Chuyển biến tích cực trong chăm sóc trẻ tự kỷ
Trong thời gian qua, các đơn vị chức năng đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chăm lo cho trẻ tự kỷ, như: Thăm khám sức khỏe, huy động nguồn lực xã hội hóa, cung cấp tài liệu hỗ trợ hành vi tích cực cho trẻ…
Các phần việc ý nghĩa này đã góp phần nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến tích cực trong công tác chăm sóc trẻ tự kỷ.
Kiểm tra sức khỏe cho trẻ tại Trung tâm Hy Vọng (quận Ba Đình). Ảnh: Thu Minh
Cùng hỗ trợ, chăm lo
Nằm sâu trong một ngách nhỏ, Trung tâm Hy Vọng (phường Kim Mã, quận Ba Đình) trực thuộc Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật Hà Nội hiện đang chăm sóc hơn 50 trẻ có rối loạn phổ tự kỷ hoặc bị di chứng về não, chậm phát triển trí tuệ... Một ngày trung tuần tháng 4-2024, đoàn bác sĩ của Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội gồm 14 thành viên đã trực tiếp đến thăm khám cho các em nhỏ tại đây. Theo bác sĩ Hoàng Khánh Chi, Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội, đây là việc làm ý nghĩa, thiết thực, bởi việc khám lâm sàng toàn diện, trò chuyện nắm bắt tâm lý sẽ góp phần vào việc chỉ định điều trị dự phòng và quản lý chăm sóc sức khỏe cho các em.
Quá trình thăm khám cho trẻ tại Trung tâm Hy Vọng, đoàn bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội đã phải thực sự kiên nhẫn, nhẹ nhàng mới có thể nhận được sự hợp tác của các em. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Giám đốc Trung tâm Hy Vọng Đỗ Thúy Nga chia sẻ, ở đây, mỗi đứa trẻ có một hoàn cảnh, thể trạng khác nhau. Khi mới đến trung tâm, có em đã 12-13 tuổi nhưng chưa biết xúc ăn, chưa biết thay quần áo... Thậm chí, một số trẻ có hành vi bất thường, cô giáo đang ngồi thì bị trò giật tóc, đấm đá...
Qua 22 năm hình thành và phát triển, trung tâm đã có hơn 500 trẻ ra trường, một số em đã lập gia đình, có con và công việc ổn định. "Với chúng tôi, thành quả lớn lao nhất chính là sự trưởng thành của các con và giúp cho gia đình các con đỡ vất vả trong công tác chăm sóc, dạy dỗ trẻ chậm phát triển trí tuệ. Việc các bác sĩ, điều dưỡng đến thăm khám sức khỏe cho các con ngay tại trung tâm thực sự quý giá, giúp chúng tôi quản lý, chăm sóc các con tốt hơn”, bà Đỗ Thúy Nga nói.
Cùng với Trung tâm Hy Vọng, nhiều đơn vị quản lý, chăm sóc trẻ chuyên biệt trên địa bàn Hà Nội cũng tổ chức thăm khám sức khỏe, phân loại các dạng tật ngay tại đơn vị, trong khuôn khổ chương trình phối hợp giữa Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật Hà Nội và Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội. Riêng trong tháng 4-2024, tổng số trẻ được thăm khám, phân loại lên đến gần 800 người.
Kiên nhẫn và yêu thương
Có hàng chục năm gắn bó với công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em, bác sĩ Đỗ Thúy Nga (Trung tâm Hy Vọng) chia sẻ: “Với trẻ tự kỷ, nhiều con không ý thức được việc mình làm. Vì vậy, điều quan trọng nhất trong chăm sóc trẻ tự kỷ là phải kiên nhẫn và yêu thương, không đánh mắng, mà phải khen thật nhiều khi các con có việc làm tích cực, từ đó điều chỉnh được hành vi của trẻ. Đặc biệt là chúng tôi chú trọng dạy kỹ năng sống để các con sớm có thể tự phục vụ bản thân, biết chủ động vệ sinh, sinh hoạt cá nhân. Chúng tôi phải có kế hoạch, phác đồ chăm sóc, dạy dỗ riêng, phù hợp với đặc điểm tính cách, phân loại thể trạng của từng con”.
Về công tác chăm sóc trẻ tự kỷ, trẻ em khuyết tật nói chung, Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật Hà Nội Nguyễn Kim Hoàng cho biết: “Không chỉ chú trọng công tác chăm sóc, phục hồi chức năng cho trẻ, chúng tôi đặc biệt đẩy mạnh việc huy động nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ cấp phát thuốc, tặng quà cho trẻ khuyết tật, bao gồm trẻ chậm phát triển trí tuệ, trẻ có rối loạn phổ tự kỷ… Năm 2023, cùng với nỗ lực tự thân của các đơn vị cơ sở dành cho trẻ, Hội đã vận động được số tiền và hiện vật với tổng giá trị 4,5 tỷ đồng. Quý I-2024, hơn 400 triệu đồng cũng đã được Hội vận động tặng trẻ em khuyết tật của các đơn vị, trung tâm dạy trẻ khuyết tật”.
Đặc biệt, trong công tác chăm sóc trẻ tự kỷ, việc chuẩn hóa tài liệu, cung cấp thêm kiến thức và kỹ năng để cha mẹ có thể thực hành hỗ trợ trẻ ngay tại gia đình có ý nghĩa quan trọng không kém so với việc thăm khám sức khỏe, huy động nguồn lực hỗ trợ… Nói về những chuyển biến tích cực trong việc này, không thể không kể đến sự vào cuộc của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam. Thực hiện Dự án “Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam”, Quỹ đã ký thỏa thuận với Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) với tổng giá trị hỗ trợ là 10 tỷ đồng nhằm triển khai biên tập và phát hành bộ tài liệu chuẩn về hỗ trợ trẻ em tự kỷ ở Việt Nam.
Rối loạn phổ tự kỷ thường có các rối loạn đi kèm như rối loạn phát triển trí tuệ, rối loạn ngôn ngữ. Mong mỏi của những người đã và đang gắn bó với công tác chăm sóc trẻ em nói chung, trẻ tự kỷ nói riêng là ngày càng có thêm nhiều nguồn lực từ xã hội để các em sớm được can thiệp, hỗ trợ điều chỉnh hành vi, hòa nhập cộng đồng.
- Cháy rừng ở Sóc Sơn ngày càng khó kiểm soát
- Lễ hội cây cảnh hoa giấy Phù Đổng - “Sắc hoa trên miền di sản”
- Khuyến cáo công dân Việt Nam không đến Ukraine do căng thẳng leo thang
- Trách nhiệm, đồng lòng chống lãng phí
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Cấp đổi thẻ căn cước trực tuyến được giảm 50% lệ phí