Chuyện xây dựng cơ nghiệp ở nhựa Long Thành và hai cha con đam mê xe
Minh “nhựa” – người kế nghiệp Nhựa Long Thành – là cái tên gây tò mò trên mạng xã hội với thú vui sưu tầm siêu xe. Bất ngờ, niềm đam mê đó thừa hưởng từ chính nhà sáng lập Nhựa Long Thành Phạm Văn Mười, người xây dựng cơ ngơi từ bàn tay trắng.
ột năm trước, đúng mùng một Tết Nguyên đán Tân Sửu, Minh “nhựa” đăng một bức ảnh “tự sướng” trên mạng xã hội. Khung hình cho thấy trong garage xuất hiện những chiếc xe thuộc loại hàng hiếm trong giới chơi xe như Pagani Huayra, chiếc xe được mệnh danh “thần gió” có thể tăng tốc 0–100 km/h trong 2,8 giây trước và đạt tốc độ tối đa lên tới 383 km/h.
Cho đến tận bây giờ, đây là chiếc siêu xe được đồn thổi đắt nhất đã lăn bánh ở Việt Nam. Bộ sưu tập siêu xe từng qua tay phó tổng giám đốc Nhựa Long Thành từng được nhắc đến: Aston Martin V8 Vantage, Mercedes-AMG G63, Porsche Cayenne, Rolls-Royce Cullinan, Bugatti Veyron, Lamborghini Murcielago SV, Ducati Panigale V4 S…
Thú vui xa xỉ của người kế nghiệp Nhựa Long Thành khiến nhiều người quên cái tên Phạm Trần Nhật Minh, người kế nghiệp, mà gọi đơn giản là Minh “nhựa.” Thậm chí, nhắc đến Nhựa Long Thành, nhiều người thường nghĩ ngay đến cái tên Minh “nhựa” với thú vui sở hữu siêu xe hơn là các sản phẩm pallet, thùng giữ nhiệt, két nhựa… dù công ty này đã có mặt trên thị trường 30 năm.
Sự tò mò của công chúng đối với đời sống của người giàu, cùng với sở thích và cá tính khác biệt của Nhật Minh đã thu hút gần như hoàn toàn giấy mực báo chí khi nhắc đến gia nghiệp. Trong khi đó cả ông bà Phạm Văn Mười – Trần Thị Bạch, hai nhà sáng lập – và tình hình kinh doanh của công ty thuộc sở hữu gia đình trong 30 năm qua vẫn là ẩn số với nhiều người. Lần xuất hiện trên tạp chí Forbes Việt Nam này có thể được xem là duy nhất kể từ khi Nhựa Long Thành thành lập đến nay, khi vợ chồng nhà sáng lập chính thức tiếp xúc với truyền thông.
Nhật Minh tới cuộc phỏng vấn với Forbes Việt Nam trên chiếc xe Bentley mới cứng biển số tứ quý 9. “Đoàn tùy tùng” sáu người với ekip chụp ảnh riêng. Khác với phong cách dân dã thường thấy như áo thun, quần short, chân xỏ dép lê, Minh mặc veston lịch lãm. Doanh nhân 40 tuổi kể: “Hiếm hoi mà tôi có thể thuyết phục được ba mẹ tôi chịu ăn vận để chụp hình chung, chứ đừng nói lên báo. Lần này có thể xem là bộ ảnh để đời.”
Ngành nhựa Việt Nam có thể tạm phân chia làm bốn mảng sản xuất chính: nhựa kỹ thuật cao dùng trong công nghiệp điện tử, nhựa bao bì, nhựa xây dựng và nhựa dân dụng. Nếu hai lĩnh vực đầu tiên đòi hỏi về công nghệ, các doanh nghiệp FDI thống trị thị trường thì các công ty nội địa cầm trịch hai mảng kinh doanh sau do có lợi thế về logistics và hệ thống phân phối.
Truyền thống kinh doanh gia đình, tích lũy tài chính để tái đầu tư cộng với vị thế ở ngành hàng đặc thù trên thị trường đã giúp Long Thành giữ vững hiệu quả kinh doanh trong hàng chục năm qua mà không cần sử dụng đến nguồn vốn bên ngoài. Công ty xây dựng danh tiếng từ những sản phẩm độc quyền cho hoạt động sản xuất công nghiệp của tập khách hàng lớn.
Nhựa Long Thành được biết đến nhiều về sản phẩm két nhựa cho các thương hiệu đồ uống có tiếng như Heineken, Bia Saigon, Tiger, Budweiser, Coca Cola, Pepsi… với hai sản phẩm chủ lực là pallet và sóng nhựa (còn được gọi là thùng nhựa hoặc khay nhựa). Đây là hai sản phẩm cần thiết dành cho các nhà máy, kho bãi lớn, đặc biệt trong những ngành may mặc, thủy sản, logistics…
Theo tự bạch của công ty, riêng pallet và sóng nhựa mang về đến 70-80% doanh thu. Ngoài ra, Nhựa Long Thành còn là nhà cung ứng bao bì nhựa cho hai công ty sản xuất thuốc bảo vệ thực vật lớn tốp đầu thị trường là Bayer và Syngenta. Năm 2022 doanh thu của công ty ước đạt 1.000 tỉ đồng, quy mô thuộc nhóm tầm trung so với những tên tuổi lớn như Duy Tân, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong doanh thu từ 5.000–6.000 tỉ đồng.
Gia đình sở hữu Nhựa Long Thành: ông Phạm Văn Mười (phải), bà Trần Thị Bạch và người kế nghiệp Phạm Trần Nhật Minh. Ảnh: Harry Vũ
Nhựa Long Thành hoạt động theo mô hình công ty gia đình với 97% cổ phần do các thành viên gia đình nhà sáng lập nắm giữ. Ông Mười lèo lái công ty, tìm kiếm và xây dựng đối tác lớn, còn vợ ông nắm tay hòm chìa khóa, kiểm soát việc thương thảo và thực hiện hợp đồng. Nhật Minh là con duy nhất, là người thừa kế duy nhất, chịu trách nhiệm điều hành một số mảng sản xuất, cải tiến kho vận, tự động hóa.
Trong lần hiếm hoi tiếp xúc với truyền thông này, ông Mười kể giai đoạn khởi nghiệp gia đình ông dựng nghiệp một cách ngẫu nhiên, từ xưởng nhỏ với ba cái máy thổi bịch ni lông và can thùng nhựa. Đây là cơ ngơi của một gia đình người Hoa Chợ Lớn sang nhượng lại trước khi họ đi định cư ở nước ngoài. Từ đó, gia đình ông chuyển dần sang nhiều sản phẩm nhựa dân dụng khác và dần dà đi lên.
Những khó khăn ban đầu rất lớn với họ là thiếu kinh nghiệm, lại phải cạnh tranh gay gắt với các gia đình cha truyền con nối, tương trợ lẫn nhau. Ngành kinh doanh này được ông Minh diễn tả nôm na là “mua về theo ký và bán ra theo cái.” Đây cũng là tiêu chí của Long Thành nhằm giảm tối đa hao phí nguyên liệu, vốn chiếm đến 70–80% chi phí.
Bản thân ông tích cực quảng giao, còn vợ thì “làm được đồng nào là bỏ tiền mua thêm máy móc, mua thêm đất đai.” Điền sản nhà ông Mười cứ thế lớn dần, từ vài căn nhà ở quận 6 đến việc mua hàng chục héc ta mặt bằng dành cho sản xuất ở Bình Tân.
Quá trình tích lũy kinh nghiệm và đầu tư cho trang thiết bị và nhà xưởng dần giúp Long Thành đủ năng lực nhận được những đơn hàng lớn. Từ sản xuất những sản phẩm pallet, sóng nhựa cho đến két bia, bình đựng hóa chất… vốn yêu cầu rất cao về độ bền, kỹ thuật chính xác và tỉ lệ hàng lỗi thấp. “Chính vì yêu cầu của khách hàng cao nên gần như Long Thành ‘tự làm tự ăn’ để tự bảo chứng chất lượng, không sử dụng các cơ sở gia công như nhiều đơn vị cùng ngành,” ông Minh cho biết.
Có giai đoạn giữa thập niên 2000, Nhựa Long Thành còn là đơn vị cung ứng lớn nhất cho nhà máy Samsung Thủ Đức, chuyên về mặt hàng vỏ và đế tivi LCD. Quá trình hợp tác diễn ra êm đẹp vài năm trước khi kết thúc vì những thay đổi trong chính sách của hai bên.
Theo ông Minh, làm gia công hàng nhựa kỹ thuật cao cho đối tác toàn cầu mang lại danh tiếng tốt cho công ty nhưng biên lợi nhuận lại rất mỏng so với các mảng truyền thống. Nguyên do là các tên tuổi lớn khống chế biên lợi nhuận của các nhà cung cấp trong khi áp lực về giao hàng, về tỉ lệ sản phẩm lỗi khắc nghiệt chưa từng có.
“Khi mới bắt đầu, Long Thành là một trong số 16 nhà cung ứng, và trở thành nhà cung ứng lớn nhất và duy nhất cho Samsung cũng nhờ lợi thế nguồn vốn dồi dào. Ngay cả như vậy, mối làm ăn này cũng quá áp lực,” ông Minh cho biết.
Trong khi đó, ông Minh chia sẻ nguồn tiền mặt mà bố mẹ mình luôn tích lũy dư dả để tái đầu tư có lẽ vì gia đình họ chịu nhiều ảnh hưởng từ cách kinh doanh của cộng đồng gốc Hoa. Ông Mười và bà Bạch sinh hoạt giản dị, chăm chỉ lao động, tích cóp đầu tư và luôn để con em sớm phụ giúp cha mẹ. Ông và vợ vẫn giữ thói quen đến nhà máy mỗi ngày 12 tiếng, kể cả ngày nghỉ. Là con trai duy nhất, đứa con “ngậm thìa vàng” của gia đình nhưng ông Minh vẫn đi làm công nhân kho từ khi còn là thiếu niên, và có lúc bị bỏ quên trên giàn giáo trong kho hàng khi thủ kho tưởng mọi người đã nghỉ hết.
Thời trẻ làm việc tay chân vất vả, phong thái dân dã của ông bà chủ Nhựa Long Thành không thay đổi ngay cả khi gia sản đã lớn nhiều lên. Hơn 30 năm qua, người ta luôn thấy ông Mười trong những bộ đồ đơn giản, áo thun quần cộc, ngay cả trong những bức hình gia đình hiếm hoi mà con cháu ông đăng tải. Chỉ đến khi chụp những bức hình kiểu doanh nhân đầu tiên cho Forbes Việt Nam, ông Mười mới mặc vest Âu do người con trai mang tới. Và ông cũng chỉ chịu duyệt mua duy nhất một bộ được chọn để lên hình!
Các phương tiện truyền thông đại chúng nhắc đến Minh “nhựa” như một tay chơi xe thứ dữ tại Việt Nam. Thế nhưng ít ai ngờ rằng ông Mười cũng là một “tay chơi” ô tô, mô tô sành sỏi đã truyền cảm hứng và đam mê cho con trai. “Ba của Minh đã có một chiếc mô tô và chở Minh từ Sài Gòn lên đến Đà Lạt. Đối với những đứa trẻ khác, thông thường sẽ được mẹ cho ngồi giữa hai người. Còn Minh không có chịu, Minh thích ngồi phía trước có bình xăng. Minh mặc một bộ áo lạnh và ôm bình xăng,” Minh từng kể lại như vậy trên báo chí.
