Chuyên gia quốc tế nêu bật Việt Nam trong phát triển quan hệ Mỹ - ASEAN
Trả lời phỏng vấn The Hanoi Times, chuyên gia khu vực Đông Nam Á, Giáo sư danh dự của Đại học New South Wales (UNSW) Carl Thayer nói rằng Việt Nam đã góp phần định hình chính sách trong quan hệ với Mỹ và trong quan hệ Đối tác chiến lược Mỹ - ASEAN.
Theo GS Carl Thayer, với tư cách là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam đã đóng vai trò đầu tàu, là cầu nối và là tác nhân tích cực thúc đẩy sự phát triển của mối quan hệ Mỹ - ASEAN.
Theo thời gian, vai trò của Việt Nam đã phát triển tương xứng với vị thế của quốc gia trong ASEAN: Là Chủ tịch ASEAN năm 2020 với vai trò mạnh mẽ trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 ở khu vực; Điều phối viên quốc gia về quan hệ đối thoại của ASEAN (trong nhiệm kỳ 9 năm sắp tới, trước khi Việt Nam trở thành điều phối viên quan hệ với Mỹ); Điều phối viên các nước ASEAN về quan hệ đối thoại với Ấn Độ (2015-2018), và 2 đồng minh của Mỹ là Nhật Bản (2018-2021) và Hàn Quốc (2021-2024).
Về quan hệ Mỹ - ASEAN thời gian qua, GS Carl Thayer cho biết Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ 2 của ASEAN và là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất của khu vực.
Trong 45 năm quan hệ, hai bên đã có 7 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược. Năm 2016, hai bên đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo đặc biệt đầu tiên tại Sunnylands, California. Mặc dù không có hội nghị thượng đỉnh đặc biệt nào được tổ chức trong giai đoạn từ năm 2017 - 2020, nhưng vào năm 2019, quan hệ Đối tác Mekong-Hoa Kỳ đã được khởi động.
Chuyên gia khu vực Đông Nam Á và Việt Nam lưu ý, mối quan hệ đã đặc biệt được nâng cao sau khi chính sách của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương có sự thay đổi, được đánh dấu bởi sự góp mặt của Tổng thống Joe Biden tại Hội nghị Cấp cao Mỹ-ASEAN lần thứ 9, diễn ra vào tháng 10/2021.
Theo đó, hai bên đã xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện quan hệ đối tác chiến lược giai đoạn 2021-2025, bên cạnh việc tham gia tích cực vào Quỹ ứng phó Covid-19 ASEAN; ra mắt Văn phòng khu vực Đông Nam Á của CDC tại Hà Nội; Sáng kiến Tương lai Y tế Mỹ-ASEAN; và mở rộng các trao đổi, thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ, năng lượng và môi trường và biến đổi khí hậu.
Vào tháng 3/2022, chính quyền Biden đã công bố Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN, các cơ chế do ASEAN lãnh đạo và vai trò Chủ tịch ASEAN, ủng hộ Triển vọng ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như vai trò thiết yếu của ASEAN đối với việc định hình khu vực.
Liên quan đến Hội nghị cấp cao đặc biệt được tổ chức vào ngày 12-13/5 này tại Mỹ, GS Thayer cho rằng các kết quả thu được sẽ là thiết thực, khi tiếp nối các sáng kiến của Hội nghị cấp cao các nhà lãnh đạo Mỹ -ASEAN đầu tiên tại Sunnylands vào tháng 2/2016; cũng như cam kết của Tổng thống Biden về việc hỗ trợ ASEAN giải quyết vấn đề phục hồi Covid-19, giảm thiểu biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy bình đẳng giới tại Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN hồi tháng 10/2021.
Hội nghị Cấp cao Đặc biệt lần này là sáng kiến của Tổng thống Biden nhằm thể hiện cam kết của Mỹ đối với ASEAN, vai trò trung tâm của ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt. Đây là những chủ đề chính trong Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời mà Chính quyền Biden đã công bố vào tháng 3/2021, và Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (tháng 2/2022).
Theo GS Thayer, chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh bao gồm sự tham gia của Mỹ tại ASEAN về khôi phục Covid-19 và an ninh y tế, chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu, kích thích tăng trưởng kinh tế trên diện rộng, thúc đẩy bình đẳng giới, tăng cường quan hệ giao lưu nhân dân. Tổng thống Biden sẽ công bố nguồn tài trợ mới cho các sáng kiến của mình.
Ngoài ra, theo các nguồn tin từ Phnom Penh, chương trình nghị sự cũng sẽ phản ánh quan điểm của Campuchia - Chủ tịch ASEAN, thúc đẩy thảo luận về "phát triển bền vững, hợp tác hàng hải, phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và giao lưu nhân dân, cũng như kết nối và tham gia kinh tế".
Bộ Ngoại giao Indonesia, với tư cách là cơ quan chịu trách nhiệm về quan hệ đối thoại giữa ASEAN với Mỹ, báo cáo rằng sự kiện "sẽ thảo luận về các ứng phó đại dịch, hợp tác về y tế, giáo dục và phục hồi kinh tế, cũng như các thách thức địa chính trị toàn cầu và khu vực".
Hội nghị cấp cao đặc biệt cũng có khả năng thảo luận về tình hình ở Myanmar, xung đột vũ trang ở Ukraine và tác động đối với Đông Nam Á cũng như cách Mỹ và ASEAN có thể phản ứng, và cuối cùng là định hướng tương lai cho quan hệ Mỹ-ASEAN với tư cách là đối tác chiến lược.
Giáo sư Thayer tin tưởng về một tương lai tốt đẹp của quan hệ Mỹ-ASEAN trong thời gian tới, khi Chính quyền Biden được cho sẽ thể hiện cam kết mới với ASEAN tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 5/2022.
Ngoài ra, hội nghị còn đáp ứng các mục tiêu của Kế hoạch Hành động Thực hiện Quan hệ Đối tác Chiến lược 2021-2025; thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống đại dịch Covid-19 và các bệnh khác; sự sẵn sàng về vaccine và nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; các hoạt động về kinh tế kết nối kỹ thuật số, an ninh mạng, cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực; và hơn nữa, làm cho ASEAN trở nên phù hợp hơn nữa trong cấu trúc khu vực.
Nguồn https://kinhtedothi.vn/chuyen-gia-quoc-te-neu-bat-viet-nam-trong-phat-trien-quan-he-my-asean.html
- Vụ rơi trực thăng: Lần du lịch cuối và chuyến bay định mệnh
- Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8
- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các cơ quan báo chí tại TP. HCM
- Chủ tịch nước chủ trì hội nghị góp ý vào Dự thảo Đề án xây dựng Nhà nước pháp quyền
- Bộ GTVT trình Quốc hội 3 dự án cao tốc hơn 84.000 tỷ đồng
- Buộc thôi việc Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc
- Chủ tịch Quốc hội: Không được “đụng” nguồn cải cách tiền lương để làm đường
- Xem xét kỷ luật các ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long liên quan vụ Việt Á
- Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman thăm Việt Nam