Công bố Hồ sơ di cư Việt Nam 2023: Di cư lao động là loại hình chủ yếu
Theo số liệu của Hồ sơ di cư Việt Nam 2023, trong giai đoạn 2017-2023, di cư lao động tiếp tục là loại hình di cư chủ yếu của Việt Nam với gần 860.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Ông Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: TTXVN phát
Sáng 29-10, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tổ chức Hội thảo công bố Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023.
Tại hội thảo, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, di cư diễn ra với quy mô và tốc độ ngày càng tăng, tác động sâu sắc đến tất cả các quốc gia.
Việt Nam hiện nay không chỉ là nước gốc (nước xuất cư) mà còn là nước tiếp nhận và nước trung chuyển của di cư. Do đó, việc định kỳ đánh giá các dòng di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài và dòng di cư của người nước ngoài vào Việt Nam là rất cần thiết, giúp nhận diện kịp thời các vấn đề chính sách dựa trên bằng chứng để từ đó hoàn thiện chính sách, pháp luật về di cư theo kịp với yêu cầu thực tiễn. Đây cũng chính là mục tiêu của Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023 được chính thức công bố.
Trong Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (gọi tắt là Thỏa thuận GCM) được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào tháng 12-2018, mục tiêu số 1 kêu gọi các quốc gia xây dựng Hồ sơ Di cư nhằm tạo cơ sở cho việc xây dựng chính sách về di cư dựa trên bằng chứng. Trên thực tế, Việt Nam đã hai lần xây dựng và công bố Hồ sơ Di cư vào năm 2011 và năm 2016.
Là ấn bản lần thứ ba, tập trung vào giai đoạn 2017-2023, ông Nguyễn Minh Vũ cho biết Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023 có một số điểm nổi bật. Đó là đây là lần đầu tiên bổ sung phân tích các dòng di cư của người nước ngoài vào Việt Nam và chính sách, pháp luật liên quan đến di cư của người nước ngoài.
Hồ sơ đã thu thập, phân tích được một hệ thống dữ liệu, thông tin về di cư quốc tế có nhiều phân tổ thống kê, giúp phác thảo rõ nét hơn tổng quan di cư quốc tế với nhiều mảng số liệu mà hai Hồ sơ Di cư trước đây chưa thể bao quát hết.
Hồ sơ cũng phân tích đánh giá đầy đủ hơn về chính sách và thực tiễn bảo đảm quyền của phụ nữ trong quá trình di cư và cung cấp thông tin, kết quả việc triển khai Thỏa thuận GCM của Việt Nam.
Lao động Việt Nam nhập cảnh tại Sân bay Incheon. Hàn Quốc. Ảnh: TTXVN
Nhấn mạnh thúc đẩy di cư hợp pháp, phòng, chống di cư qua các kênh không chính thức, bảo đảm di cư an toàn, bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người di cư, bao gồm công dân Việt Nam và người nước ngoài di cư vào Việt Nam luôn là chính sách nhất quán của Việt Nam, ông Nguyễn Minh Vũ khẳng định, Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác với các quốc gia cũng như các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế nhằm tăng cường chia sẻ kinh nghiệm quản trị di cư, xây dựng, quản lý hệ thống dữ liệu di cư, đẩy mạnh các biện pháp thúc đẩy di cư hợp pháp an toàn và giảm thiểu tính dễ bị tổn thương đối với người di cư trong quá trình di cư.
Cũng tại Hội thảo, bà Mitsue Pembroke, Quyền Trưởng đại diện Phái đoàn IOM cho rằng Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023 mang đến cái nhìn đa chiều hơn về các khía cạnh khác nhau của di cư thông qua số liệu và quá trình phân tích dựa trên bằng chứng.
Theo bà Mitsue Pembroke, trong một thế giới không ngừng thay đổi, cùng quá trình toàn cầu hóa và hội nhập, việc hiểu rõ các vấn đề xung quanh di cư sẽ giúp các quốc gia đưa ra những chính sách dựa trên bằng chứng và hiệu quả. Hồ sơ Di cư là quyển cẩm nang giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các xu hướng, cũng như nắm bắt được các thách thức còn tồn tại xung quanh vấn đề này.
Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023 được Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) chủ trì biên soạn với sự tham gia của các cơ quan, trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ chính sách và chương trình dựa trên bằng chứng trong bối cảnh di cư xuyên biên giới ở Việt Nam” do Bộ Ngoại giao và IOM phối hợp thực hiện với tài trợ của Quỹ Phát triển IOM (IDF) nhằm tổng hợp, phân tích các dòng di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài, dòng di cư của người nước ngoài vào Việt Nam và chính sách, pháp luật liên quan đến di cư trong giai đoạn 2017-2023.
Đánh giá cao vai trò của người di cư trong thúc đẩy phát triển xã hội và tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam và cả các quốc gia có liên quan (quốc gia tiếp nhận hay quốc gia gốc), Báo cáo nhận định di cư quốc tế, nếu được quản lý hiệu quả, sẽ là nhân tố thúc đẩy phát triển bền vững, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội cho mỗi quốc gia, mỗi địa phương, cộng đồng và của chính bản thân người di cư.
Theo số liệu của Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023, trong giai đoạn 2017-2023, di cư lao động tiếp tục là loại hình di cư chủ yếu của Việt Nam với gần 860.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tương đương với hơn 100.000 người được đưa đi hằng năm, tập trung nhiều nhất tại Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc.
Tư vấn xuất khẩu lao động. Nguồn: TTXVN
Di cư du học cũng có mức tăng tương tự; mặc dù đến nay chưa có số liệu chính xác nhưng con số ước tính hiện đạt trên 250.000 người, chủ yếu tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Hoa Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc), Canada, Trung Quốc, Anh, Đức.
Tỷ lệ người Việt Nam di cư là nữ giới có chiều hướng tăng. Dòng di cư của người nước ngoài vào Việt Nam cũng tương đối đa dạng, đáng kể nhất là di cư lao động với 475.198 người nước ngoài được cấp phép lao động từ 2017-2022.
Bên cạnh đó, các số liệu của Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023 cũng chỉ ra một số thách thức như việc bảo đảm di cư an toàn, ngăn chặn tình trạng đưa người di cư trái phép, mua bán người qua biên giới, giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người di cư trước thực trạng báo động về lừa đảo trực tuyến “việc nhẹ, lương cao," đưa người di cư làm việc trái phép, mua bán người nhằm ép buộc thực hiện hành vi phạm tội tại các cơ sở sòng bạc, kinh doanh trò chơi trực tuyến trong khu vực.
Tình trạng “chảy máu chất xám” và các thách thức mới đặt ra do sự phát triển của trí tuệ nhân tạo bắt đầu thay thế nguồn nhân lực tay nghề thấp cũng là những vấn đề cần tiếp tục quan tâm. Tuy không có số liệu chính thức nhưng ước tính có 70-80% du học sinh đi học tự túc không về nước sau khi học xong, mà ở lại nước ngoài để làm việc với thu nhập cao hơn, chế độ đãi ngộ tốt hơn.
Báo cáo khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần có những giải pháp thực sự đồng bộ, đột phá để giảm thiểu tình trạng này, đồng thời biến thách thức thành cơ hội khi hiện nay đã hình thành quan niệm mới về “tính di động chất xám," giúp người di cư vẫn có thể tham gia, đóng góp bằng các hình thức khác nhau mà không nhất thiết phải trở về đất nước./.
- Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
- Phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành 3 nhiệm vụ về hỗ trợ nhà ở, xóa nhà tạm, nhà dột nát
- Tổ chức xóa nhà tạm, nhà dột nát trong cả nước như chiến dịch, ngày hội của toàn dân
- Lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật
- 1.337 chỉ tiêu tại Hội chợ việc làm cho người lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước
- Vụ máy bay rơi tại Bình Định: Đã liên lạc được với cả hai phi công
- Hỗ trợ 5 nghìn công nhân, lao động Thủ đô về quê đón Tết
- Không khoan nhượng với tội phạm buôn bán người
- Hồi sinh lụa La Khê