Cơ hội thuận lợi mở rộng lưới an sinh
Năm 2023, thị trường lao động, việc làm tại thành phố Hà Nội dần ổn định, có xu hướng bứt phá. Đây là cơ hội thuận lợi cho các cơ quan chức năng Thủ đô phát triển, mở rộng lưới an sinh trong năm 2024.
Cán bộ Bảo hiểm xã hội huyện Phúc Thọ tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Những tín hiệu tích cực
Lưới an sinh xã hội được hình thành, phát triển bởi nhiều yếu tố, trong đó trụ cột là hệ thống bảo hiểm xã hội. Tại Hà Nội, mục tiêu mở rộng lưới an sinh năm 2024 của thành phố có đà phát triển vững chắc khi thị trường lao động, việc làm của thành phố trong năm 2023 vừa qua ít biến động. Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho thấy, năm 2023, Hà Nội có hơn 214.000 lao động được giải quyết việc làm mới, tăng 5,5% so với năm 2022. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động giảm còn 2,01%.
“Khi người dân có việc làm, nguồn thu nhập đều đặn, họ sẽ chủ động tích lũy, trang bị điểm tựa an sinh. Phương án tích lũy được nhiều người lựa chọn là tham gia bảo hiểm xã hội khi còn tuổi lao động để hưởng chế độ hưu trí lúc về già”, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương nhận định.
Đồng thuận với ý kiến nêu trên, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Phan Văn Mến cho biết, năm 2023, thành phố có thêm hàng nghìn đơn vị, doanh nghiệp và hơn 100.000 lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Lũy kế đến thời điểm cuối năm 2023, Hà Nội có hơn 2,16 triệu người tham gia, bằng 46,2% lực lượng lao động trong độ tuổi có điểm tựa an sinh vững chắc.
Bước sang năm 2024, việc mở rộng lưới an sinh có thêm những yếu tố thuận lợi. Đó là, đại đa số người lao động trở lại làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, đồng nghĩa họ tiếp tục có tên trên hệ thống bảo hiểm xã hội. Càng vui hơn khi thành phố đặt mục tiêu giải quyết việc làm mới cho ít nhất 164.000 lao động trong năm 2024. Và ngay trong tháng 1-2024, thành phố đã giải quyết việc làm cho 15.500 lao động, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là đối tượng tiềm năng để các bên khai thác, phát triển số người tham gia bảo hiểm xã hội.
Đáng chú ý, cũng trong tháng 1-2024, Hà Nội có hơn 2.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 3.660 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Đi liền với đó là hàng nghìn lao động có cơ hội việc làm, tham gia bảo hiểm xã hội từ những ngày đầu năm…
Không để lãng phí cơ hội
Trong bối cảnh thuận lợi như vậy, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội đến 47,5% lực lượng lao động trong độ tuổi vào cuối năm 2024.
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã quán triệt yêu cầu toàn ngành trong mọi hoạt động triển khai phải bảo đảm tối đa quyền lợi của người tham gia. Theo hướng này, giải pháp trọng tâm là các bên liên quan sẽ tiến hành khoảng 300-400 cuộc thanh tra, kiểm tra về bảo hiểm xã hội mỗi tháng; đồng thời xử lý nghiêm vi phạm. Có một điểm cần lưu ý, những đơn vị, doanh nghiệp để người lao động bị “lọt lưới” an sinh sẽ không được xem xét tham gia đấu thầu, đầu tư các dự án thuộc thành phố.
Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội thành phố tiếp tục phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế thành phố Hà Nội chia sẻ dữ liệu về người lao động (thông tin được bảo mật) để cùng đối chiếu, so sánh. Đây là căn cứ xác thực cho các bên đôn đốc đơn vị, doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ.
Đại diện cho người lao động, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh thông tin, năm 2024, các cấp công đoàn quan tâm tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo hiểm xã hội đến đông đảo người lao động. Cùng với đó là việc tổ chức đối thoại nhằm lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, kịp thời giải quyết những vướng mắc, góp phần giúp họ duy trì việc làm bền vững, yên tâm tham gia bảo hiểm xã hội.
Với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu rõ tính ưu việt của chính sách để chủ động tham gia. Hơn nữa, các bên sẽ tạo thuận lợi cho họ tiếp cận với nguồn lực trợ giúp về an sinh, bảo đảm 100% số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đều được hỗ trợ một phần mức đóng hằng tháng...
Ở cơ sở, cấp ủy, chính quyền các địa phương cũng đưa nội dung phát triển bền vững số người tham gia bảo hiểm xã hội vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương năm 2024. Chẳng hạn, tại quận Hai Bà Trưng, Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, việc thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2024 của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn quận…
Với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực nhằm phát triển số người tham gia bảo hiểm xã hội ngay từ những ngày đầu xuân mới, hy vọng mục tiêu mở rộng, củng cố vững chắc trụ cột an sinh xã hội của Hà Nội sẽ đạt những kết quả ấn tượng trong năm 2024.
- Thủ tướng Chính phủ đồng ý nghỉ 9 ngày liên tục trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Cháy rừng ở Sóc Sơn ngày càng khó kiểm soát
- Lễ hội cây cảnh hoa giấy Phù Đổng - “Sắc hoa trên miền di sản”
- Khuyến cáo công dân Việt Nam không đến Ukraine do căng thẳng leo thang
- Trách nhiệm, đồng lòng chống lãng phí
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3