Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Thứ tư, ngày 17 tháng 7 năm 2024 | 13:55

Chiều 16-7, tại Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia 1400 đã phối hợp cùng một số đơn vị liên quan tổ chức phát động Chương trình “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam năm 2024” với chủ đề “Thắp sáng tương lai”.

da-cam.jpg

Các đại biểu tham gia lễ phát động Chương trình “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam năm 2024”.

Nhiều điểm mới trong vận động nguồn lực

Cả nước hiện vẫn còn hàng triệu nạn nhân chất độc da cam, họ mang trong mình nhiều bệnh tật hiểm nghèo với những nỗi đau cả về thể xác và tinh thần. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, cộng đồng xã hội luôn hỗ trợ, chăm sóc, sẻ chia, đồng hành, trong đó chương trình “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” được tổ chức thường xuyên.

Năm nay, chương trình vận động ủng hộ có nhiều nét mới. Cụ thể, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam không triển khai vận động ủng hộ bằng hình thức nhắn tin, do Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia (1400) đang dừng triển khai hình thức nhắn tin vì liên quan đến Luật Viễn thông năm 2023, có hiệu lực từ ngày 1-7-2024. Tuy nhiên, Trung ương Hội vẫn phối hợp với Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC, Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia 1400, ứng dụng (app) thiện nguyện MB (Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội) để triển khai vận động ủng hộ.

Với nhiều đổi mới trong công tác vận động nguồn lực, chương trình đặt mục tiêu vận động được trên 2 tỷ đồng để chi hỗ trợ khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, hỗ trợ vốn sản xuất, xây mới, sửa nhà, hỗ trợ gia đình nạn nhân da cam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... “Chúng tôi cam kết số tiền chương trình thu được sẽ sử dụng đúng quy định của pháp luật, đúng mục đích, minh bạch, đúng đối tượng thụ hưởng”, Trung tướng Nguyễn Hữu Chính, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam nhấn mạnh.

Chương trình “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam năm 2024” có chủ đề “Thắp sáng tương lai” là một hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là cách làm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội hiện nay và khả năng tài chính của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Số tiền thu được từ chương trình không những phản ánh tình cảm và trách nhiệm của cộng đồng xã hội đối với nạn nhân chất độc da cam, mà còn làm cho đông đảo người Việt Nam và bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về thảm họa da cam ở Việt Nam; về công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Đồng hành, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam

Cuộc chiến tranh sử dụng chất độc hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam từ năm 1961 đến 1971 đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân; nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo, bị dị dạng, dị tật, thiểu năng trí tuệ. Di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4, gây nhiều thảm cảnh cho các thế hệ người Việt Nam.

Những năm qua, hoạt động “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” đã đạt kết quả tốt nhờ sự ủng hộ của cộng đồng xã hội, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Năm 2023, chương trình đã thu được tổng số hơn 2,141 tỷ đồng; trong đó, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã dành 1,638 tỷ đồng để hỗ trợ xây mới 14 nhà ở; thăm, tặng quà trực tiếp cho gần 600 nạn nhân ở 22 tỉnh, thành phố; hỗ trợ nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam… Trong 6 tháng đầu năm 2024, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã dành hơn 600 triệu đồng để tiếp tục hỗ trợ các nạn nhân trong cả nước theo mục tiêu của chương trình.

Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, Giám đốc Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia Đỗ Thị Hòa cho biết: Chương trình hỗ trợ nạn nhân nhiễm chất độc da cam được triển khai qua Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia từ năm 2011 cho đến nay đã được 13 năm, mỗi năm thu được hàng tỷ đồng. Qua đó góp phần thực hiện thông điệp ý nghĩa của Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia là “Cho yêu thương vươn xa”.

Trò chuyện cùng phóng viên tại Chương trình “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam năm 2024”, ông Đỗ Văn Xuân (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Tôi là thương binh, nạn nhân chất độc da cam, từng chiến đấu ở chiến trường Campuchia trong những giai đoạn vô cùng gian khổ và ác liệt. Việc vận động nguồn lực để hỗ trợ cho nạn nhân chất độc da cam có ý nghĩa rất lớn, bởi đối tượng hỗ trợ của chương trình là những người rất đặc biệt, phải chịu đựng tận cùng của nỗi đau do di chứng chiến tranh để lại. Không những phải trải qua nỗi đau do bệnh tật, khó khăn về kinh tế, họ còn chịu đựng nỗi đau về tinh thần rất nặng nề… Chính vì vậy, ngoài giá trị về vật chất thu được, Chương trình “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” còn có tính chất tuyên truyền, giáo dục, lan tỏa đến các tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ về tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách và uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam".

Thông qua những chương trình như thế này, các cơ quan chức năng, cộng đồng xã hội sẽ cùng chung tay, góp phần làm vơi đi phần nào nỗi đau da cam.