“Có những dự án sau điều chỉnh dân số tăng thêm gần 1 phường”
ĐB Trần Việt Anh nêu các dự án đô thị được điều chỉnh quy hoạch phát sinh rất nhiều bất cập, có những dự án sau điều chỉnh dân số tăng thêm gần 1 phường.
Sáng nay (30/5), thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, ĐB Trần Việt Anh (Hà Nội) cho hay, sau hơn 3 năm thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế trong việc lập, thẩm định, phê duyệt. Cho đến nay chỉ có ba quy hoạch cấp vùng, tỉnh được phê duyệt theo Luật Quy hoạch 2017.
ĐB Trần Việt Anh. Ảnh: Quốc hội
Theo ĐB, qua khảo sát thực tế và phản ánh từ cơ sở thì các dự án, đặc biệt là các dự án đô thị được điều chỉnh quy hoạch phát sinh rất nhiều bất cập.
Thông thường chúng ta chỉ nhận thấy ngay lập tức các áp lực của sự gia tăng về giao thông đô thị cho khu vực, nhưng áp lực lớn nhất được đặt lên chính quyền địa phương tại khu vực đó là về an ninh, y tế, giáo dục hay thiết chế văn hóa, hạ tầng xã hội. Có những dự án sau điều chỉnh dân số tăng thêm gần 1 phường.
Qua đại dịch Covid-19 càng bộc lộ rõ, chúng ta không thể tăng thêm một đồn công an hay một trạm y tế được, trường học và các thiết chế sẽ từ từ bộc lộ, gánh nặng sẽ được đặt lên chính quyền địa phương và ngân sách nhà nước sẽ phải đầu tư nhiều năm để khắc phục và đảm bảo quyền lợi cho người dân, trong khi nhà đầu tư được hưởng ngay hạ tầng sẵn có của khu vực.
Ông kiến nghị cần có khảo sát, đánh giá tác động đối với các dự án đô thị của các khu vực quy hoạch ổn định được điều chỉnh những năm gần đây để có góc nhìn chính xác về việc điều chỉnh quy hoạch.
Nêu việc luật đã có, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) bày tỏ mong Quốc hội cho ý kiến lồng ghép vào đâu đó để bổ sung định hướng phát triển không gian ngầm ở các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và TP.HCM.
Ông cho rằng, đây là vấn đề rất quan trọng trong thời kỳ sau 30-50 năm nữa, khi đó nhu cầu để mở rộng thành phố là chắc chắn sẽ có, trong khi việc mở rộng thành phố theo hướng lấy thêm diện tích đất ở trên rất tốn kém, đôi khi là bất khả thi, chỉ có thể mở rộng thành phố theo hướng ngầm dưới lòng thành phố thì sẽ hữu hiệu hơn.
“Nếu chúng ta có quy hoạch để xác định được đâu là bến tàu điện ngầm, đâu là siêu thị… ngay bây giờ thì khi đó sẽ thuận lợi hơn và hữu hiệu hơn rất nhiều”, ĐB Trí nói và cho biết thêm cần tập trung một đội ngũ những chuyên gia trong và ngoài nước giỏi và nên có một nguồn kinh phí đủ lớn để làm cho được việc quy hoạch phát triển không gian ngầm ở các thành phố của Việt Nam.
Ông cũng kiến nghị việc quan tâm đến cả phát triển du lịch biển, với loại hình du lịch này chắc chắn sẽ đưa lại nhiều lợi ích về kinh tế, về an ninh, quốc phòng, nhất là vấn đề khẳng định chủ quyền trên Biển Đông.
Các địa phương như đang “dò đá qua sông”
ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đặt câu hỏi vì sao Luật Quy hoạch với kỳ vọng là chiếc cầu nối giữa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội với kế hoạch chỉ mới hơn 3 năm có hiệu lực thi hành thì nay phải chịu sự giám sát tối cao Quốc hội?
