Thị trường chứng khoán vẫn trong xu hướng tăng dài hạn. Ảnh: Duy Dũng. |
Thị trường vẫn duy trì xu hướng tăng trưởng dài hạn
Từ trung tuần tháng 4 trở lại đây, nhiều thị trường chứng khoán (TTCK) trên thế giới có biến động mạnh theo hướng điều chỉnh giảm. Một số thị trường khu vực châu Á Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… đều giảm mạnh. Hay điển hình như TTCK Mỹ, chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite giảm 6 phiên liên tiếp - là chuỗi giảm điểm dài nhất kể từ tháng 10/2022.
Lực đỡ quan trọng từ kinh tế vĩ mô Tại Nghị quyết số 44/NQ-CP, Chính phủ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội quý I tiếp tục phục hồi tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ, tạo đà phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Chính phủ cũng đã yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương quyết liệt, kịp thời và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành. Trong đó, Chính phủ yêu cầu đảm bảo phát triển minh bạch, công khai thị trường vốn như ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu và đảm bảo nâng hạng thị trường. |
TTCK Việt Nam cũng không ngoài xu thế chung. Sau khi đã có 5 tháng tăng liên tiếp, áp lực bán chốt lời xuất hiện mạnh khi nhà đầu tư chịu tác động tâm lý lớn trước nhiều thông tin không tích cực trên cả thế giới và trong nước.
Trên thế giới, kinh tế Mỹ lạm phát cao hơn dự báo, thị trường việc làm giảm mạnh, đồng USD vẫn có xu hướng tăng… điều đó khiến kỳ vọng về thời điểm FED giảm lãi suất sẽ kéo dài. Hơn nữa, tình hình địa chính trị thế giới càng thêm căng thẳng khi xung đột Israel và Iran gia tăng tạo rủi ro về chuỗi cung ứng, thương mại, nhất là năng lượng... Điều này đã tác động mạnh lên tâm lý của giới đầu tư tài chính trên toàn cầu và cả Việt Nam.
Trong khi đó, ở trong nước, thời gian qua, tình hình tỷ giá, giá vàng tiếp tục tăng mạnh cũng tác động tới tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường.
Với TTCK Việt Nam, mặc dù chịu tác động điều chỉnh gần đây, song nhiều nhận định từ các chuyên gia, các định chế tài chính lớn trong và ngoài nước vẫn duy trì nhận định tích cực về xu hướng trung, dài hạn. Do vậy, thị trường có thể gặp những nhịp điều chỉnh, rung lắc, nhưng vẫn đang trong xu hướng tăng trưởng dài hạn dựa trên nhiều yếu tố hỗ trợ mang tính nền tảng.
Theo đó, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam quý I/2024 ở mức cao và tiếp tục được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi tốt hơn trong thời gian tới. Cùng với kinh tế vĩ mô, qua số liệu báo cáo tài chính của các doanh nghiệp, sức khỏe của các doanh nghiệp cũng đang hồi phục tích cực và đang được kỳ vọng sẽ còn tốt dần lên trong thời gian tới.
Đối với TTCK, trao đổi với phóng viên, đại diện lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, dưới sự quan tâm chỉ đạo rất sát sao của Chính phủ, Bộ Tài chính, sự hỗ trợ của các bộ, ngành, tổ chức hữu quan… UBCKNN vẫn đang triển khai rất quyết liệt, chủ động nhiều giải pháp, không chỉ hỗ trợ TTCK ổn định, hồi phục mà còn mang tính tăng trưởng dài hạn, bền vững hơn trong tương lai, chẳng hạn như triển khai Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030, công tác nâng hạng thị trường….
Có cơ sở được nâng hạng và thu hút mạnh mẽ dòng vốn
Trao đổi thêm với phóng viên, bên cạnh công tác quản lý, giám sát, công tác hoàn thiện khung pháp lý đã và đang được đẩy mạnh, lãnh đạo UBCKNN cho biết, hiện cơ quan quản lý và các bên liên quan đang nỗ lực rất lớn để thúc đẩy quá trình nâng hạng TTCK từ cận biên lên mới nổi theo mục tiêu, kế hoạch đề ra.
“Dù được nâng hạng hay không là quyết định khách quan của tổ chức xếp hạng, nhưng chúng ta có cơ sở để kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu đề ra” - lãnh đạo UBCKNN nói.
Theo đó, cơ quan quản lý đã tốc lực sửa đổi quy định pháp lý để tháo gỡ vấn đề ký quỹ trước giao dịch của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài (free-funding) và tăng khả năng tiếp cận thông tin bình đẳng cho nhà đầu tư nước ngoài. Kỳ vọng việc ban hành Thông tư sẽ tác động tích cực đến quá trình xét nâng hạng TTCK Việt Nam.
Cùng với đó, cơ quan quản lý đã chỉ đạo các thành viên thị trường nâng cao năng lực tài chính và quản trị rủi ro để đáp ứng cung cấp dịch vụ liên quan tới nâng hạng. Nhiều công ty chứng khoán đã lên kế hoạch tăng vốn để vừa đảm bảo an toàn cho vay margin và cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Chẳng hạn như, gần đây, mặc dù khi thị trường tăng thì tỷ lệ cho vay ký quỹ (margin) cũng tăng, nhưng tỷ lệ cho vay ký quỹ/vốn chủ sở hữu ở mức rất an toàn. “Chúng tôi nghĩ đó là những chuyển động thực tiễn tích cực” - lãnh đạo UBCKNN nói.
Song song với các vấn đề đó, Lãnh đạo UBCKNN cho biết thêm, cơ quan quản lý liên tục làm việc với các tổ chức xếp hạng, các tổ chức quốc tế (như FTSE, World Bank, Morgan Stanley…) và các thành viên thị trường để bàn giải pháp tháo gỡ. Thời gian tới, sẽ tiếp tục làm việc với các tổ chức quốc tế, tổ chức xếp hạng để trao đổi, tháo gỡ các vấn đề về nâng hạng, điển là sẽ làm việc với Hiệp hội các Thị trường tài chính và Chứng khoán châu Á (ASIFMA)./.