Có bệnh thì chữa, u nhọt thì cắt bỏ
"Muốn giải quyết dứt điểm và thấu đáo các dự án yếu kém, cần phải phân tích, làm rõ nguyên nhân, hay còn gọi là "bắt đúng bệnh" thì mới có thể đưa ra "phương thuốc" khả thi và phù hợp nhất"...
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh (Ảnh: Hà Phương).
Năm 2021, 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc sự quản lý của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV) đạt 99% kế hoạch doanh thu, vượt 70% kế hoạch về lợi nhuận trước thuế và vượt 27% kế hoạch về nộp ngân sách Nhà nước.
Đây là những kết quả đáng chú ý được công bố tại Hội nghị tổng kết công tác của UBQLV năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.
Từng có thời kỳ, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước là những "quả đấm thép" của nền kinh tế, là đầu tàu dẫn dắt kinh tế đi lên. Thế nhưng, bên cạnh những hào quang thì hoạt động kinh doanh của khối DNNN cũng có không ít nốt trầm và để lại không ít hệ quả đau đớn, xót xa trong tiến trình phát triển đất nước.
Nhiều lãnh đạo cấp cao không chỉ là lãnh đạo doanh nghiệp mà còn là lãnh đạo bộ ngành, thậm chí là cán bộ cao cấp cũng đã vướng vòng lao lý do để xảy ra sai phạm trong quá trình đầu tư, kinh doanh ở một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
12 doanh nghiệp, dự án là "bài toán" vô cùng nan giải, nâng lên đặt xuống rất nhiều lần khi mà nhiều đơn vị đã trên bờ vực phá sản, nhiều nơi đắp chiếu. Còn nhớ, vào hồi cuối năm 2020, bức tranh tài chính - kinh doanh của 12 dự án yếu kém khi mới được chuyển về UBQLV cơ bản là "ngập ngụa" trong tình trạng thua lỗ nợ nần: Vốn chủ sở hữu âm 7.264,61 tỷ đồng, tổng tài sản 59.152,88 tỷ đồng, tổng nợ phải trả 63.308,82 tỷ đồng, lỗ lũy kế 26.360,88 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2021 thì 5 dự án đã được Bộ Chính trị đồng ý đưa ra khỏi danh mục 12 dự án yếu kém và giao cho các doanh nghiệp chủ động xử lý theo phương án đã được thông qua. Một số dự án đã "hồi sinh", đơn cử như Dự án Nhiệt điện 2 Thái Bình hay Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1-Hải Phòng…
Trên trang thông tin của Chính phủ ngày 5/1, ông Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch UBQLV chia sẻ, phương án hợp lý nhất tức là đem lại hiệu quả cao nhất trong so sánh giữa các phương án có thể triển khai, chứ không phải có mục tiêu là thu hồi toàn bộ vốn vì đây là những vấn đề đã tồn tại trong nhiều năm.
"Muốn giải quyết dứt điểm và thấu đáo các dự án yếu kém, cần phải phân tích, làm rõ nguyên nhân, hay còn gọi là "bắt đúng bệnh" thì mới có thể đưa ra "phương thuốc" khả thi và phù hợp nhất", ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch UBQLV nhấn mạnh.
Với 12 dự án nói trên, tồn tại về tài chính để lại quá lớn, tổng mức đầu tư hầu hết đã phải điều chỉnh lên cao so với dự toán ban đầu. Cơ cấu nguồn vốn chủ yếu bằng nguồn vay với lãi suất cao. Khi đưa vào diện theo dõi của Ban Chỉ đạo xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương thì đã thua lỗ nặng nề, một số không còn vốn chủ sở hữu, hầu hết không có khả năng trả nợ đến hạn.
Như vậy có thể thấy rõ sự khác biệt, cùng với một doanh nghiệp, một dự án nhưng nếu thay đổi cách quản trị, phương pháp quản lý sẽ mang lại hiệu quả khác nhau. Điều quan trọng nhất là nắm chắc tình hình doanh nghiệp.
Theo đó, công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước đối với các tập đoàn, tổng công ty, đặc biệt là công tác giám sát tài chính, giám sát đầu tư cần được tăng cường và sát sao hơn nữa.
Việc giám sát sẽ hạn chế được tình trạng buông lỏng dẫn đến các vi phạm, sai phạm lớn có thể xảy ra trong quá trình hoạt động như giai đoạn trước đây, để lại hậu quả khó lường. Tuy nhiên, mặt khác, cũng không nên can thiệp quá sâu với tư duy hành chính hóa hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Rất mừng là 12 dự án thua lỗ, yếu kém nay đã "chuyển mình". Tuy nhiên, sòng phẳng mà nói thì so với các doanh nghiệp tư nhân, khối DNNN được hưởng nhiều ưu đãi và có nhiều lợi thế. Bởi vậy nếu vẫn hoạt động kém hiệu quả sẽ rất… khó coi.
Hơn lúc nào khác, đây là lúc để lãnh đạo doanh nghiệp nhìn thẳng vào thực tế để nếu có bệnh thì chữa, có u nhọt thì mạnh dạn cắt bỏ. Với những doanh nghiệp có thể tái cơ cấu thì tái cơ cấu, với những đơn vị có thể bán bớt vốn thì bán vốn - dù sao khi chứng khoán thăng hoa, việc cơ cấu lại nguồn vốn chưa bao giờ thuận lợi đến thế.
Điều cần cải tổ ở các DNNN hiện nay có lẽ là tư duy quản trị, là cơ chế giám sát để sao cho doanh nghiệp vận hành thông suốt, giải phóng được các nguồn lực, tận dụng hết tiềm năng về hạ tầng cũng như nhân lực nhưng tránh "hành chính hóa", chống tiêu cực, bè phái, sân trước, sân sau…
"Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài", sự thay đổi đúng hướng sẽ giúp doanh nghiệp thay da đổi thịt!
Nguồn Dân Trí
https://dantri.com.vn/blog/co-benh-thi-chua-u-nhot-thi-cat-bo-20220110044517060.htm
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí