Có việc làm vẫn nhận trợ cấp thất nghiệp: Cần sớm bịt “lỗ hổng”
Bị thu hồi tiền, xử phạt vi phạm hành chính, không được bảo lưu thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp... là các hình thức xử lý nếu người lao động đã có việc làm nhưng vẫn đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Quy định là vậy, nhưng vẫn còn nhiều người lao động vừa có việc làm mới, vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp. Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra để bịt "lỗ hổng" này...
Người lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.
Trục lợi bảo hiểm thất nghiệp
Chị Phạm Thị B., quê ở Thái Nguyên đến Trung tâm Dịch vụ việc làm huyện Sóc Sơn để đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng sau đó được nhận vào làm việc tại một công ty ở Thái Nguyên.
Do không tự động khai báo đã có việc làm mới nên chị vẫn hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, từ ngày 2-6-2014 đến 1-9-2014, mỗi tháng 1.773.000 đồng.
Tương tự, trường hợp anh Nguyễn Duy Th. được hưởng trợ cấp thất nghiệp từ ngày 5-7-2023 đến 5-9-2023, mức 6,6 triệu đồng/tháng. Thực tế, tháng 8-2023, anh Th. đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tại một công ty trên địa bàn quận Cầu Giấy.
Trường hợp trục lợi bảo hiểm thất nghiệp khác là anh Phạm Hoàng L., được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong vòng 11 tháng, bắt đầu từ ngày 18-5-2023 với mức 10.435.000 đồng/tháng. Đến tháng 9-2023, anh L. đã có việc làm mới tại một công ty trên địa bàn quận Cầu Giấy, song không khai báo mà tiếp tục nhận trợ cấp thất nghiệp...
Còn nhiều trường hợp bị phát hiện vi phạm quy định ngay từ khi hưởng trợ cấp thất nghiệp ở tháng thứ 2. Điều này cho thấy, nhiều lao động còn xem nhẹ các quy định trong Luật Việc làm.
Áp dụng các biện pháp kiểm soát
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, hành vi sai trái trên bị phát hiện khi các trung tâm dịch vụ việc làm tăng cường biện pháp kiểm soát trong thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Số khác bị phát hiện thông qua kết luận của Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước kiểm tra công tác quản lý thu của đơn vị tại cơ quan bảo hiểm xã hội. Hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội phát hiện trong quá trình giải quyết chế độ hưu trí, chế độ tử tuất. Số ít là trường hợp người lao động tự nguyện đến trung tâm dịch vụ việc làm xin được hoàn trả lại tiền trợ cấp thất nghiệp do nhận thấy đã hưởng sai quy định.
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Thị Thanh Liễu cho biết, trung tâm đã áp dụng các biện pháp kiểm soát trong thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp với người lao động, đồng thời thực hiện đồng loạt các giải pháp phòng, chống việc trục lợi bảo hiểm thất nghiệp. Với các trường hợp phải thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp, cán bộ trung tâm hướng dẫn và đôn đốc người lao động nộp lại tiền đã hưởng sai quy định cho cơ quan bảo hiểm xã hội, đồng thời sử dụng nhiều hình thức liên lạc, thông báo để người lao động đến trung tâm để hoàn thiện các thủ tục giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Về phía Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, theo Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng Dương Thị Minh Châu, ngày 6-10 vừa qua, đơn vị đã có Công văn số 5293/BHXH-CĐBHXH gửi Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội về việc phối hợp kiểm tra, rà soát trường hợp người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có phát sinh đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Theo đó, trong quá trình lập danh sách chi trả trợ cấp thất nghiệp, đơn vị đã thực hiện rà soát dữ liệu người hưởng với dữ liệu tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và phát hiện một số trường hợp vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp mà vẫn có việc làm. Kết quả, trong 3 tháng 7, 8, 9-2023, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã tạm dừng lập danh sách chi trả trợ cấp thất nghiệp đối với 24 trường hợp. Đồng thời, đề nghị Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thông báo, phối hợp với người lao động kiểm tra việc phát sinh đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp và trình Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội ban hành quyết định thu hồi, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.
Theo quy định tại Luật Việc làm, nếu lao động đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, sau đó đi làm lại thì trong vòng 3 ngày phải thông báo cho trung tâm dịch vụ việc làm để thực hiện thủ tục chấm dứt và bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp. Nếu người lao động cố ý không thông báo tình trạng thực tế thì sẽ bị phạt theo quy định tại Điều 27, Nghị định số 55/2013/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 1-2 triệu đồng...
Bên cạnh những trường hợp cố tình không thông báo tình trạng việc làm mới khi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, vẫn còn một số tình huống người lao động có việc làm vào tháng giáp ranh và truy thu bảo hiểm xã hội. Do vậy, người lao động cần lưu ý các quy định về đóng và hưởng trợ cấp thất nghiệp để không ảnh hưởng đến tiến trình đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và tránh bị phạt hành chính.
\
- Anh dân quân không tham của rơi, tìm người để trả
- Trục vớt, di dời quả bom M-118 thứ 3 tại quận Long Biên
- Thủ tướng Chính phủ đồng ý nghỉ 9 ngày liên tục trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Cháy rừng ở Sóc Sơn ngày càng khó kiểm soát
- Lễ hội cây cảnh hoa giấy Phù Đổng - “Sắc hoa trên miền di sản”
- Khuyến cáo công dân Việt Nam không đến Ukraine do căng thẳng leo thang
- Trách nhiệm, đồng lòng chống lãng phí
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3