Chuyển đổi số giúp tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, tạo hiệu quả trong quản lý
- Đó là nhận định của các đại biểu tại cuộc tọa đàm với chủ đề "Quy định mới về lệnh vận chuyển với xe khách" do Báo Giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) tổ chức chiều 8-8, tại Hà Nội. Buổi tọa đàm có sự tham gia của đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội...
Quang cảnh buổi tọa đàm.
Theo quy định mới vừa được Bộ Giao thông Vận tải ban hành về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, bên cạnh lệnh vận chuyển giấy, các doanh nghiệp vận tải, bến xe được sử dụng thêm lệnh vận chuyển điện tử.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đây là một phần dữ liệu đầu vào để tổ chức quản lý chặt chẽ từ doanh nghiệp vận tải nơi khởi đầu hành trình đến khi xuất bến. Lệnh vận chuyển điện tử sẽ theo thời gian thực với đầy đủ thông tin của doanh nghiệp và phương tiện vận chuyển. Trên hệ thống phần mềm sẽ có các thông tin biển số, họ tên tài xế, hành trình...
Khi có các thông tin từ doanh nghiệp cập nhật lên phần mềm, đơn vị quản lý bến xe sẽ cho xe xuất bến. Xe xuất bến sẽ gắn với việc giám sát hành trình. Đây là một trong những yếu tố giúp công tác quản lý được chặt chẽ hơn. Chuyển đổi số là một trong các yêu cầu đối với doanh nghiệp khi tham gia thị trường. Hiện nay, khi thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ thì vận tải hành khách cũng phải phát triển tương ứng. Cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp vận tải phải xây dựng lộ trình phù hợp để triển khai.
Ông Trịnh Văn Tùng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải) cho rằng, việc này hết sức cần thiết trong điều kiện hiện tại. Việc chuyển đổi số không những tốt cho doanh nghiệp mà còn hiệu quả cho các cơ quan quản lý nhà nước và hoạt động thanh tra, kiểm tra. Thông qua quy định về chuyển đổi số, hoạt động thanh tra, kiểm tra sẽ nhanh và chính xác hơn. Ví dụ, trước đây, lực lượng Thanh tra giao thông khi kiểm tra phương tiện phải kiểm tra rất nhiều hồ sơ, nhưng khi áp dụng chuyển đổi số thì chỉ cần tra cứu thông tin trên máy tính sẽ có kết quả ngay và chính xác.
"Trước đây, khi sử dụng lệnh vận chuyển giấy thì có thể xảy ra tình trạng doanh nghiệp hoặc phương tiện sử dụng lệnh vận chuyển không đúng quy định, thậm chí lệnh vận chuyển giả. Bây giờ khi ứng dụng công nghệ số thì lệnh vận chuyển giả rất khó xảy ra, sẽ góp phần hạn chế tình trạng xe dù, bến cóc", ông Trịnh Văn Tùng nhận định.
Ủng hộ phải đẩy mạnh chuyển đổi số, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) Nguyễn Tuyển thông tin, đối tượng áp dụng lệnh vận chuyển đối với vận tải cố định trên địa bàn thành phố là khoảng 50 đơn vị với trên 700 đầu phương tiện; còn các đơn vị của địa phương khác đăng ký hoạt động trên địa bàn Hà Nội là khoảng 300 đơn vị với 3.500 phương tiện. Việc áp dụng lệnh vận chuyển điện tử là đúng đắn. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ tham mưu triển khai để thành phố vào trong tốp những địa phương có đơn vị, phương tiện vận tải sử dụng lệnh điện tử dẫn đầu.
"Việc áp dụng lệnh vận chuyển điện tử lúc đầu có thể khó khăn nhưng sau một thời gian, khi làm được, các đơn vị sẽ thấy đây là quyết định đúng để quy trình trở nên bài bản, có quy mô hơn, áp dụng khoa học công nghệ trong hoạt động vận tải, góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông", ông Nguyễn Tuyển nói.
- Trục vớt, di dời quả bom M-118 thứ 3 tại quận Long Biên
- Thủ tướng Chính phủ đồng ý nghỉ 9 ngày liên tục trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Cháy rừng ở Sóc Sơn ngày càng khó kiểm soát
- Lễ hội cây cảnh hoa giấy Phù Đổng - “Sắc hoa trên miền di sản”
- Khuyến cáo công dân Việt Nam không đến Ukraine do căng thẳng leo thang
- Trách nhiệm, đồng lòng chống lãng phí
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3