Cổ phiếu địa ốc sẽ còn phân hóa
Thị giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán thể hiện kỳ vọng của nhà đầu tư vào kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp và cổ phiếu địa ốc không là ngoại lệ, thế nhưng thực tế lại không hẳn như vậy…
Cổ phiếu của doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững mạnh, quỹ đất sạch lớn sẵn sàng triển khai dự án... luôn được chú ý. Ảnh: Dũng Minh
Về vùng giá hợp lý?
Thị trường chứng khoán vừa trải qua nhịp giảm giá mạnh. Theo ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán, sau nhịp downtrend này, mặt bằng giá cổ phiếu nói chung đã giảm 30-40% so với đầu năm. Với nhóm cổ phiếu bất động sản, mức giảm nhiều cổ phiếu còn “thảm” hơn.
Đơn cử, cổ phiếu CEO của Công ty cổ phần Tập đoàn C.E.O đã giảm gần 47% trong khoảng 2 tháng qua, từ gần 75.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 40.000 đồng/cổ phiếu. Trước đó, cổ phiếu này được dự đoán có thể tăng lên mức 110.000 đồng/cổ phiếu, khiến không ít nhà đầu tư chạy đua theo kỳ vọng giá tăng “cháy” tài khoản. Nhiều ý cho rằng, đợt sụt giảm mạnh này đưa cổ phiếu CEO trở lại giá trị thực, phù hợp với nội tại doanh nghiệp.
Thực tế, cổ phiếu CEO đã tăng gần 3 lần trong hơn 1 năm qua nhờ kỳ vọng về hoạt động du lịch nghỉ dưỡng phục hồi mạnh mẽ trở lại, khi là một trong những nhà phát triển nghỉ dưỡng lớn nhất cả nước. Năm 2021, C.E.O báo lãi gần 82 tỷ đồng, nhưng chủ yếu đến từ hoạt động tài chính, trong khi hoạt động khai thác nghỉ dưỡng chỉ nhen nhóm trở lại từ đầu năm 2022. Điều này phần nào phản ánh việc lợi nhuận quý I/2022 chưa đạt kỳ vọng đề ra.
Tuy nhiên, với nỗ lực đẩy mạnh kinh doanh các sản phẩm ở 2 thị trường trọng điểm là Vân Đồn (Quảng Ninh) và Phú Quốc (Kiên Giang), thúc đẩy hoàn thiện thủ tục pháp lý cho các dự án trọng điểm, lợi nhuận các quý tiếp theo của CEO được cho là cải thiện đáng kể, từ đó tác động tích cực lên giá cổ phiếu. Năm 2022, CEO đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu 3.000 tỷ đồng, tăng 2,4 lần và lợi nhuận sau thuế đạt 300 tỷ đồng, tăng 3,7 lần so với thực hiện năm 2021.
Kỳ vọng thị giá cổ phiếu sẽ bật tăng trở lại cùng triển vọng về hoạt động kinh doanh cốt lõi phục hồi mạnh mẽ cũng là điều Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín - TTC Land (mã SRC) mong muốn. Cổ phiếu SCR đã giảm gần 1/3 giá trị trong hơn một tháng qua, nhưng trên nhiều diễn đàn chứng khoán, cổ phiếu này vẫn được nhìn nhận dưới góc độ tích cực, bởi thực tế những phiên giao dịch gần đây, bao gồm cả phiên giảm lịch sử gần 80 điểm của VN-Index ngày 25/4/2022 vừa qua, lực bán ra cổ phiếu SCR đều không quá lớn.
Tại Đại hội cổ đông diễn ra trước đó, Ban lãnh đạo TTC Land cho biết, trong quý I/2022, Công ty ghi nhận doanh thu 395 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hơn 70 tỷ đồng, hoàn thành hơn 25% kế hoạch năm. Trong năm 2022, SCR đặt mục tiêu đạt 2,135 tỷ đồng doanh thu thuần và 300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 27% và 24% so với thực hiện năm 2021 nhờ một loạt dự án đang có tiến độ bán hàng tốt như Panomax, Tamashi, Selavia, Jamona Heights, Charmington Iris…
“Tân binh” Công ty cổ phần BV Land (mã BVL) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2022 với doanh thu thuần đạt hơn 168 tỷ đồng, tăng 54% và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 59 tỷ đồng, tăng 28 lần so với cùng kỳ năm trước. Chính thức giao dịch trên thị trường UPCoM từ giữa năm 2021, hiệu ứng “lên sàn” giúp cổ phiếu BVL bật mạnh, có thời điểm tăng gần 5 lần so với giá ngày chào sàn (10.400 đồng/cổ phiếu), trước khi lùi về vùng giá 36.000 đồng/cổ phiếu như hiện nay.
Nhiều ý kiến cho rằng, với một tên tuổi mới như BV Land, đà tăng giá cổ phiếu phụ thuộc nhiều vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Thông tin từ Ban lãnh đạo BV Land cho biết, 2 dự án BV Bavella Lạc Ngàn và tổ hợp bất động sản cao cấp BV Diamond Hill đều được bàn giao cho khách hàng trong năm nay, qua đó mang lại nguồn thu ổn định cho Công ty.
Yếu tố hỗ trợ cần đến từ nội tại doanh nghiệp
Theo đánh giá từ các công ty chứng khoán, động thái cứng rắn trong việc kiểm soát thị trường từ cơ quan quản lý thời gian gần đây khiến nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn tới các cổ phiếu của những doanh nghiệp có nền tảng vững vàng, tầm nhìn dài hạn và có mức định giá hợp lý, thay vì chạy theo thông tin đơn thuần như trước đây.
Chẳng hạn, tại Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Nhà Đà Nẵng (mã NDN), kết thúc quý I/2022, Công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế 23,5 tỷ đồng, nhưng bóc tách báo cáo tài chính cho thấy, yếu tố chính giúp thoát lỗ là nhờ doanh thu hoạt động tài chính đạt hơn 23 tỷ đồng (cho dù đã giảm gần 63% so với cùng kỳ năm trước và một nửa tới từ đầu tư chứng khoán). Trong khi đó, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh cốt lõi là bất động sản chỉ đạt vỏn vẹn 144 triệu đồng, giảm rất mạnh so với con số gần 50 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2021.
Sau sự cố Tổng giám đốc Nguyễn Quang Trung bị bắt do “vi phạm quy định về quản lý tài sản gây thất thoát, lãng phí”, Nhà Đà Nẵng càng trượt dài trong khủng hoảng, các dự án bị ngưng trệ. Vừa qua, doanh nghiệp này đã phải hoãn kế hoạch tổ chức Đại hội cổ đông sang tháng 6/2022. Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu NDN chủ yếu trong xu hướng đi xuống, thậm chí ngay cả khi thị trường bật mạnh, hiện giao dịch quanh vùng giá 14.000 đồng/cổ phiếu.
Tại Công ty cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã NBB), thị giá cổ phiếu đã giảm gần 50% từ đầu năm tới nay khi phải vật lộn với quá trình tái cấu trúc. Sau 3 tháng đầu năm 2022, Công ty đạt doanh thu thuần 75,8 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ năm trước. Đại diện Năm Bảy Bảy cho biết, doanh thu ghi nhận trong kỳ chủ yếu tới từ dự án Sơn Tịnh - Quảng Ngãi. Bên cạnh đó, Công ty còn ghi nhận 27,7 tỷ đồng doanh thu tài chính nhờ lãi tiền gửi, tiền cho vay và hợp tác đầu tư, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ đạt 260 triệu đồng.
Tuy nhiên, sau khi trừ đi giá vốn và các chi phí, lợi nhuận sau thuế chỉ còn 1,5 tỷ đồng, giảm 95% so với cùng kỳ năm 2021 và mới hoàn thành được 1,5% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra. Khó khăn lớn nhất với Năm Bảy Bảy lúc này là gánh nặng nợ vay lớn cùng nhiều dự án đang gặp vướng mắc pháp lý. Chưa kể, động thái liên tục giảm sở hữu của Công ty mẹ Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (mã CII) thời gian gần đây cũng khiến Năm Bảy Bảy gặp nhiều bất lợi trong việc triển khai dự án.
Với Công ty cổ phần Tasco (mã HUT), giai đoạn hoảng loạn của thị trường vừa qua cũng phần nào đưa cổ phiếu HUT trở lại với giá trị thực, khi đang gặp nhiều khó khăn bởi tái cấu trúc hoạt động. Đại dịch Covid-19 cùng việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài trong giai đoạn 2020-2021 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh chính là thu phí đường bộ, khiến Tasco báo lỗ nhiều quý liên tục.
Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán, trái với việc hiệu quả kinh doanh đi xuống, thị giá cổ phiếu HUT liên tục tăng trong giai đoạn này và đạt đỉnh 51.300 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 21/3/2022, trước khi giảm về vùng giá 30.000 đồng hiện tại.
Đà tăng của cổ phiếu HUT được hỗ trợ bởi kỳ vọng khi xuất hiện cổ đông mới, Tasco sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh sang các mảng có biên lợi nhuận tốt hơn là dịch vụ ô tô, trong khi các mảng kinh doanh khác như bất động sản, đầu tư hạ tầng giao thông sẽ hồi phục khi nền kinh tế bước vào giai đoạn “bình thường mới”. Dẫu vậy, để giá cổ phiếu tăng trưởng bền vững, các hoạt động cần được “cụ thể hóa” bằng những con số, thay vì các cam kết “suông”.
Nguồn TNCK
https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/co-phieu-dia-oc-se-con-phan-hoa-post296675.html
- Nhận định thị trường phiên giao dịch chứng khoán ngày 3/6: Ưu tiên nắm giữ danh mục đang có lợi nhuận
- Bộ Tài chính: Hoàn thiện hệ thống cảnh báo với giao dịch chứng khoán bất thường
- Cổ phiếu họ nhà FLC bị bán tháo, chứng khoán giằng co
- Mạnh tay thanh lọc thị trường, chứng khoán Việt nỗ lực lấy lại niềm tin
- Công ty CP chứng khoán Kenanga Việt Nam bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, vì sao?
- Thêm quan chức EU muốn dùng tài sản đóng băng của Nga để tái thiết Ukraine
- VN-Index giảm sâu, la liệt cổ phiếu nằm sàn: Ôm tiền không dám bắt đáy
- 12,5 triệu cổ phiếu TED giao dịch trên UPCoM
- Sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 23/4