Chuyên gia cấp cứu, hồi sức nói gì về vụ bé 3 tuổi bị nhốt vào tủ cấp đông?

Thứ hai, ngày 15 tháng 8 năm 2022 | 12:0

Trước đó Sức khoẻ và Đời sống có phản ánh thông tin các bác sĩ của Bệnh viện Nhi TW đã cứu thành công trường hợp bé trai 3,5 tuổi ở Hà Nam nghi bị bạo hành, nhốt trong tủ cấp đông.

Vụ việc cháu N.H.Đ (sinh năm 2019, trú tại xã Nhân Chính, huyện Lý Nhân, Hà Nam) bị đối tượng Nguyễn Trường Giang (sinh năm 1997, trú tại xã Chính Lý, Lý Nhân) bạo hành nhốt vào tủ cấp đông đang khiến dư luận xôn xao.

Chuyên gia cấp cứu, hồi sức nhi nói gì về hiểm hoạ khôn lường khi nhốt trẻ vào tủ cấp đông? - Ảnh 2.

Đến nay trẻ ổn định sức khỏe nhưng vẫn sưng nề vùng lưỡi, đầu mặt, ăn uống khó. Ảnh: bác sĩ cung cấp

Các chuyên gia của Khoa Cấp cứu và chống độc, Bệnh viện Nhi TW cho biết, đây là lần đầu tiên bệnh viện tiếp nhận trẻ bị nhốt vào tủ đông lạnh. Các y bác sĩ khẳng định, nếu trẻ không được phát hiện kịp thời, thân nhiệt hạ sâu do ở nhiệt độ lạnh quá lâu hoặc thiếu khí (nếu tủ bị đóng kín) có thể dẫn đến nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Theo đó, để đảm bảo hoạt động tốt nhất của các cơ quan, nhiệt độ cơ thể thường duy trì tốt nhất là 37 độ C. Do nhiều yếu tố (môi trường, bệnh lý...) nhiệt độ cơ thể có thể tăng cao hơn hoặc xuống thấp hơn. Nhiệt độ cơ thể thấp hơn bình thường (trạng thái hạ thân nhiệt) và kéo dài sẽ gây ảnh hưởng tới nhiều cơ quan trong cơ thể như: tim mạch, hệ thần kinh, tiêu hóa…

Khi thân nhiệt giảm quá thấp, nếu không kịp thời xử lý tăng thân nhiệt, người bệnh có thể bị đe dọa tính mạng do tim và hệ thống thần kinh không thể hoạt động tốt.

Cũng về vấn đề này, PGS.TS Tạ Anh Tuấn- Trưởng Khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi TW nhấn mạnh: Việc nhốt trẻ trong tủ cấp đông sẽ gây ra tình trạng thiếu oxy, từ đó gây ngạt; đồng thời tủ cấp đông làm thân nhiệt của trẻ giảm, sẽ gây rối loạn đến chuyển hoá trong cơ thể.

"Cả hai lý do trên dẫn tới suy chức năng các cơ quan, hiểm hoạ cho tính mạng của trẻ, thậm chi gây tử vong"- TS Tạ Anh Tuấn khẳng định.

ThS.BS Lê Văn Dẫn - Phó khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Thanh Nhàn nói: "Nạn nhân có nguy cơ tử vong tùy vào nhiệt độ tủ đông và thời gian bị nhốt trong tủ kéo dài bao lâu".

"Khi trẻ bị lạnh kéo dài sẽ gây ra tình trạng hạ thân nhiệt. Ngoài triệu chứng nhiễm lạnh, nạn nhân sẽ bị rối loạn các chuyển hóa trong máu, có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Trong không gian hẹp như ngăn đông tủ bảo ôn và thời gian kéo dài có thể xảy ra nguy cơ về ngạt khí. Tủ đông đóng kín khiến nạn nhân bị thiếu dưỡng khí, thiếu oxy, CO2 tăng lên có thể rơi vào tình trạng hôn mê"- ThS.BS Lê Văn Dẫn nói.

Về sơ cứu trong trường hợp này, các chuyên gia lưu ý, người nhà cần đánh giá tình trạng nạn nhân như thế nào, có biện pháp làm ấm cho trẻ và nhanh chóng đưa vào cơ sở y tế. Khi có dấu hiệu rối loạn các chức năng, đặc biệt về hô hấp cần can thiệp sớm cho trẻ thở oxy.

"Quan trọng là chúng ta phải nâng nhiệt độ cho trẻ, dùng các biện pháp ủ ấm để đảm bảo nhiệt độ trẻ được đưa về bình thường"- các chuyên gia cho biết.

Còn 17 ngày: Sắp khai giảng năm học, nhiều tỉnh tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi rất thấpCòn 17 ngày: Sắp khai giảng năm học, nhiều tỉnh tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi rất thấp

SKĐS - Đến nay đã tròn 4 tháng triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, cả nước mới tiêm được trên 13,5 triệu liều vaccine; nhiều tỉnh, thành tiêm mũi 2 rất chậm, thậm chí có địa phương mới chỉ đạt dưới 15% trong khi chỉ còn 17 ngày nữa là phải hoàn thành theo mục tiêu đề ra.

Thái Bình