Chuyển biến về chất trong giám sát, phản biện xã hội tại Hưng Yên
Nhiệm kỳ qua, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tỉnh Hưng Yên đã chủ động, sáng tạo triển khai nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội. Những kết quả đạt được đã góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
MTTQ xã Nhuế Dương (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) tổ chức lấy ý kiến cử tri về sắp xếp đơn vị hành chính. Ảnh: Lệ Thu.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hưng Yên Nguyễn Tuấn Anh, trong những năm qua, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã triển khai mạnh mẽ hoạt động giám sát, phản biện hướng vào các lĩnh vực, vấn đề có tác động, ảnh hưởng rộng lớn đến các tầng lớp nhân dân.
Hoạt động giám sát tập trung vào các lĩnh vực như việc thực hiện trách nhiệm của UBND các cấp và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong triển khai, thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; việc thực hiện chính sách, pháp luật trong đền bù, giải phóng mặt bằng thực hiện các chương trình, dự án; việc tiếp công dân, đối thoại và giải quyết tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân, đối với người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp; giám sát, phản biện xã hội đối với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025…
Trước yêu cầu đẩy nhanh tiến độ Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Tân Phúc - Võng Phan (Dự án) và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân vùng dự án, cuối năm 2023, Ủy ban MTTQ tỉnh Hưng Yên đã tiến hành giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư Dự án tại 2 huyện Ân Thi, Phù Cừ. Qua giám sát, Ủy ban MTTQ tỉnh đã kịp thời phát hiện một số bất cập như công tác quản lý đất đai ở một số xã chưa chặt chẽ, xảy ra tình trạng mua bán, chuyển nhượng trái phép, lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích; chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư còn bất cập, gây khó khăn cho công tác lập phương án bồi thường, hỗ trợ; công tác tuyên truyền ở một số nơi chưa thực sự hiệu quả, nhất là với những hộ chưa đồng thuận, chính quyền địa phương chưa kịp thời giải quyết thỏa đáng.
Kết thúc các giám sát chuyên đề này, Ủy ban MTTQ tỉnh Hưng Yên đã kiến nghị với UBND tỉnh và các huyện Ân Thi, Phù Cừ những giải pháp cụ thể để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, chất lượng dự án và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Việc MTTQ các cấp tích cực tham gia vào công tác giải phóng mặt bằng đã góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn. Từ sự vào cuộc mạnh mẽ, trách nhiệm cao của MTTQ và các tổ chức thành viên, chỉ trong 2 năm (2022 - 2023), nhân dân đồng thuận bàn giao gần 3.800ha mặt bằng để thực hiện các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh Hưng Yên.
Mới đây, để góp phần tạo đồng thuận trong cán bộ, nhân dân đối với việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, MTTQ các cấp trong tỉnh đã chủ động tổ chức thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, giám sát, phản biện xã hội ở các địa phương nằm trong diện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025.
Tại các địa phương, Mặt trận tập trung giám sát vào việc UBND cấp huyện và cơ quan có thẩm quyền xây dựng, thông qua đề án, phương án tổ chức sắp xếp đơn vị hành chính; giám sát UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện trình tự, thủ tục đổi tên, đặt tên đơn vị hành chính mới; giám sát việc tổ chức lấy ý kiến cử tri đối với việc sắp xếp đơn vị hành chính; giám sát quản lý sử dụng tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; tham gia phản biện đối với các đề án, kế hoạch của cấp ủy, chính quyền cùng cấp về sắp xếp đơn vị hành chính và công tác sắp xếp, thực hiện chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức…
Những con số thống kê cho thấy hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ tỉnh Hưng Yên đã có những chuyển biến tích cực cả về lượng và chất. Trong 5 năm qua, MTTQ các cấp đã chủ trì thực hiện gần 2.600 cuộc giám sát, tham gia với Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp thực hiện gần 4.000 cuộc giám sát.
Cùng với đó, MTTQ các cấp đã tổ chức 540 hội nghị phản biện xã hội, tham gia góp ý 1.545 văn bản về các dự thảo luật, văn bản dự thảo của các ngành, các cấp, các dự thảo chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương từ đó kiến nghị với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền điều chỉnh một số chính sách, biện pháp liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích của người dân cho phù hợp với thực tiễn.
Trong nhiệm kỳ mới, ông Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, việc đổi mới chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh là một trong những đột phá quan trọng trong hoạt động của MTTQ các cấp. Để nâng cao thực chất công tác giám sát, phản biện xã hội, Mặt trận các cấp tiếp tục phát huy vai trò chủ trì, tính chủ động; tăng cường phối hợp, hiệp thương thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên trong xây dựng, thực hiện chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội.
Hàng năm, căn cứ thực tế của địa phương và việc nắm tình hình nhân dân, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lựa chọn những vấn đề được nhân dân và dư luận quan tâm để xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện.
Thông qua hoạt động này, Mặt trận sẽ chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy Đảng, chính quyền những cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn, giải quyết những vấn đề mà người dân mong đợi.
- Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Vạch trần những thủ đoạn chống phá, xuyên tạc về Quốc hội Việt Nam
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Thi đua, khen thưởng cần thực chất
- Không thể xuyên tạc thành tựu sau 70 năm Giải phóng Thủ đô