Chuyên gia nhận định gì về việc 4 tuyến cáp quang biển cùng gặp sự cố?

Thứ bảy, ngày 11 tháng 2 năm 2023 | 9:21

Hiện 4 trên 5 tuyến cáp quang biển Việt Nam đang khai thác gặp sự cố, khiến kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế bị ảnh hưởng lớn.

4 tuyến cáp quang biển nào đang gặp sự cố?

Nếu ví hệ thống mạng Internet là một "ngôi nhà" thì các tuyến cáp quang biển được xem là “cửa ngõ” để giúp chúng ta có thể kết nối với thế giới liên tục 24/24. Tuy nhiên, 5 tuyến cáp quang biển đang được các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) ở Việt Nam khai thác gồm: SMW3, AAG, IA, APG và AAE-1, thì có đến 4 tuyến cáp đang gặp sự cố.

4 tuyến cáp quang biển gặp sự cố gây ảnh hưởng gì đến doanh nghiệp?
Sơ đồ tuyến cáp quang biển quốc tế AAE-1

Trong số đó, tuyến SMW-3 là sợi cáp già cỗi nhất và dài nhất thế giới, được đưa vào hoạt động từ năm 1999, cầu nối Internet giữa Đông Nam Á, Trung Đông và Tây Âu. Đây đang là tuyến duy nhất không gặp sự cố, giữ kết nối Internet qua biển cho hơn 70 triệu người dùng Việt Nam.

AAG (Asia America Gateway) là tuyến cáp biển được đưa vào vận hành từ hơn 12 năm trước, có tổng chiều dài 20.000 km và dung lượng thiết kế đạt đến 2 Terabit/giây, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ.

Tuyến cáp bắt đầu từ Malaysia và điểm cuối tại Mỹ, nhánh cáp rẽ vào Việt Nam nằm trong đoạn S1 có chiều dài 314 km. Tuyến AAG gặp sự cố trong tháng 12/2022 trên các hướng kết nối Singapore và Trung Quốc, dự kiến quá trình khắc phục sẽ kéo dài từ 30/3 đến 4/4.

Tuyến APG (Asia Pacific Gateway), là tuyến cáp quang biển quốc tế được đưa vào vận hành chính thức từ giữa tháng 12/2016. Tuyến cáp quang này có chiều dài khoảng 10.400 km được đặt ngầm ở dưới biển Thái Bình Dương.

APG có khả năng cung cấp băng thông tối đa lên tới mức 54 Tbps. Tuyến cáp biển này có điểm kết nối ở Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Tuy nhiên, APG đã mất toàn bộ dung lượng sau 2 sự cố lần lượt vào cuối tháng 12/2022 và đầu tháng 1/2023, trên các nhánh S6 kết nối Hong Kong, Trung Quốc và S9 kết nối Singapore và Nhật Bản. Dự kiến quá trình sửa chữa nhánh S6 sẽ kéo dài từ 22-27/3, trong khi đó sự cố trên nhánh S9 phải đến 9/4 mới được khắc phục.

Tuyến IA (Intra Asia hay Liên Á), có chiều dài 6.700 km, dung lượng 3,84 Tb/s, kết nối Singapore, Hong Kong, Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Việt Nam và Guam. Hiện IA trong quá trình xin cấp phép và đăng ký tàu sửa chữa và quá trình sửa chữa khắc phục sự cố sẽ bắt đầu từ giữa tháng 3.

Phân đoạn S1H của AAE-1, gần Hong Kong, Trung Quốc, bị hỏng lớp cách điện và gây ra đoản mạch do lõi kim loại tiếp xúc với nước biển từ đầu tháng 12/2022 và kế hoạch sửa chữa vẫn chưa được công bố.

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Ngọc Hân - Tổng giám đốc Thủ Đô Multimedia thông tin, khi cáp quang bị đứt, chắc chắn lưu lượng trao đổi dữ liệu sẽ bị ảnh hưởng lớn. Ảnh hưởng này không chỉ có các đơn vị trong nước có sử dụng Internet phục vụ hoạt động doanh nghiệp mà còn cả các doanh nghiệp ở nước ngoài đang có làm ăn tại Việt Nam.

Những thiệt hại có thể nhìn thấy như: Doanh nghiệp sẽ mất thời gian để thực hiện công việc, hoặc phải thực hiện công việc lặp đi lặp lại nhiều lần do kết nối chập chờn. “Một số doanh nghiệp sử dụng các hạ tầng cloud của nước ngoài còn gặp các sự cố như không thể cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng, đặc biệt trong các lĩnh vực cần băng thông lớn như dịch vụ truyền hình, giáo dục trực tuyến...” - ông Nguyễn Ngọc Hân nêu.

Không đủ năng lực kỹ thuật, vốn đầu tư tuyến cáp biển

Đến đầu năm 2023, thế giới có 552 tuyến cáp đang hoặc sắp khai thác, với tổng chiều dài 1,4 triệu km. Đồng thời, hiện 99% lưu lượng Internet trên thế giới đi qua hệ thống cáp quang biển. Mỗi năm, trung bình có hơn 100 vụ đứt cáp quang biển.