Theo ông, một trong những nguyên nhân của việc chậm trễ quy hoạch đó chính là thứ tự và căn cứ quy hoạch được quy định tại luật mà báo cáo của đoàn giám sát đã nêu. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là việc điều chỉnh quy hoạch tỉnh dường như là một tất yếu bởi các địa phương như đang “dò đá qua sông” do chưa có quy hoạch tổng thể quốc gia.
ĐB Phạm Trọng Nhân. Ảnh: Quốc hội
ĐB chỉ ra, điều được cho là ưu điểm nhưng cũng có thể xem là điều rắc rối nhất của giải pháp tích hợp chính là động đến một mắt xích nào cũng đồng nghĩa sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ dây chuyền trong hệ thống.
Để tránh việc phải điều chỉnh quy hoạch tỉnh, tạo điều kiện để các địa phương không rơi vào thế chạy đua với thời gian để trình quy hoạch vào cuối năm nay, đồng thời tập trung nguồn lực để lập quy hoạch cấp quốc gia, ĐB đề nghị dự thảo bổ sung và nới khung thời gian quy trình lập quy hoạch tỉnh sang năm 2023, thời điểm cụ thể do cơ quan tham mưu xem xét và cân nhắc.
ĐB Lê Thanh Hoàn (Thanh Hoá) chỉ ra một trong những nội dung quan trọng chưa được báo cáo rõ với Quốc hội, đó là việc công bố, công khai thông tin quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. Việc công bố, công khai thông tin quy hoạch một số địa phương còn chậm, chưa thường xuyên, liên tục, chưa tăng cường áp dụng công nghệ thông tin để công khai và cung cấp thông tin quy hoạch có hiệu quả.
Trên thực tế cho thấy, việc công bố, công khai thông tin quy hoạch nói chung thực sự còn rất hình thức, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất và quyền xây dựng.
ĐB tỉnh Thanh Hóa cũng nhận định, việc thực hiện công bố, công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân chưa thực sự được coi trọng.
Ông cho rằng, đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễu loạn thông tin, sốt ảo đất đai, đầu cơ, thao túng thị trường đất đai, gây bất ổn thị trường, khiếu kiện về đất đai dẫn đến mất an ninh trật tự tại một số địa phương. Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện được công bố công khai, thông tin chưa được thực hiện nghiêm túc.
ĐB Lê Thanh Hoàn đề nghị với Quốc hội, trong dự thảo nghị quyết giám sát của Quốc hội cần bổ sung quy định về biện pháp, chế tài xử lý cụ thể với những trường hợp chậm hoặc không công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm những quy định của pháp luật về quy hoạch được thực thi nghiêm túc trên thực tế.
ĐB Lê Văn Dũng (Quảng Nam) thì đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành quy hoạch tổng thể quốc gia. Song, trước khi quy hoạch tổng thể quốc gia được ban hành, để hạn chế mâu thuẫn phát sinh khi các quy hoạch được lập, ĐB đề nghị thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về quy hoạch do Thủ tướng làm Trưởng ban nhằm hạn chế mâu thuẫn và giải quyết các bất cập, vướng mắc phát sinh trong lúc chờ sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan.
Nguồn https://vietnamnet.vn/co-nhung-du-an-sau-dieu-chinh-dan-so-tang-them-gan-1-phuong-2024797.html
- Vụ rơi trực thăng: Lần du lịch cuối và chuyến bay định mệnh
- Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8
- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các cơ quan báo chí tại TP. HCM
- Chủ tịch nước chủ trì hội nghị góp ý vào Dự thảo Đề án xây dựng Nhà nước pháp quyền
- Bộ GTVT trình Quốc hội 3 dự án cao tốc hơn 84.000 tỷ đồng
- Buộc thôi việc Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc
- Chủ tịch Quốc hội: Không được “đụng” nguồn cải cách tiền lương để làm đường
- Xem xét kỷ luật các ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long liên quan vụ Việt Á
- Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman thăm Việt Nam