Chuyến công du tới Saudi Arabia của ông Biden có hạ nhiệt được giá dầu?

Thứ sáu, ngày 10 tháng 6 năm 2022 | 0:25

Mặc dù, người ta có thể cho rằng một chuyến viếng thăm tới Saudi Arabia của ông Biden có thể thuyết phục nước này bơm thêm dầu và khiến giá giảm. Nhưng thực tế không đơn giản như vậy.

Mặc dù, người ta có thể cho rằng một chuyến viếng thăm tới Saudi Arabia của ông Biden có thể thuyết phục nước này bơm thêm dầu và khiến giá giảm. Nhưng thực tế không đơn giản như vậy.

Chuyến công du tới Saudi Arabia của ông Biden có hạ nhiệt được giá dầu? - 1

Tổng thống Mỹ Biden đang có kế hoạch công du tới Trung Đông, bao gồm Saudi Arabia, nhằm hạ nhiệt giá dầu (Ảnh: Illustration).

Tuần trước, thông tin Tổng thống Mỹ Biden đang có kế hoạch công du tới Trung Đông, bao gồm Saudi Arabia, nhiều nhà quan sát cho rằng đây là dấu hiệu "tan băng" trong quan hệ giữa Washington và Riyadh. Họ cũng nhìn thấy viễn cảnh về giá dầu giảm bởi hơn hết, mục đích của chuyến viếng thăm này của ông Biden là nhằm hạ nhiệt giá dầu.

Tuy nhiên, mọi thứ không đơn giản như vậy. Mặc dù, người ta có thể cho rằng một chuyến viếng thăm tới Saudi Arabia của ông Biden có thể thuyết phục được nước này bơm thêm dầu và khiến giá giảm, nhưng trên thực tế, giá dầu sẽ khó có thể giảm trong một thời gian dài.

Cuối tuần trước, nói với CNBC, ông Damien Courvalin - nhà phân tích năng lượng hàng đầu của Goldman Sachs - cho biết vấn đề của thị trường dầu thế giới và Mỹ sẽ không được giải quyết một cách nhanh chóng.

Ông Courvalin cho rằng thị trường đang trong tình trạng thâm hụt cơ cấu và đã kéo dài trong nhiều năm. Việc Saudi bơm thêm dầu trước mắt có thể ngăn chặn đà tăng mạnh hơn của giá dầu nhưng đó không phải là giải pháp bền vững cho vấn đề này.

Một ví dụ khác cho thấy quyết định tăng sản lượng của OPEC+ không còn tác động đến giá dầu hiện tại là vào tuần trước nhóm này đã quyết định nâng sản lượng hàng tháng thêm 650.000 thùng/ngày so với dự kiến ban đầu là 400.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, quyết định này vẫn không khiến thị trường dầu hạ nhiệt. Bằng chứng là giá dầu Brent và dầu WTI hiện đều đang tăng trên mức 122 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 9/3.

Một số nhà phân tích cho rằng, nhóm này cam kết như vậy nhưng thực tế không thể thực hiện được. Financial Times dẫn nhận định từ Rapidan Energy Group rằng OPEC+ sẽ khó có thể đạt được mức tăng sản lượng 648.000 thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8. Theo công ty tư vấn năng lượng này, 355.000 thùng/ngày là con số thực tế hơn.

Bởi một số thành viên của OPEC khó có thể đạt được sản lượng như thỏa thuận ban đầu. Điều này đã không còn là bí mật. Trong tháng 4, vấn đề này cũng khiến OPEC sản xuất được ít hơn khoảng 2,7 triệu thùng/ngày so với dự kiến.

Theo ông Courvalin, nguồn cung dầu toàn cầu đang bị thắt chặt và có khả năng sẽ vẫn như vậy vì các yếu tố địa chính trị. Các yếu tố địa chính trị mà ông đề cập bao gồm việc EU cấm vận dầu Nga, Libya gặp khó trong việc duy trì hoạt động sản xuất không bị gián đoạn và các cuộc đàm phán của Iran, một lần nữa, vẫn chưa đâu vào đâu.

Tất cả những điều này có nghĩa là, về cơ bản, bất cứ điều gì mà Tổng thống Mỹ hay bất kỳ nhà lãnh đạo nào trên thế giới làm đều không thể hạ nhiệt được giá dầu. Giá dầu vẫn có thể tiếp tục tăng. Và thực tế, giá dầu đang cao hơn.

 

 

Nguồn https://dantri.com.vn/kinh-doanh/chuyen-cong-du-toi-saudi-arabia-cua-ong-biden-co-ha-nhiet-duoc-gia-dau-20220609141907066.htm