Công nghệ tài chính - Xu hướng thế giới và thực tiễn Việt Nam

Thứ bảy, ngày 8 tháng 10 năm 2022 | 13:43

tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (Bộ Giáo dục và Đào tạo) phối hợp Câu lạc bộ Nhà khoa học (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức Diễn đàn Công nghệ tài chính - Xu hướng thế giới và thực tiễn Việt Nam (VIETNAM FINTECH FORUM) năm 2022.

Theo Ban Tổ chức, diễn đàn là sự kiện khởi đầu cho chuỗi gặp gỡ thường niên về công nghệ tài chính giữa các nhà nghiên cứu, chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức tài chính, các nhà hoạch định chính sách trong và ngoài nước lĩnh vực liên ngành giữa Toán ứng dụng, công nghệ thông tin, tài chính, quản trị rủi ro.

Diễn đàn nhằm thúc đẩy các nghiên cứu và hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và các ngân hàng, các tổ chức tài chính ở Việt Nam. Bên cạnh các báo cáo có tính chất tổng quan về tình hình nghiên cứu, ứng dụng, xây dựng chính sách trong lĩnh vực công nghệ tài chính ở Việt Nam, trên thế giới, hai phiên làm việc song song trong hai ngày 6 và 7/9 sẽ gồm các báo cáo chuyên sâu về các chủ đề ứng dụng Toán, khoa học dữ liệu trong các lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, quản trị rủi ro.

Theo PGS, TS Đào Thanh Trường, Trưởng ban điều hành Câu lạc bộ Nhà khoa học (Đại học Quốc gia Hà Nội), không nằm ngoài guồng quay phát triển của Fintech toàn cầu, làn sóng Fintech ở Việt Nam cũng nhanh chóng lan rộng và phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực.

Trong những năm gần đây, Fintech Việt Nam đã tăng trưởng đáng kể nhờ việc áp dụng ngày càng nhiều các giao dịch kỹ thuật số, sự phát triển của thị trường thương mại điện tử cũng như sự hỗ trợ của Chính phủ về việc mở rộng các hình thức thanh toán số.

Có thể khẳng định, Fintech đã và đang thu hút sự quan tâm của đông đảo các chủ thể, các bên liên quan. Cũng theo PGS, TS Đào Thanh Trường, Đại học Quốc gia Hà Nội có thể cùng Viện nghiên cứu cao cấp về Toán kết nối một cộng đồng lớn quan tâm đến công nghệ tài chính, không chỉ thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu về Fintech mà còn góp phần vào quá trình hoạch định các chính sách, tư vấn chính sách để thực sự thúc đẩy thị trường Fintech đầy tiềm năng của Việt Nam trong thời gian tới...

 

Chia sẻ tại diễn đàn vấn đề Blockchain (chuỗi khối) và Fintech, GS, TS Đức (David) Trần, Đại học Massachusetts, Boston (Hoa Kỳ) cho rằng Blockchain giúp tạo dựng một xã hội số hóa, nơi mọi người có thể đóng góp, cộng tác và giao dịch mà không phải hoài nghi về độ tin cậy và tính minh bạch. Những tác động to lớn của blockchain đã được thực hiện trong nhiều lĩnh vực, bao gồm tài chính, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, môi trường, giao thông vận tải và từ thiện. Trong đó, lĩnh vực tài chính được hưởng lợi nhiều nhất từ blockchain và sẽ còn phát triển hơn nữa trong tương lai. Blockchain với các sản phẩm tài chính sáng tạo đang dần chiếm lĩnh thị trường vốn bị thống trị bởi tài chính truyền thống.

Trong khi đó, TS Lê Đức Phong (Ngân hàng Canada) đưa ra những đánh giá tổng quan về blockchain và tình hình ứng dụng của công nghệ này trong Fintech hiện nay, đặc biệt một vài dự án ứng dụng blockchain trong việc xây dựng tiền điện tử ngân hàng Trung ương (CBDC)… PGS. TS Trần Thị Thanh Tú (Đại học Quốc gia Hà Nội) thì chia sẻ về thực trạng thị trường Fintech tại Việt Nam; những chương trình đào tạo Fintech hiện có tại Việt Nam và những kinh nghiệm phát triển.

Cũng tại diễn đàn, các nhà khoa học, học giả, quản lý trong nước và quốc tế đã trình bày các vấn đề quan tâm liên quan Fintech như: Nghiên cứu liên ngành trong Toán kinh tế và tài chính; Chiến lược phát triển tài chính toàn diện ở Việt nam và vai trò của Fintech; Nghiên cứu và ứng dụng Fintech trên thế giới; Xu hướng mới trong Toán tài chính; Phát triển ứng dụng Fintech với các sản phẩm bảo hiểm…