Cộng đồng trách nhiệm vì nạn nhân chất độc da cam

Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024 | 8:41

Không chỉ huy động được nhiều nguồn lực thực hiện hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, trong năm 2024, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, kêu gọi ủng hộ cho nạn nhân chất độc da cam...

da-cam.jpg

Nhóm thiện nguyện Uống nước nhớ nguồn ủng hộ 180 triệu đồng tặng quà Tết vì nạn nhân chất độc da cam dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Ảnh: Thu Minh

Huy động mọi nguồn lực

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng cả nước vẫn còn hàng triệu nạn nhân chất độc da cam. Họ mang trong mình nhiều bệnh tật hiểm nghèo với những nỗi đau cả về thể xác và tinh thần, cuộc sống vô cùng khổ cực. Đại tá Phạm Xuân Hưng, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Giám đốc Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam chia sẻ: “Nạn nhân chất độc da cam là những người nghèo nhất trong những người nghèo, người đau khổ nhất trong những người đau khổ. Họ cần lắm sự sẻ chia và chung tay của toàn xã hội để vơi bớt nỗi đau, khó khăn, vất vả".

Phát huy tinh thần “Đoàn kết - Nghĩa tình - Trách nhiệm - Vì nạn nhân chất độc da cam”, thời gian qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã chủ động, tích cực huy động nguồn lực từ cộng đồng xã hội, chung tay xoa dịu nỗi đau da cam. Theo số liệu báo cáo kết quả vận động của các tỉnh, thành hội và của Quỹ Nạn nhân Trung ương Hội, trong năm 2024, cấp Trung ương Hội đã huy động hơn 7,5 tỷ đồng, các địa phương (tỉnh, thành phố) huy động được gần 514 tỷ đồng.

Từ sự chung tay của cộng đồng, công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân được thực hiện ngày càng hiệu quả. Trong năm 2024, Trung ương Hội và các cấp Hội đã hỗ trợ xây mới, cải tạo 924 căn nhà với tổng kinh phí hơn 36 tỷ đồng. Hội cũng dành gần 3.900 suất nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam/dioxin thường xuyên tại trung tâm, cộng đồng với tổng kinh phí hơn 14,8 tỷ đồng. Dịp Tết Nguyên đán năm 2024, hội đã trao tặng hơn 250.000 suất hỗ trợ với tổng giá trị gần 243 tỷ đồng. Ngoài ra, hội thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực hỗ trợ các gia đình nạn nhân chất độc da cam, bao gồm: Trợ cấp 15.407 suất học bổng; hỗ trợ sản xuất 2.198 trường hợp; tặng 2.662 xe lăn, xe lắc, xe đạp; thăm hỏi đột xuất nạn nhân sau thiên tai, bão lũ…

Có được kết quả đó, theo Trung tướng Nguyễn Hữu Chính, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, không thể không kể đến sự vào cuộc đồng bộ của toàn hệ thống tổ chức hội trên cả nước (63/63 tỉnh, thành hội; 638 huyện, quận hội; 6.668 hội cơ sở xã, phường, thị trấn; 373.484 hội viên) trong việc huy động nguồn lực từ chính quyền, các tổ chức, các nhà hảo tâm và toàn xã hội chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.

Kêu gọi sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Đại tá Phạm Xuân Hưng, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Giám đốc Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết, cùng với hoạt động huy động nguồn lực, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cũng đẩy mạnh công tác đấu tranh đòi công lý, kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Năm 2024, hội đã mở rộng quan hệ với các đối tác mới như: Nghị sĩ Quốc hội Bỉ, Nghị sĩ Quốc hội Pháp, Đại sứ quán Vương quốc Bỉ tại Việt Nam; Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam - Lào - Campuchia; một số nhà tài trợ Mỹ - Việt; Tập đoàn Loose Cannons Inc. (Mỹ); Công ty Bonetech (Hàn Quốc)…

Hội cũng đã làm việc với 7 đoàn là các tổ chức có yếu tố nước ngoài; tiếp đón và làm việc với hơn 51 lượt đoàn khách nước ngoài từ các nước Mỹ, Pháp, Anh, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Điển, Thái Lan… đi thăm các trung tâm, gia đình nạn nhân; hỗ trợ xây, sửa nhà, tặng quà, cấp xe lăn, học bổng, vốn phát triển sinh kế tại hộ gia đình hoặc tại các trung tâm... Đặc biệt, hội đã tổ chức 2 đoàn lãnh đạo hội công tác nước ngoài. Đoàn đi Pháp và Bỉ tham dự vụ kiện của bà Trần Tố Nga tại Tòa Phúc thẩm Paris đã gặp gỡ, làm việc với 16 tổ chức để vận động ủng hộ vụ kiện. Đoàn đi Mỹ dự hội thảo “Những di sản chiến tranh và hòa bình ở Việt Nam - Lào - Campuchia” do Viện Hòa bình Mỹ tổ chức tại Washington DC, kết hợp làm việc với 8 đối tác ở Mỹ nhằm kêu gọi ủng hộ cho nạn nhân chất độc da cam.

Hiện nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam phối hợp với Đoàn các nhà khoa học Trường Đại học Tohoku Fukushi (Nhật Bản), Hiệp hội vì Cuộc sống và nền Giáo dục tốt đẹp hơn (ABLE) nghiên cứu, đề xuất chính sách, biện pháp cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống, sức khỏe cho nạn nhân.

Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Trưởng ban Vận động quốc tế, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh, việc Hạ viện Bỉ thông qua Nghị quyết hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (tháng 10-2023) giúp nhiều cơ quan, tổ chức, chính khách có cách nhìn cụ thể hơn về thảm họa da cam ở Việt Nam. Ông bày tỏ sự tin tưởng việc đạt được bước tiến cao hơn trong quan hệ đối ngoại sẽ góp phần thúc đẩy Quốc hội, Chính phủ các nước quan tâm hơn đến vấn đề nạn nhân chất độc da cam, có trách nhiệm trong khắc phục hậu quả sau chiến tranh. Những kết quả này cũng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân của Việt Nam.