Công nghệ quang học biến kính chắn gió ô tô thành màn hình 'siêu thực'
Không cần những thiết bị đeo cồng kềnh như headset và kính thông minh, người dùng sẽ có thể trải nghiệm công nghệ thực tế hỗn hợp ngay trên kính chắn gió ô tô.
Google vừa đầu tư 11,1 triệu USD cho một startup Phần Lan để phát triển công nghệ biến mọi bề mặt trong suốt thành màn hình thực tế ảo hỗn hợp.
Distance Technologies, startup vừa nhận tài trợ, đặt mục tiêu đưa công nghệ thực tế hỗn hợp vào bất kỳ kính chắn gió ô tô hay buồng lái máy bay, cho phép người dùng có thể quan sát vật thể kỹ thuật số 3D ngay phía trên bảng điều khiển.
Hiện nay, để trải nghiệm thực tế ảo tăng cường, người dùng buộc phải sử dụng các thiết bị phần cứng cồng kềnh như headset và kính. Trong khi đó, công nghệ của Distance không cần đến các thiết bị như vậy.
Để trải nghiệm thực tế ảo hỗn hợp, người dùng vẫn đang phải đeo những thiết bị cồng kềnh như thế này. Ảnh: Unreal Engine
“Một trong những rào cản lớn đối với thực tế hỗn hợp là tìm ra giải pháp gọn gàng về thiết bị”, Urho Konttori, CEO và đồng sáng lập của Distance, nói với CNBC. Konttori trước đây là giám đốc công nghệ của Varjo, một công ty thực tế hỗn hợp khác có trụ sở tại Helsinki.
Thế hệ giao diện người dùng tiếp theo
GV, trước đây được gọi là Google Ventures, cũng là nhà đầu tư vào Distance cho hay, họ bị thu hút vì "tiềm năng xây dựng thế hệ giao diện người dùng tiếp theo".
"Chúng tôi đặc biệt hào hứng về cách một số con đường ngắn hạn hơn để đưa công nghệ này ra thị trường trong ngành ô tô và hàng không vũ trụ, cho phép người dùng có thể tiếp cận công nghệ này", Roni Hiranand - người đứng đầu GV nói.
Việc thương mại hóa thực tế hỗn hợp không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Đầu tiên, giá thành thiết bị thực tế hỗn hợp vẫn còn đắt. Thiết bị Vision Pro của Apple và HoloLens 2 của Microsoft đều có giá khởi điểm là 3.500 USD. Trong khi đó, The Verge tiết lộ Meta đang phát triển kính thực tế ảo tăng cường mới có giá sản xuất lên đến 10.000 USD.
Màn hình hiển thị thực tế tăng cường hay HUD không phải là hiện tượng mới trong ngành công nghiệp ô tô. Các công ty đã nỗ lực bổ sung các tính năng này vào ô tô trong nhiều năm, với "gã khổng lồ" công nghệ Huawei là một trong những công ty tiên phong.
Một loạt các công ty công nghệ màn hình khác cũng đang phát triển AR HUD riêng cho ô tô như First International Computer, Spectralics, Envisics, Futurus, CY Vision, Raythink, Denso, Bosch, Continental và Panasonic.
Tuy nhiên, hạn chế của hầu hết các AR HUD đang gặp phải là chỉ có thể hiển thị ở một góc cụ thể hoặc nửa dưới của màn hình. Theo Giám đốc tiếp thị Jussi Mäkinen của Distance Technologies, hệ thống của công ty có thể giải quyết vấn đề này với khả năng bao phủ toàn bộ bề mặt của bất kỳ bề mặt trong suốt nào.
Tiềm năng với hàng không vũ trụ và quốc phòng
Bên cạnh nhằm vào thị trường ô tô toàn cầu, công nghệ của Distance cũng chủ yếu tập trung cho lĩnh vực hàng không vũ trụ và quốc phòng.
Theo Konttori, Distance hoạt động bằng cách sử dụng công nghệ theo dõi để xác định vị trí bạn đang nhìn và sau đó tính toán trường ánh sáng chính xác để khớp với vị trí chính xác của mắt bạn.
Giải pháp của Distance bổ sung một lớp quang học lên trên hầu hết các màn hình tinh thể lỏng (LCD), cho phép công nghệ của công ty này chiếu hình ảnh vào những nơi mắt bạn đang tập trung.
Sử dụng kỹ thuật này, Distance có thể tách trường ánh sáng thành mắt trái và mắt phải, đồng thời tạo ra một lớp quang học bổ sung bên dưới tạo ra độ sáng cao.
Distance cho biết hệ thống của họ có khả năng tạo ra độ sâu pixel "vô hạn", nghĩa là nó có thể tạo ra trường nhìn có kích thước thật trong mọi bối cảnh, dù là đang lái ô tô hay máy bay chiến đấu F-18.
(Theo CNBC, The Verge)
- OpenAI nhắm đến hai địa hạt thống trị của Google
- OpenAI chi bao nhiêu để mua nội dung đào tạo ChatGPT?
- OpenAI nhắm đến hai địa hạt thống trị của Google
- Doanh nghiệp Việt loay hoay tăng thu giảm chi bằng chuyển đổi số
- Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số
- Điện thoại Trung Quốc thách thức Samsung, Apple tại châu Âu
- Khóa tài khoản, xóa nội dung vi phạm trên Internet là kịp thời, cần thiết
- Doanh nghiệp Việt học hỏi được gì từ hành trình hồi sinh của gã khổng lồ Kodak?
- Ai cũng có thể là nạn nhân của deepfake khiêu dâm trong kỷ nguyên AI