Cha con ông Phạm Văn Mười và Phạm Trần Nhật Minh. Ảnh: Harry Vũ
Con số 405 trong logo của Long Thành xuất phát từ Peugeot 405, dòng xe mà tay đua người Phần Lan Ari Vatanen sử dụng để chiến thắng giải đua đường trường Paris Dakar năm 1990, cũng là năm gia đình ông khởi nghiệp nghề nhựa. Ông Mười cho rằng con số đó mang ý nghĩa chiến thắng và may mắn cho ông, nên đã mua về một phiên bản Peugeot 405 đặt trang trọng trong sân của nhà máy chính.
Ông Mười đã không tiếc tiền mua cho con những chiếc xế hộp thuộc hàng đắt nhất thị trường. Cùng một niềm đam mê, nhưng khác cá tính và cách thể hiện trong tình yêu cuồng nhiệt khiến cho con trai ông trở thành cái tên đình đám trên mạng xã hội, còn bản thân ông vẫn là “tay chơi” vô cùng kín tiếng. Coi trọng phong thủy, ngay cả cái tên “Long Thành” ông Mười cũng đặt theo tên tiệm giày của cha vợ ông, tiệm giày Long Thành Chợ Lớn nổi danh của nhà họ Trần, với mong muốn có được “duyên may” trong làm ăn.
Yếu tố coi trọng tâm linh của cha và sự sùng đạo của mẹ ảnh hưởng lên người con, Nhật Minh thành kính tu tập theo phái Mật tông. Ông Minh nói tu tập cũng là phương thức để chữa lành tính khí có phần nóng nảy, khó tiết chế cảm xúc của mình. Người kế nghiệp Long Thành mới 40 tuổi, có năm con trai gái và đã có hai cháu ngoại từ vài năm trước.
Tích cực tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình, cố gắng chứng tỏ năng lực đối với cha mẹ, Nhật Minh hiểu bản thân có những khác biệt với thế hệ trước. “Tôi coi trọng việc làm thương hiệu cá nhân, cũng thoải mái với việc sử dụng đòn bẩy tài chính, hay đầu tư vào đất đai, chứng khoán, thậm chí là tiền ảo. Tất nhiên, tiền tôi dùng là tiền cá nhân chứ không tiêu tiền của công ty.” Ông kể trong bốn năm qua đã thuyết phục cha mình bỏ đi thông lệ tích lũy của gia đình, mà đem tiền mua nhiều bất động sản có giá trị lớn tại TP.HCM, Đà Lạt, Đà Nẵng và Phú Quốc.
Nhật Minh bắt đầu tham gia quản trị công ty từ khi tốt nghiệp chuyên ngành Ngoại thương của đại học Hùng Vương. Có sẵn điều kiện và quan hệ kinh doanh từ gia đình, ông đã tu nghiệp ở nhiều nơi, trong đó có lần sang Hàn Quốc học tập tại trụ sở của Samsung. Trong điều hành, Nhật Minh tự nhận có khuynh hướng kỹ trị, tinh gọn đội nhóm và đẩy mạnh tự động hóa.
Nhờ bề dày tích lũy vốn tài chính, công ty có thể thực hiện nhiều ý tưởng của Nhật Minh như xây dựng thêm hệ thống xưởng máy bán tự động, xây dựng trung tâm phân phối (sorting center) sử dụng các robot để vận chuyển hàng và nguyên liệu thay công nhân. “Trung tâm 10.000m2 này có thể nói là tiêu biểu của ngành nhựa, từ nhập hàng đến lấy hàng ra, sử dụng chỉ 1/10 nhân công so với trước,” ông tự hào nói.
Từ khi công ty triển khai kế hoạch tăng tự động hóa cách đây năm năm, ông Minh cho hay đã giảm khoảng 50% trong tổng số hơn 1.000 nhân sự. “Có những bộ phận chưa hiệu quả mình giản lượt đi để tự động hóa cho hiệu quả hơn. Cũng có những bộ phận mình tuyển về thêm cho những dự án mới. Rất nhiều việc phải làm nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn,” ông cho biết.
Ông Minh khẳng định đãi ngộ của công ty luôn cao hơn mặt bằng chung của ngành từ 15–20%, nhưng yêu cầu đối với nhân sự cũng rất cao, hoặc cũng có thể do các dự án của ông khó và phức tạp. Ông kể chỉ một năm qua đã có đến sáu nhân sự cấp giám đốc dưới quyền đến rồi lại đi, trong đó có ba giám đốc tiếp thị, hai giám đốc bán hàng và một giám đốc nhân sự.
Ông Minh cho biết đang ấp ủ nhiều dự án, với nhà máy mới 8.000m2 sắp khai trương ở Đà Nẵng, hay kho ngoại quan 5 hecta ở Bình Tân chuyển đổi thành nhà máy sản xuất sản phẩm mới. Trang web công ty, trang Facebook, kênh YouTube riêng của ông đang tích cực quảng bá cho các dòng sản phẩm nhựa tiêu dùng như ly uống nước hay két đá du lịch. “Chỉ trong 2–3 năm tới, doanh thu Long Thành có thể lên gấp ba lần hiện tại,” vị phó tổng giám đốc công ty tự tin nói.
Bước sang tuổi thất thập, vợ chồng ông Mười và bà Bạch chưa bao giờ muốn ngừng làm việc. Những nỗ lực và khát vọng quản trị của thế hệ sau cũng nhận được sự ủng hộ từ ông bà. Kết quả kinh doanh của Long Thành cho thấy tỉ suất lợi nhuận hàng năm đều đặn 10–15%, tập khách hàng lớn dài hạn và đặc thù giúp công ty luôn “sống khỏe.”
Theo tự bạch, nhiều đối tác đến từ Thái Lan, Singapore, Nhật Bản đã từng đề nghị mua lại toàn bộ công ty hoặc sở hữu cổ phần, đều nhận về lời từ chối. Trong đó, lời đề nghị phía Nhật đưa ra vào năm 2020 là “rất nặng ký, rất hấp dẫn”, theo lời của ông Minh. Ông khẳng định Long Thành không cần thêm vốn nhưng cũng hiểu rằng khoản đầu tư từ Nhật Bản có thể mang lại những lợi ích lớn khác, như nguồn khách hàng mới và những nâng cấp về quản trị và vận hành.
Cuối cùng, vợ chồng ông Mười và bà Bạch quyết định giữ toàn vẹn cổ phần công ty cho người kế nghiệp duy nhất Phạm Trần Nhật Minh. Được coi là quý tử mang phước may, cha mẹ quan tâm hết mực, địa vị Minh “nhựa” trong lòng những người sáng lập Nhựa Long Thành có lẽ nặng hơn tương lai của công ty gấp nhiều lần.
Nguồn: https://forbes.vn/
- Người thay đại gia Lương Trí Thìn làm Chủ tịch tập đoàn Đất Xanh xuất thân thế nào?
- 'Vua thép' Trần Đình Long muốn làm thép cho đường sắt tốc độ cao
- nữ doanh nhân thành đạt nhất Việt Nam: Những bóng hồng không hề 'mềm yếu'
- Việt Nam sẽ có 10 tỷ phú USD: Doanh nhân nào giàu tiềm năng nhất?
- Tử hình “nữ doanh nhân” thành đạt ở Hà Tĩnh
- 1. Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
- Thư Chúc tết Giáp Thìn năm 2024
- Từ cậu bé nghèo chỉ được học hết cấp 3 đến đại gia ngành thực phẩm
- Đặng Khắc Vỹ - ông chủ kín tiếng ngân hàng Việt thuộc top lợi nhuận cao nhất