Có thể học hỏi kinh nghiệm phát triển nhà ở xã hội của Singapore và Anh
Theo các chuyên gia, phải có tư duy dài hạn và cách tiếp cận tổng thể thì vấn đề nóng về nhà ở xã hội mới có thể được giải quyết một cách kịp thời.
Các khu công nghiệp đóng vai trò quan trọng với sự phát triển kinh tế Việt Nam, thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và tạo việc làm cho hàng triệu người dân. Cùng với sự phát triển của các khu công nghiệp là sự dịch chuyển dân cư, kéo theo nhu cầu nhà ở tăng cao. Hiện, lao động nhập cư chiếm khoảng 50% nguồn nhân lực trong các khu công nghiệp, tỷ lệ này còn cao hơn tại các trung tâm kinh tế và sản xuất như TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai.
Một trong những giải pháp dài hạn để giữ chân người lao động là cung cấp nhà ở xã hội - Nguồn: VnEconomy
Sau đại dịch Covid-19, việc thu hút và giữ chân người lao động để đảm bảo hoạt động kinh doanh liên tục là điều cốt yếu. Một trong những giải pháp dài hạn đến từ việc cung cấp nhà ở xã hội.
Thực tế, phần lớn lao động nhập cư thuê nhà trọ chủ yếu do các hộ dân xung quanh khu công nghiệp đầu tư xây dựng, vấn đề an ninh, vệ sinh và chất lượng còn hạn chế. Một số người thậm chí không thể thuê hoặc mua nhà gần nơi làm việc và phải di chuyển xa để đi làm hàng ngày, đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe và an toàn giao thông, ảnh hưởng đến an sinh và năng suất lao động.
Theo ông David Jackson, Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam, để một địa phương tăng trưởng bền vững, rất cần một chương trình phát triển toàn diện, tập trung vào con người. Điều này đồng nghĩa với việc phải có cách tiếp cận tổng thể và dài hạn để giải quyết tình trạng thiếu nhà ở xã hội tại Việt Nam.
Ông David Jackson chỉ ra ví dụ điển hình về sự thành công của nhà ở xã hội Singapore. "Tuy mô hình phát triển nhà ở xã hội của quốc gia này không hoàn toàn phù hợp với Việt Nam, song vẫn có những kinh nghiệm có thể học hỏi được", Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam nói.
Ông David Jackson, Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam - Nguồn: Colliers Việt Nam
Thứ nhất, nhà ở xã hội tại Singapore được xem là tài sản xã hội, mục tiêu là đảm bảo cơ hội tiếp cận công bằng về nhà ở và hạn chế sự méo mó về kinh tế và xã hội liên quan đến quyền sở hữu tài sản. Do đó, Cơ quan Phát triển Nhà ở xã hội (HDB) được thành lập và có nhiệm vụ cung cấp nhà ở giá cả phải chăng cho người dân của đảo quốc này.
Các căn hộ HDB được nhà nước cung cấp theo hợp đồng thuê 99 năm. Người mua căn hộ HDB có thể tận dụng nguồn vay từ ngân hàng, vay từ HDB, trả bằng tiền mặt hoặc bằng nguồn vốn rút từ Quỹ Tiết kiệm Trung ương (CPF) - một hệ thống an sinh xã hội cho phép công dân Singapore và thường trú nhân tiết kiệm để nghỉ hưu.
Thứ hai, vì được xem là tài sản xã hội, các cụm nhà ở HDB được phát triển chủ yếu dựa trên cách tiếp cận tạo ra nơi ăn chốn ở, nghĩa là xây dựng cộng đồng và môi trường sống chứ không chỉ tập trung vào số lượng căn hộ và giá bán. Trên cơ sở này, việc phát triển nhà ở xã hội luôn gắn liền với cơ sở hạ tầng đô thị hiện hữu (đường sá, giao thông, trường học, dịch vụ y tế…) và các tiện ích thể thao, giải trí, công viên, khu ăn uống cùng nhiều dịch vụ bán lẻ khác.
Theo ông David Jackson, một vấn đề đáng quan tâm nữa là đảm bảo giá nhà ở xã hội vừa túi tiền của người có nhu cầu thực. Tại Anh, nơi có một trong những dự án nhà ở xã hội quy mô lớn đầu tiên trên thế giới được xây dựng vào đầu thế kỷ 20, giá thuê nhà ở xã hội được tính theo thu nhập địa phương và thấp hơn nhiều so với giá thuê nhà ở tư nhân. Chính phủ cũng hạn chế việc tăng giá thuê nhà, duy trì giá thuê ở mức hợp lý để đảm bảo mọi người tiếp cận được nhà ở mà không lo vuột mất cơ hội do giá tăng cao.
"Nhìn chung, phải có tư duy dài hạn và cách tiếp cận tổng thể thì vấn đề nóng về nhà ở xã hội mới có thể được giải quyết một cách kịp thời hơn. Sức khỏe kinh tế của cộng đồng là chìa khóa cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế địa phương và quốc gia. Do đó, đem đến cơ hội nhà ở an toàn, giá cả phải chăng với khoảng cách hợp lý đến nơi làm việc là một trách nhiệm xã hội, giúp những người có thu nhập thấp và lao động nhập cư được hòa nhập với xã hội nói chung cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Có lẽ Việt Nam cần cú bắt tay từ các khu vực Nhà nước, tư nhân và phi lợi nhuận", ông David Jackson nhấn mạnh.
Nguồn https://congluan.vn/co-the-hoc-hoi-kinh-nghiem-phat-trien-nha-o-xa-hoi-cua-singapore-va-anh-post198297.html
- Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư
- Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư
- Giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi
- Siêu thị 0 đồng phục vụ bệnh nhân ung thư tại thành phố Hồ Chí Minh
- Cảnh báo mạo danh cơ quan BHXH yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân cập nhật thẻ BHYT trên ứng dụng VssID
- Cấp đổi thẻ căn cước trực tuyến được giảm 50% lệ phí
- Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
- Phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành 3 nhiệm vụ về hỗ trợ nhà ở, xóa nhà tạm, nhà dột nát
- Tổ chức xóa nhà tạm, nhà dột nát trong cả nước như chiến dịch, ngày hội của toàn dân