiền đầu cơ đổ vào đón sóng T+3, T+5 đẩy hàng loạt cổ phiếu lên đỉnh lịch sử, tăng trưởng vài chục đến vài nghìn phần trăm và góp phần không nhỏ để chứng khoán Việt Nam chen chân vào nhóm 10 thị trường có tỷ suất sinh lời tốt nhất thế giới.
Nhà đầu tư giao dịch tại công ty chứng khoán ở quận 1 (TP HCM). Ảnh: Quỳnh Trần
Tương tự năm Covid-19 đầu tiên, nhà điều hành, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư và cá nhân tham thị trường đều có lý do mở tiệc ăn mừng vì một kết thúc không thể viên mãn hơn. Và nhiều khả năng, bữa tiệc này còn kéo dài sang năm nay.
"VN-Index còn tăng tiếp, chắc chắn như thế", ông Mattew Smith, Giám đốc nghiên cứu Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam khẳng định.
Ông Mattew Smith ví von thị trường chứng khoán Việt Nam như một con hổ đang lớn nhanh trong khu vực. Chỉ số năm ngoái tăng hơn 35%, vượt trội so với các thị trường mới nổi và đang phát triển, nhưng còn nhiều dư địa để tạo khoảng cách lớn so với giá đóng cửa 1.498 điểm.
Chuyên gia này kỳ vọng chỉ số có thể chạm 1.898 điểm trong kịch bản lý tưởng nhất, tương ứng tỷ suất sinh lời khoảng 27%. "Con số này khá cao nhưng chúng tôi cho rằng nó hợp lý khi xét đến các yếu tố tích cực như tăng trưởng lợi nhuận, thanh khoản, tâm lý nhà đầu tư", ông nói.
Báo cáo chiến lược đầu năm của các công ty chứng khoán đứng đầu thị phần môi giới cũng thể hiện sự lạc quan không kém. SSI, VNDirect, Mirae Asset (Việt Nam), KB Việt Nam đều dự đoán VN-Index cuối năm sẽ quanh 1.700-1.750 điểm.
Với góc nhìn thận trọng hơn, Công ty Chứng khoán Vietcombank cho rằng mặt bằng giá cổ phiếu cao nên mức tăng trưởng vượt trội trong giai đoạn 20200-2021 khó lặp lại. VN-Index nhiều khả năng chỉ tiến lên vùng cao nhất là 1.580-1.600 điểm, tương ứng tăng khoảng 6-8% so với đỉnh năm ngoái. Công ty Chứng khoán Rồng Việt thậm chí còn phác hoạ một kịch bản bi quan hơn là chỉ số đảo chiều về 1.340 điểm, bên cạnh kịch bản tích cực lên 1.730 điểm.
"Thị trường có thể nhạy cảm hơn và biến động mạnh hơn trước các thông tin tiêu cực, đặc biệt khi định giá cổ phiếu đã lên mặt bằng cao hơn nhiều so với giai đoạn trước khi Covid-19 xuất hiện lần đầu tiên", chuyên gia của Rồng Việt lý giải.
Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là ngay cả trong những dự báo thận trọng nhất thì động lực tăng trưởng vẫn áp đảo rủi ro tiềm tàng.
Sự lạc quan của nhà đầu tư về khả năng kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ, các gói thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giúp lợi nhuận doanh nghiệp cải thiện được đánh giá là động lực chính giúp thị trường tiếp tục chinh phục các đỉnh mới. Đa phần các nhóm phân tích ước tính EPS (tỷ suất lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) năm nay tăng khoảng 15-23% so với cùng kỳ khi các ngành dịch vụ, bán lẻ, hàng không, bất động sản sôi động trở lại.
Động lực được chờ đợi suốt nhiều năm qua là câu chuyện nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi có thể được hiện thực hoá khi cơ quan quản lý cố gắng gỡ các nút thút về thanh toán bù trừ. Mốc này càng đến gần khi dự án thay mới hệ thống giao dịch được triển khai bởi nhà thầu Hàn Quốc theo kế hoạch chính thức hoạt động trong nửa đầu năm.
Mặt bằng lãi suất tiết kiệm duy trì ở mức thấp năm thứ ba liên tiếp vẫn là động lực không thể thiếu để hỗ trợ đà đi lên của thị trường chứng khoán. Dù vậy, một số chuyên gia dự báo dòng tiền từ các nhà đầu tư trong nước sẽ không còn "hào hứng và hung hãn" như năm trước bởi sự phục hồi của nền kinh tế đang mở ra thêm những lựa chọn đầu tư khác cho nguồn vốn nhàn rỗi.
Ở chiều ngược lại, dịch bệnh bùng phát ngoài tầm kiểm soát và áp lực rút ròng của khối ngoại mạnh hơn khi áp lực lạm phát tăng cao và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất sớm hơn dự kiến được giới quan sát nhận định là hai rủi ro lớn nhất có thể khiến thị trường điều chỉnh mạnh. Nếu điều này xảy ra, thị trường có thể sẽ trải qua nhiều nhịp biến động với sóng tăng ngắn xen lẫn cú giảm sốc để tìm điểm cân bằng.
"Điều này khiến sức hấp dẫn của thị trường giảm bớt với dòng tiền đầu cơ", nhóm phân tích KB Việt Nam viết, đồng thời nhấn mạnh việc nhà đầu tư phải "đãi cát tìm vàng" trong bối cảnh này thay vì dễ dàng chọn được "ba chữ cái" sinh lời nhanh như năm ngoái.
Nguồn VnExpress.net
https://vnexpress.net/chung-khoan-nam-nay-se-the-nao-4411698.html
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá