Có một thời chính khách mặc áo sờn, chung bộ vest khi ra nước ngoài
Vào những năm cuối 1960, rồi 1970-1980, tôi từng biết có câu chuyện, ngay đến cỡ như cố ủy viên Bộ Chính trị Trường Chinh, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà cũng phải mặc áo sờn cổ, quần bạc màu.
Thế nhưng, mãi vừa rồi tôi mới biết thêm, đến cỡ Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch cũng không có một bộ vest cho riêng mình. Trước mỗi chuyến công tác nước ngoài, ông sẽ đăng ký để mượn một, hai bộ vest từ kho trang phục chung của các thành viên Chính phủ. Nghĩ lại mà thấy thật là cảm động.
Điều đặc biệt là ông Nguyễn Cơ Thạch cũng không hề giấu giếm về việc đó cũng như những gian nan mà Việt Nam phải đối diện, như chính ông từng nói trong một bữa tiệc chiêu đãi tại trụ sở Liên hợp quốc: "Bộ vest mà tôi đang mặc thực ra không phải của tôi mà là tài sản chung của Chính phủ. Tôi sẽ đến kho của Chính phủ mượn bộ vest này khi tôi cần..."- tiến sĩ Võ Quang Việt nhớ lại khi có dịp ngồi dự ngày đó (tháng 9/1977).
"Chú còn mặc giản dị như vậy thì tôi có gì mà tự ái"
Còn cố Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh, với trọng trách cao hơn vì ông là ủy viên Bộ Chính trị thì tôi không rõ có đến mức phải đi mượn vest mỗi khi công tác nước ngoài như vậy không. Nhưng có một chuyện sau đây thì tôi rất biết, rất nhớ và thấy thực sự cảm động, khó quên.
Vào cuối những năm 70 của thế kỉ trước, ông nội tôi là một danh y tại miền Bắc chuyên về Đông y. Các nhà lãnh đạo cao cấp của đất nước lúc đó như Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đảng Lê Duẩn, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng... đều từng có những lần cho xe xuống Hải Phòng mời ông nội tôi lên khám bệnh cho các vị. Có người ông tôi phải lên hàng tuần và kéo dài cả tháng. Lí do là vị nọ nói với vị kia vì thấy chữa bệnh rất hiệu quả. Thế rồi tiếng tốt cứ lan xa.
Có lần, khi ông nội tôi lên chữa bệnh cho Chủ tịch Trường Chinh, ông Trường Chinh có vẻ ngập ngừng khá lâu rồi mới nói thành lời.
Ông tâm sự: "Nói thật với bác, em biết bác cả đời người làm thuốc và rất nổi tiếng nhưng sống thanh bạch, giản dị cho nên mới tâm sự thật lòng với bác". Thực ra, ông nội tôi gọi thân mẫu ông Trường Chinh là cô ruột. Hai anh em thuở thiếu thời từng có thời gian cùng sống trong một nhà do cụ nội tôi nuôi giúp em gái theo lối "đổi tay" để lấy may bởi lá số tử vi của ông Trường Chinh hồi mới ra đời đã được thầy tướng bày cách.
Cố Tổng bí thư Trường Chinh tại Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua công nông binh toàn quốc lần 2. Ảnh: TTXVN |
Ông Trường Chinh tâm sự tiếp: "Em tuy ở cương vị như thế này nhưng quần áo vẫn không phải cứ cũ là bỏ đi. Em đã trao đổi với nhà em và đã đưa thợ giỏi mạng lại cổ tay cùng những nốt nổ trên bộ dạ rất cẩn thận. Nên chờ hôm nay bác lên thì hỏi bác, nếu bác không tự ái thì em tặng bác dùng tạm. Lâu nay, mấy bộ này em vẫn dùng".
Trong mấy bộ đồ mà ông Trường Chinh tặng ông nội tôi có bộ đại cán dạ rất đẹp, nhưng có chỗ bị nổ vài nốt như hạt đậu xanh và đã được mạng cực khéo. Ông nội tôi đáp: "Không sao cả! Đến cỡ như chú mà vẫn còn mặc giản dị như vậy thì tôi có là gì mà tự ái. Tôi cám ơn chú".
Ngày đó, phiếu vải dùng cho mỗi người một năm chỉ có 5m với cán bộ công nhân viên và 4m với dân thường. Nhà nước ta phân phối đến từng cái kim, sợi chỉ, viên đá bật lửa... cho dân vì hàng hoá thứ gì cũng là bao cấp, rất khan hiếm. Chuyện đến giờ có kể lại chắc lớp trẻ cũng thật khó có ai hình dung.
Vì thế, quần áo phải píc kê đũng, lộn ngược ra máy lại để đỡ lộ màu vải đã bạc phếch là chuyện rất bình thường. Cổ tay áo của ai cũng sờn cả. Nhưng nếu không mặc như vậy thì mấy mét vải tiêu chuẩn phiếu sao có thể đủ dùng cả năm.
Chuyện về cố Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh, nguyên Tổng bí thư, một nhà lãnh đạo kiệt xuất, tác giả của công cuộc Đổi mới đất nước là như vậy. Chuyện về cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, một nhà ngoại giao xuất sắc, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng là thế đó. Và chắc rằng đất nước thời kỳ bao cấp đầy khó khăn ấy cũng còn rất nhiều lớp cán bộ lãnh đạo có lối sống giản dị và đều đã trải qua thiếu thốn đến như thế.
Nghĩ về đất nước hôm nay với cơ đồ sáng sủa mà thấy tự hào. Càng tự hào với thành quả cách mạng có được đó, chúng ta càng thấy biết ơn những thế hệ lãnh đạo đất nước đã một thời từng sống gian khó, thiếu thốn mà tất cả sự hy sinh chỉ để phụng sự đất nước, nhân dân.
Nguồn Vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/thoi-chinh-khach-mac-ao-son-chung-bo-vest-khi-ra-nuoc-ngoai-807549.html
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí