Cổ phiếu “vua” vẫn còn hấp dẫn?
Giá cổ phiếu ngân hàng được kỳ vọng tăng bền vững khi và chỉ khi cầu tiêu dùng phục hồi và sản xuất phát triển. Ảnh tư liệu

Chất lượng lợi nhuận sẽ cải thiện

Trong báo cáo chiến lược 6 tháng cuối năm 2024, Công ty Chứng khoán MB (MBS) kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2024, được thúc đẩy bởi sự phục hồi mạnh mẽ của xuất khẩu và cải thiện đầu tư (cả khu vực tư nhân và nhà nước). GDP năm 2024 dự kiến sẽ tăng trưởng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với năm 2022 là 7,9% nhưng cao so với mục tiêu của Chính phủ là 6,5%.

Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng kỳ vọng sẽ đạt 14% vào năm nay. Trong đó, tài chính tiêu dùng, thẻ tín dụng và cho vay mua ô tô dự kiến sẽ có nhu cầu cao hơn nhờ lãi suất cho vay thấp và doanh số bán lẻ phục hồi. Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức cao trong thời gian còn lại của năm nhờ việc giảm lãi suất cho vay để thu hút tín dụng. Bên cạnh đó, chất lượng tài sản của các ngân hàng được nâng nên nhờ việc trích lập dự phòng trong các quý tiếp theo khi tín dụng tăng trưởng nhanh.

Còn trong báo cáo triển vọng ngành Ngân hàng được thực hiện bởi Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), các chuyên gia phân tích cho rằng, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế sẽ hoàn thành kế hoạch 15% dựa trên nhiều kỳ vọng như tiếp tục triển khai chủ trương duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp để hỗ trợ kinh tế hồi phục. Cùng đó, động lực tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm 2024 kỳ vọng được đóng góp nhiều hơn từ phân khúc khách hàng cá nhân, thị trường bất động sản tiếp tục đà hồi phục sau những nỗ lực tháo gỡ vấn đề pháp lý của Chính phủ.

Tuy nhiên, các chuyên gia của KBSV cũng thận trọng với chất lượng tài sản của toàn ngành khi kinh tế vẫn cần thêm thời gian hồi phục, cũng như các chính sách cần thêm thời gian để phát huy hết vai trò. Dù vậy, tình hình nợ xấu sẽ được cải thiện hơn so với năm 2023 nhờ Thông tư 02/2023/TT-NHNN dự kiến sẽ được gia hạn đến hết năm 2024, chính sách hỗ trợ của các ngân hàng thông qua lãi suất, tháo gỡ những vấn đề pháp lý để các doanh nghiệp tiếp tục triển khai mở rộng hoạt động kinh doanh - sản xuất.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm trong quý I tác động trực tiếp đến thu lãi thuần, các nguồn thu ngoài lãi cũng chưa có nhiều dấu hiệu phục hồi, chất lượng tài sản suy giảm nhẹ. Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu khởi sắc trong những tháng cuối của quý II khi tín dụng tăng trưởng tốt hơn, các chỉ số vĩ mô có sự cải thiện theo chiều hướng tích cực. KBSV kỳ vọng trong nửa cuối năm 2024, chất lượng lợi nhuận của các ngân hàng sẽ tốt hơn nhờ kỳ vọng tăng trưởng cả năm đạt 15%, NIM tiếp tục được cải thiện; nợ xấu có chuyển biến tích cực hơn.

Cơ hội liệu có “sáng” hơn vào cuối năm?

Theo các chuyên gia, sau khi có một nhịp tăng mạnh trong quý I đưa chỉ số giá trên giá trị sổ sách (P/B) ngành Ngân hàng tăng lên mức 1,7 lần, hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đã có nhịp điều chỉnh tương đối, đưa P/B ngành quay trở lại mức 1,47 lần ở hiện tại – thấp so với mức trung bình 5 năm 1,7 lần.

Với triển vọng dài hạn, ngành Ngân hàng xứng đáng có mức định giá tốt hơn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn các cổ phiếu có thể sẽ có nhịp điều chỉnh nếu kết quả kinh doanh quý II và quý III chưa thực sự khởi sắc. Mặc dù vậy, các chuyên gia khuyến nghị, hiện tại đang là thời điểm thích hợp để mua vào những cổ phiếu tiềm năng cho mục tiêu đầu tư dài hạn.

Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam đánh giá, kết quả lợi nhuận quý II/2024 của ngành Ngân hàng sẽ có sự phân hóa mạnh. Chỉ có một số ngân hàng công bố con số tăng trưởng vượt trội 40 %- 50%, còn lại chỉ tăng trưởng ở mức ổn định, thấp hơn các ngành khác.

Các ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao thì vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng. “Đánh giá chung, ngành Ngân hàng có thể có năm tăng trưởng đi ngang chứ chưa phải là năm tăng trưởng bứt phá. Dự báo, 6 tháng cuối tăng trưởng của các ngân hàng sẽ sáng hơn so với thời điểm đầu năm nhờ yếu tố mùa vụ và mức tăng trưởng tín dụng tốt” – ông Minh nói.

Ở góc nhìn khác, ông Phan Khánh Linh - Chủ tịch Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư Take Profit Việt Nam cho rằng, hoạt động kinh doanh của ngân hàng phụ thuộc nhiều vào tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, theo tính toán, doanh thu từ hoạt động tín dụng của các ngân hàng thường chiếm 70 - 80%. Trong khi đó, chi phí đầu vào đang tăng bởi chi phí huy động tăng làm cho biên lãi ròng NIM của ngân hàng thu hẹp.

“Các năm trước tăng trưởng tín dụng chia làm hai đợt như 6 tháng đầu, 6 tháng cuối năm, nhiều ngân hàng hết room trước khi đến thời hạn được gia hạn. Tuy nhiên, hiện tại Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu tín dụng ngay từ đầu năm nhưng đến 24/6/2024, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế mới đạt 4,45% là con số còn thấp so với kỳ vọng 14-15% cả năm. Bức tranh chung của ngân hàng là tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm thấp, cầu tín dụng yếu, khả năng sẽ được cải thiện vào cuối năm, tuy nhiên lợi nhuận của ngân hàng chưa bứt phá được ngay trong ngắn hạn” - ông Linh phân tích.

Theo ông Linh, định giá của các ngân hàng hiện tại đang ở quãng trung vị trong vòng 5 năm. Nếu lấy định giá cao nhất và thấp nhất của ngân hàng trong vòng 5 năm thì hiện tại định giá của các ngân hàng đang ở mức giữa, đây mà mức định giá không quá rẻ cũng không quá đắt. Do vậy, cần có những có câu chuyện riêng thì mới có thể đẩy định giá nên mức hấp dẫn để đầu tư.

Áp lực trích lập dự phòng của các ngân hàng vẫn cao

Theo các chuyên gia, áp lực trích lập dự phòng của các ngân hàng vẫn còn cao trong năm 2024 do tăng trưởng nợ xấu đã quay trở lại mức cao trong quý III/2023; nhu cầu tín dụng chưa phục hồi mạnh khiến hoạt động quay vòng vốn vay chậm lại làm tăng nợ xấu, đặc biệt là cho vay bán lẻ. Tuy nhiên, áp lực này sẽ khác nhau giữa các ngân hàng.