4 tuyến cáp quang biển gặp sự cố gây ảnh hưởng gì đến doanh nghiệp?
Đến đầu năm 2023, thế giới có 552 tuyến cáp đang hoặc sắp khai thác, với tổng chiều dài 1,4 triệu km

“2/3 sự cố cáp là do các hoạt động của con người, chẳng hạn như lưới đánh cá và mỏ neo tàu mắc vào cáp. Nguyên nhân tiếp theo là thảm họa tự nhiên, động đất hoặc lở đất dưới đáy biển” - TeleGeography cho biết.

Như vậy, với 5 tuyến cáp đang hoạt động, Việt Nam khai thác chưa đến 1% số cáp toàn cầu, nhưng gặp lượng sự cố bằng 10% cả thế giới. Các tuyến cáp quang biển mà Việt Nam khai thác đứt trung bình 10 lần mỗi năm.

Theo một nhà mạng Việt Nam, nguyên nhân là vùng biển Đông Nam Việt Nam có mực nước nông trong khi tàu bè hoạt động nhộn nhịp, neo đậu trái phép trên vùng có tuyến cáp đi qua. Bên cạnh đó, cáp quang đi qua nhiều quốc gia và nằm sâu dưới đáy biển, do đó quy trình sửa chữa phức tạp và tốn nhiều thời gian, có thể lên đến vài tháng.

Người dùng mạng Việt Nam hiện kết nối với thế giới qua ba con đường chính: Cáp quang biển, cáp đất liền và Internet vệ tinh. Tuy nhiên, đường cáp chạy dưới biển luôn là “mạch máu” khi chiếm 99% lưu lượng truyền thông tin xuyên lục địa. Cáp đất liền thường dùng cho khách hàng có nhu cầu kết nối cao, thuê kênh riêng để phục vụ. Còn kết nối vệ tinh chỉ dùng cho các khu vực hiểm trở, khó tiếp cận.

Một chuyên gia của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, Việt Nam hoàn toàn không làm chủ sở hữu bất cứ tuyến cáp quang biển nào. Danh sách này cập nhật tới năm 2023, có 8-9 tuyến có đấu nối vào bờ biển Việt Nam và 4 tuyến đang bị đứt nằm trong danh sách này.

Các công ty viễn thông, công nghệ thông tin quốc tế sẽ đầu tư trục chính, chạy dưới biển và khi chạy qua lãnh hải Việt Nam sẽ mở 1 cổng cho Việt Nam đấu nối vào. Đồng thời, hàng năm các công ty viễn thông, công nghệ thông tin của Việt Nam như: Viettel, FPT, VNPT, CMC sẽ trả tiền thuê bao đấu nối cho họ.

“Các sự cố xảy ra không phải là đứt cáp từ điểm đấu nối vào bờ ở Việt Nam, mà đứt trên trục chính của các tuyến này” - vị chuyên gia này nhận định, đồng thời cho rằng, cáp quang biển hay bị đứt vì tai nạn, ví dụ như mỏ neo của tàu thủy thả xuống đáy biển khi đỗ và khi di chuyển đi sẽ kéo đứt cáp trên các trục chính… Điều này có nghĩa không phải lỗi từ phía Việt Nam.

Các công ty tư nhân sở hữu các tuyến sẽ có đội kỹ thuật, thợ lặn và thiết bị để đi tìm và sửa chỗ đứt dưới đáy biển. “Việt Nam không có năng lực kỹ thuật, vốn để đầu tư tuyến riêng. Tuy nhiên, các tuyến cáp quang biển chính, ổn định và có tốc độ nhanh nhất chạy qua biển Đông đều đã được các công ty Viettel, VNPT, FPT chủ động kết nối cũng như đã có sự tính toán hợp lý nhất để kết nối vào các tuyến này” - vị chuyên gia của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nói.

Ông Nguyễn Ngọc Hân cho biết, việc tự phát triển một hệ thống cáp quang riêng trên mặt đất hiện nay không còn phù hợp vì chi phí lớn, vận hành tốn kém mà không đảm bảo chất lượng như hệ thống cáp quang biển.

Trước những sự cố liên quan đến cáp quang biển, các quốc gia và các nhà cung cấp dịch vụ cũng đã cố gắng cải thiện bằng việc tạo ra nhiều đường kết nối hơn. Chẳng hạn như kế hoạch của Việt Nam sẽ tham gia kết nối 2-3 tuyến cáp quang biển trong vòng 5 năm tới.

“Ngoài ra sự phát triển của công nghệ cũng mở ra cơ hội để mở rộng các kết nối Internet thông qua vệ tinh. Trong trường hợp nghẽn mạng, nhà mạng cũng đưa ra biện pháp phân tải cho các dịch vụ ưu tiên để đảm bảo tốt nhất năng lực vận hành” - ông Nguyễn Ngọc Hân chia sẻ thêm.

Nguồn: https://congthuong.vn/