Chuyển đổi số Việt Nam: Cần hình thành thể chế số và cách làm số

Thứ năm, ngày 10 tháng 3 năm 2022 | 8:58

Tại Việt Nam, chuyển đổi số đang diễn ra trên mọi ngành, mọi lĩnh vực và đã bước vào giai đoạn tăng trưởng. Trong bối cảnh đó, ngành viễn thông đang tìm cách thể chế hóa để vừa quản lý lại vừa thúc đẩy sự phát triển.

Sáng 9/3, Hội thảo World Mobile Broadband & ICT 2022 đã diễn ra tại Hà Nội. Đây là hội thảo chuyên ngành do Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam và Tập đoàn dữ liệu quốc tế (IDG Vietnam) phối hợp tổ chức với chủ đề “Hiện đại hóa hạ tầng viễn thông & dịch vụ nội dung số hướng tới thúc đẩy kinh tế số, xã hội số”.

Trong những năm qua, hội thảo Băng rộng di động và ICT đã thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, nhiều cơ quan quản lý và đông đảo cán bộ, chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông và CNTT. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ban tổ chức đã phải thay đổi hình thức hội thảo, tiến hành song song với 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Chuyển đổi số Việt Nam: Cần hình thành thể chế số và cách làm số
Ông Đoàn Quang Hoan – Tổng Thư ký Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đoàn Quang Hoan – Tổng Thư ký Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam cho biết, dịch vụ viễn thông băng rộng nói chung và băng rộng vô tuyến nói riêng đang đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội.

Cứ 10 năm, vô tuyến băng rộng lại thay đổi thế hệ một lần. Thế hệ sau lại có đóng góp cho sự phát triển của kinh tế xã hội lớn hơn, với những cách thức mới mẻ hơn mà thế hệ trước không thể có được.

Sự cải tiến, đổi mới liên tục diễn ra ngay trong cùng một thế hệ, trên cả mạng lưới và dịch vụ. Bởi vậy, Hội vô tuyến Điện tử Việt Nam đã tổ chức hội thảo World Mobile Broadband & ICT thường niên để phản ánh những sự cải tiến, đổi mới đó.  

Sự kiện này là nơi để các nhà cung cấp giải pháp và thiết bị, các nhà khai thác mạng và cung cấp dịch vụ cùng chia sẻ thông tin, cập nhật các kinh nghiệm phát triển. Đây cũng là diễn đàn nhằm cung cấp thông tin bổ ích cho các cơ quan quản lý để giúp điều chỉnh chính sách, điều chỉnh các quy trình quản lý phù hợp để thay đổi công nghệ và thị trường.

Chuyển đổi số Việt Nam: Cần hình thành thể chế số và cách làm số
Ngành viễn thông cần được phát triển và thúc đẩy để làm nền tảng cho sự phát triển của kinh tế số, xã hội số.

Chia sẻ tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Phạm Đức Long hoan nghênh Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam cùng tập đoàn IDG đã tổ chức buổi hội thảo. Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng tốc về chuyển đổi số, buổi hội thảo này hết sức có ý nghĩa.

Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ tới Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung. Công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Đặc biệt tại Việt Nam, chuyển đổi số đang diễn ra trên mọi ngành, mọi lĩnh vực và đã bước vào giai đoạn tăng trưởng.

Đại hội 13 của Đảng đã đưa ra nhiệm vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, kinh tế số đến năm 2025 sẽ chiếm 20% GDP. Đây là mục tiêu hết sức thách thức nhằm hiện thực hóa khát vọng Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045.

Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, muốn phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số thì chắc chắn phải có hạ tầng số. Hạ tầng số phải đi trước một bước. Với sự phát triển, hội tụ giữa viễn thông và CNTT, hạ tầng viễn thông đã chuyển mình trở thành hạ tầng số.

 
Chuyển đổi số Việt Nam: Cần hình thành thể chế số và cách làm số
Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Phạm Đức Long.

Bộ TT&TT xác định hạ tầng số bao gồm hạ tầng viễn thông cùng với hạ tầng dữ liệu. Hiện nay, Việt Nam đã đặt mục tiêu làm chủ hạ tầng băng rộng, trong đó có hạ tầng thiết bị 5G cũng như các công nghệ, nền tảng mang tính chất hạ tầng theo chiều hướng Make in Vietnam.

Bộ TT&TT đã báo cáo chính phủ đưa ra mục tiêu Việt Nam sẽ lọt top 30 nước có hạ tầng phát triển trước năm 2025. Để thực hiện mục tiêu này, Bộ TT&TT đã xây dựng và trình chính phủ chiến lược phát triển hạ tầng số giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, có những mục tiêu thách thức như làm thế nào để xây dựng được một hạ tầng số hiện đại, đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số và không bỏ lại ai ở phía sau trong quá này.

Thứ trưởng Phạm Đức Long đề nghị, khi nói về chuyển đổi số, về phát triển hạ tầng số, xây dựng các nền tảng số thì việc cần làm là phải có thể chế số. Nói về dữ liệu số, về hạ tầng dữ liệu nhưng phải thể chế hóa để vừa quản lý lại vừa thúc đẩy sự phát triển.

“Hạ tầng số có cả dữ liệu số, vậy phải làm thế nào để quản được những dữ liệu số ấy? Dữ liệu là tài nguyên. vậy tài nguyên của người Việt đặt ở đâu, cần quản lý như thế nào để thúc đẩy thay vì hạn chế sự phát triển?”, Thứ trưởng Phạm Đức Long đặt vấn đề.

Hiện nay, 80% dữ liệu của người Việt ở nước ngoài. Cần làm sao để dữ liệu của người Việt sản sinh ra ở Việt Nam, phát triển ở Việt Nam và hướng tới doanh thu từ hạ tầng dữ liệu này biến thành 1% GDP vào năm 2025. Đây là một trong những vấn đề cần nghiên cứu, xem xét.

Thứ 2 là về cách làm số. Việt Nam đặt mục tiêu rất thách thức là mỗi người dân sở hữu một chiếc smartphone, để mọi người dân được chuyển lên môi trường số.

“Vậy làm thế nào để mỗi người dân có một chiếc smartphone? Làm sao để đến năm 2025 mỗi hộ gia đình có một đường truyền cáp quang Internet, từ đó kết nối lên môi trường số. Làm sao để Việt Nam đạt top 30 về hạ tầng số?”. Những điều này đòi hỏi một cách làm đột phá, xuất sắc.

Thứ trưởng Phạm Đức Long mong muốn qua thực tế phát triển cũng như các kinh nghiệm của quốc tế, các doanh nghiệp, tổ chức cần nêu lên kiến nghị, đề xuất đối với cơ quan quản lý nhà nước để Việt Nam có thể hoàn thiện thể chế và cách làm số.

Nguồn Vietnamnet.vn

https://vietnamnet.vn/vn/cong-nghe/vien-thong/chuyen-doi-so-viet-nam-can-hinh-thanh-the-che-so-va-cach-lam-so-821466.html