Cơ quan thuế muốn ứng dụng AI, dữ liệu lớn để quản lý rủi ro thuế trong TMĐT
Cơ quan thuế sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro; áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để xử lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo, đề xuất các biện pháp quản lý thuế theo rủi ro đối với hoạt động TMĐT.
Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đang xếp thứ 3 trong khu vực và là một trong những nền kinh tế số tăng trưởng tiềm năng nhất. Doanh thu thị trường TMĐT ở Việt Nam đạt 13,7 tỷ USD năm 2021, với mức tăng khoảng 15% so với năm 2020. Với tốc độ tăng trưởng 2 con số mỗi năm, dự kiến doanh thu có thể đạt 39 tỷ USD vào năm 2025.
Cùng với sự tăng trưởng, phát triển mạnh mẽ của hoạt động TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới cũng đặt ra nhiều vấn đề, đặc biệt là liên quan đến quản lý thuế do những khó khăn trong quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế, xác định căn cứ tính thuế…
Theo ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, công tác quản lý hoạt động TMĐT hiện vẫn còn nhiều thách thức như khả năng quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế; khó khăn trong việc xác định được căn cứ tính thuế; khó phân biệt rõ loại thu nhập làm cơ sở đánh thuế; khó kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT; việc kiểm soát dòng tiền…
Tổng cục Thuế muốn áp dụng nhiều công nghệ mới để quản lý thuế. Ảnh: Tổng cục Thuế
Hiện nay, hệ thống chính sách và quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT đang được khẩn trương nghiên cứu và hoàn thiện với nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành.
Cuối năm 2021, Bộ Tài chính cũng đã ban hành kế hoạch tổng thể thực hiện các giải pháp tại Đề án “Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam” nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý thuế đối với TMĐT trong nước và xuyên biên giới, chú trọng hoạt động cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới của nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, thời gian tới, cơ quan này tiếp tục triển khai các hoạt động để quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT theo hướng hiện đại hóa.
Cụ thể, cơ quan thuế sẽ tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về thuế để tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu sàn TMĐT trong việc khai thuế, nộp thuế thay cho người bán hàng hóa, dịch vụ thông qua sàn có chức năng đặt hàng trực tuyến và cung cấp thông tin cho cơ quan thuế bằng phương thức điện tử.
Hiện đại hoá công tác quản lý thuế; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin để kết nối, lưu trữ thông tin để hỗ trợ, kết nối với người nộp thuế (nhà cung cấp nước ngoài, sàn TMĐT...) theo hình thức điện tử trực tiếp tại Cổng thông tin điện tử Tổng cục Thuế.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, cơ quan này cũng sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro đối với thương mại điện tử; áp dụng trí tuệ nhận tạo (AI) để xử lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp vượt ngưỡng rủi ro và đề xuất các biện pháp quản lý thuế theo rủi ro đối với hoạt động thương mại điện tử (kết hợp cơ sở dữ liệu từ hóa đơn điện tử, thương mại điện tử).
Xây dựng hệ thống quản lý thuế thông minh, đáp ứng khả năng kết nối dữ liệu với các cơ quan quản lý nhà nước, tích hợp thông tin, xử lý dữ liệu lớn, hoạt động 24/7, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế.
Triển khai công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch thường xuyên và theo chuyên đề đối với hoạt động TMĐT, trong đó tập trung đối với nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam và một số chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT.
Phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức, hiệp hội có liên quan để trao đổi, kết nối thông tin, phối hợp quản lý và hoàn thiện việc sửa đổi chính sách, pháp luật để tăng cường công tác quản lý TMĐT. Cụ thể, cơ quan thuế đã ký thỏa thuận phối hợp công tác với Bộ Công Thương để chia sẻ cơ sở dữ liệu, kết nối để khai thác thông tin, hoàn thiện chính sách pháp luật để quản lý hoạt động kinh doanh TMĐT.
Ký thỏa thuận phối hợp công tác với Bộ TT&TT (cơ quan quản lý về mạng viễn thông, Internet; quản lý cung cấp dịch vụ số với công tác quản lý thuế) để khai thác, truyền nhận, kết nối thông tin doanh nghiệp quảng cáo xuyên biên giới; danh sách cá nhân có phát sinh doanh thu từ quảng cáo trên sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số; doanh nghiệp trong nước có hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông và sử dụng tài nguyên kho số.
Xây dựng chương trình làm việc với Bộ Công An để đề xuất phối hợp thực hiện kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý thuế...
Duy Vũ
- Indonesia: Apple đã rót hơn 15 tỷ USD vào sản xuất tại Việt Nam
- Chuyển đổi số để phát triển quận Bắc Từ Liêm xứng tầm
- OpenAI nhắm đến hai địa hạt thống trị của Google
- OpenAI chi bao nhiêu để mua nội dung đào tạo ChatGPT?
- OpenAI nhắm đến hai địa hạt thống trị của Google
- Doanh nghiệp Việt loay hoay tăng thu giảm chi bằng chuyển đổi số
- Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số
- Điện thoại Trung Quốc thách thức Samsung, Apple tại châu Âu
- Khóa tài khoản, xóa nội dung vi phạm trên Internet là kịp thời, cần thiết