Chuyện ‘văn hóa phong bì’ trong vụ ‘chuyến bay giải cứu
Trong suốt phiên tòa xét xử vụ "chuyến bay giải cứu", câu chuyện về "cơ chế xin cho", "văn hóa phong bì" được cả đại diện VKS, luật sư và bị cáo nhắc đến.
Theo quan điểm luận tội của đại diện VKS, trong vụ “chuyến bay giải cứu” có 21/54 bị cáo bị truy tố về tội nhận hối lộ.
Quá trình điều tra, truy tố và phần thẩm vấn công khai tại phiên tòa xác định, các bị cáo đã có hành vi nhận tiền của đại diện các doanh nghiệp để đề xuất, trình duyệt, duyệt phát hành công văn để cấp phép các chuyến bay đưa công dân về nước.
Trong phần thẩm vấn, có một số bị cáo “lập lờ đánh lận con đen” cho rằng, hành vi nhận tiền của mình là do các doanh nghiệp cám ơn.
Nhưng đại diện VKS cho rằng, đây là việc đánh tráo khái niệm cực kỳ nguy hiểm, có thể gây ra tiền lệ xấu cho xã hội. Do vậy cần phải nhận thức cho đúng để loại bỏ “văn hóa phong bì” ra khỏi đời sống xã hội.
Các bị cáo vụ "chuyến bay giải cứu"
Đại diện VKS cho rằng, các bị cáo đang làm công việc thuộc chức trách nhiệm vụ của mình nên không thể coi là cám ơn khi số tiền cám ơn bằng cả một gia tài mà nhiều người mơ ước. Cũng không thể coi là cám ơn khi người đưa buộc phải đưa và đặc biệt không thể coi việc các bị cáo nhận một số tiền đặc biệt lớn cho cá nhân mình trong bối cảnh, người dân và doanh nghiệp cả nước chắt chiu quyên góp cho quỹ vắc xin cho công tác cứu trợ nhằm phòng chống dịch.
“Chúng tôi khẳng định một cách mạnh mẽ rằng, hành vi của các bị cáo là hành vi nhận hối lộ”, lời đại diện VKS.
Đại diện VKS chỉ ra thủ đoạn phạm tội của các bị cáo được thể hiện dưới 2 dạng chính như sau: Thứ nhất, các bị cáo nhận hối lộ đưa ra yêu cầu, thỏa thuận, mặc cả về giá buộc các doanh nghiệp phải đưa tiền.
Thứ hai, người có thẩm quyền trong việc thẩm định, đề xuất, duyệt cấp phép các chuyến bay có hành vi gây khó khăn, dẫn đến các doanh nghiệp phải chi tiền theo “luật bất thành văn” thì mới được cấp phép thực hiện chuyến bay.
Chiều 19/7, trong phần bào chữa cho bị cáo Lê Hồng Sơn (Tổng giám đốc Công ty Blue Sky), luật sư Giang Hồng Thanh cũng nhắc đến “cơ chế xin cho” và “văn hóa phong bì” trong vụ án này. Theo luật sư, một số cán bộ nhà nước gây khó khăn, ép buộc doanh nghiệp phải đưa tiền thì mới tạo điều kiện cấp phép. Nếu doanh nghiệp không đưa tiền, chắc chắn họ sẽ bị thiệt hại rất lớn.
Luật sư nêu: “Vậy doanh nghiệp có sự lựa chọn nào khác không? Không. Chỉ có hoặc là đưa tiền, hoặc đừng tổ chức chuyến bay nữa”.
Rõ ràng là Sơn phạm tội Đưa hối lộ. Nhưng hành vi phạm tội của bị cáo xuất phát từ những khó khăn mà không phải do họ tự gây ra. Xét cho cùng, ở một góc độ nào đó, họ cũng là nạn nhân của "cơ chế xin cho" trong vụ án này.
Ông Giang Hồng Thanh cũng lấy ví dụ về trường hợp bị cáo Đào Minh Dương (Giám đốc Công ty cổ phần Vijasun). Tại tòa ông Dương khai, ban đầu bị cáo nhất định không chịu chi tiền nên gặp khó khăn cùng cực.
Trong phần tự bào chữa, bị cáo Lê Hồng Sơn cũng phải thốt lên rằng: “Doanh nghiệp là nạn nhân của cơ chế xin cho, nạn nhân của văn hóa phong bì”.
Đối với các bị cáo phạm tội Đưa hối lộ, môi giới hối lộ, quan điểm luận tội của đại diện VKS cho rằng: Trước sự gây khó khăn, nhũng nhiễu, tạo “cơ chế xin cho” của một số đối tượng trong các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp đã phải đưa tiền để được duyệt cấp phép các chuyến bay.
Đại diện VKS đề nghị HĐXX cân nhắc, đánh giá đúng nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh để có hình phạt phù hợp đối với người đưa hối lộ.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
- Bị cáo Trương Mỹ Lan tiếp tục bị đề nghị tử hình
- Bị cáo Trương Mỹ Lan đem khu đất 152 Trần Phú bị thu hồi đi khắc phục hậu quả
- Đường dây cho vay nặng lãi, đòi nợ bằng thủ đoạn hắt mắm tôm, đe dọa khổ chủ
- Bà Trương Mỹ Lan: '2.000 người làm đơn xin giảm nhẹ cho bị cáo'
- Xô xát tại phòng trọ, một thanh niên tử vong ở Gia Lai
- Công an TPHCM bắt 1 đối tượng tham gia tổ chức phản động lưu vong
- Khởi tố kẻ đứng sau web phim lậu cực lớn tại Việt Nam
- Nữ nhân viên ngân hàng lừa đảo 6 tỷ đồng đầu tư tiền ảo, công an tìm thêm bị hại
- Hai chú cháu bị khởi tố trong vụ buôn lậu hơn 6kg vàng từ Campuchia về Việt Nam